Lễ phục áo dài nam giới: Vì sao chưa thể luật hóa?
Mới đây, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề cập đến câu chuyện quốc phục tại nghị trường với đề xuất nam giới mặc áo dài ngũ thân truyền thống, và cho rằng nên có luật về quốc phục. Vấn đề này đã nhận được nhiều luồng ý kiến.
Ngày nay nam giới Việt cũng rất tích cực mặc áo dài trong các sự kiện quan trọng
Ý tưởng cần trân trọng
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTTDL) nghiên cứu trong thời gian tới đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, Chính phủ xây dựng Luật về nghi lễ, quốc phục, quốc hoa. Luật nghi lễ này để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân kế thừa truyền thống cha ông. Đề xuất này một lần nữa làm nóng lại câu chuyện lựa chọn quốc phục vốn đã được bàn thảo qua nhiều kỳ cuộc trước đây nhưng vẫn chưa thể ngã ngũ.
Dù chưa được chính thức công nhận là quốc phục nhưng áo dài nữ từ lâu đã được ngầm hiểu là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Với trang phục áo dài ngũ thân nam giới, trong khoảng vài năm trở lại đây cũng đang dần được sử dụng trong nhiều sự kiện, lễ hội, đặc biệt với sự vào cuộc nhiệt tình của một số cơ quan, tổ chức như Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế, CLB Đình làng Việt...
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng, những người yêu trang phục truyền thống dân tộc kiến nghị luật hoá, yêu cầu mặc áo dài trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt ở công sở, trong các nghi lễ ngoại giao là những ý kiến tâm huyết, đáng trân trọng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quốc gia trên thế giới thường có một số hình thức khuyến khích người dân sử dụng trang phục truyền thống như một cách thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, văn hoá, thể hiện sự tự hào, tự tôn dân tộc.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam cũng nhìn nhận, đây là ý tưởng độc đáo, cần trân trọng. Trước đây trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu thường sử dụng các loại trang phục khác nhau, chủ yếu là vest nhưng thiết kế, màu sắc không đồng nhất. “Nếu như được nhìn thấy các đại biểu nam trong những chương trình làm việc của Quốc hội, đặc biệt như các phiên họp khai mạc mặc áo dài ngũ thân là điều khá tuyệt”- NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.
Theo NTK, Hoa hậu Ngọc Hân nhìn nhận, việc nam giới mặc áo dài thường xuyên sẽ lan tỏa nét đẹp truyền thống. Trong năm 2021, NTK Cao Minh Tiến cũng đã trình làng khá nhiều bộ sưu tập áo dài dành cho nam giới. Anh chia sẻ, thời trang cho nam giới vốn có biên độ hạn hẹp hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, áo dài dành cho nam giới đã được các NTK đặc biệt chú ý và quan tâm, tạo nên một thị trường áo dài nam khá phong phú, sôi động.
Hãy tôn vinh vẻ đẹp áo dài cho nam giới
Nhà nghiên cứu và thiết kế cổ phục trẻ tuổi Nguyễn Đức Lộc cho rằng, cổ vũ cổ phục trở lại nhưng cũng khó có thể quy định thành luật về quốc phục trong Hiến pháp hay đạo luật nào. Quốc phục khác Quốc kỳ, Quốc ca ở chỗ không phải tác phẩm duy nhất mà quốc phục chính là hệ thống trang phục phân biệt quốc gia này với quốc gia khác. Chưa kể Việt Nam có tới 54 dân tộc, mỗi dân tộc sở hữu sắc phục khác nhau. Quốc phục có ng hĩa bắt buộc người dân Việt phải mặc vì đó là biểu tượng quốc gia. Vì thế điều này gần như khó khả thi.
Trân trọng sáng kiến và tâm huyết mong muốn nam giới mặc áo dài ngũ thân, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã bày tỏ. Từ những năm 1990, sau khi có phong trào tìm về bản sắc văn hoá dân tộc, nhiều hội thảo, hội nghị về áo dài nam truyền thống cũng đã được tổ chức và vẫn không thể đi đến thống nhất về giải pháp cuối cùng là quốc phục. Điều này không có nghĩa là chúng ta bế tắc, không thể xác định, thực hành mặc trang phục truyền thống mà vì việc làm này thực sự khó khăn khi xác định quốc phục.
Trên cơ sở này, các nhà nghiên cứu đề xuất rằng, thay vì luật hoá hay có những quy định cứng nhắc về trang phục áo dài nam truyền thống, có lẽ cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách thực sự hiệu quả và thực chất, để áo dài nam trở thành niềm tự hào tự thân của người mặc là nam giới. Chỉ khi việc mặc áo dài là nhu cầu tự thân, là niềm tự hào của chính người mặc thì việc mặc áo dài nam truyền thống mới trở nên bền vững.
Bài và ảnh Thảo Mộc