“Sử nhân Hà Nội” Nguyễn Ngọc Tiến

Một đời vì tình yêu Hà Nội

Thiên Kim (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến được ví như một “sử nhân Hà Nội” với nhiều tác phẩm viết về Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng ven nội thành Hà Nội nên “nặng lòng” với nơi chôn rau cắt rốn để rồi tuôn trào vào những trang viết. Viết nhiều về Hà Nội, nhìn thấy Hà Nội đổi thay theo từng giai đoạn nên nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cảm thấy tự hào, vì dù Hà Nội phát triển mạnh mẽ thì vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Trong cuộc trò chuyện bên thềm năm mới với Báo Phụ nữ Thủ đô, ông bảo “Hà Nội nuôi tôi bằng cái nôi văn hóa và tình yêu Hà Nội cứ thế thẩm thấu dần”…

“Không có vùng đất nào thẫm đẫm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như Hà Nội”

Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rồi trở thành một trong những tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay với những cuốn khảo cứu “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội…, ông có thể phác thảo đôi nét về giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội?

Không có vùng đất nào ở Việt Nam thẫm đẫm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như Hà Nội, điều này dễ hiểu vì Hà Nội là  đất cổ và thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Cổ Loa đã là kinh đô của nước Âu Lạc. Sau đó Thăng Long  là  kinh đô của Đại Việt trong nhiều thế kỷ và ngày nay Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam. Nhiều di sản văn hóa được UNESCO trao tặng danh hiệu và Nhà nước đã xếp hạng di sản đặc biệt. Từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, văn hóa xứ Đoài, nơi sinh sống của người Việt cổ có đặc trưng riêng càng làm  văn hóa Hà Nội thêm phong phú, đa dạng. Lâu nay người ta mặc định, văn hóa truyền thống là văn hóa  dân gian, tuy nhiên văn hóa ngoại sinh được người Việt tước bỏ những thứ không phù hợp cũng có thể coi là văn hóa truyền thống.
 Trong các di sản văn hóa ở Hà Nội còn hay mất thì vẫn  thấy rõ nhiều giá trị, đầu tiên là nó sinh ra tâm thức dân gian, truyền thuyết Thánh Tản Viên, Thánh  Gióng, Cáo chín đuôi ở Hồ Tây… cho thấy rõ điều đó. Các di sản dù là thành quách, công trình tôn giáo, tín ngưỡng hay nghệ thuật diễn xướng dân gian… đã đạt đến tầm  thẩm mỹ rất cao.

Ngoài đền, miếu thờ phụng các  nhân vật lịch sử thì ngay cả trong truyền thuyết cũng có một phần sự thật, vì thế di sản văn hóa truyền thống còn có giá trị lịch  sử. Một giá  trị nổi bật trong văn hóa phi vật thể là lối sống, ứng xử của người Thăng Long-Hà Nội, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã tổng kết “Người Hà Nội can trường, khoáng đạt, tế nhị, thanh lịch, tao nhã”.  

Một đời vì tình yêu Hà Nội - ảnh 1

Theo ông, để có thể bảo tồn những giá trị truyền thống đó trong xu hướng phát triển, hội nhập, Hà Nội cần có những giải pháp nào? 

 Tôi cho rằng, gìn giữ được các di sản cũng có nghĩa là bảo tồn các giá trị của văn hóa truyền thống. Tuy nhiên gìn giữ văn hóa vật thể dù sao cũng hơn giữ gìn văn hóa phi vật thể. Giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà văn Tô Hoài coi tiếng Hà Nội “thanh thoát, dễ nghe, êm dịu” là sản phẩm văn hóa đặc biệt của Hà Nội, và đã có dự án chữa nói nhịu “l và n” song đến nay vẫn chưa mang lại nhiều kết quả. Muốn bảo tồn phải khôi phục những di sản đã mất và coi  đó là tài sản quý. Phải giáo dục, tuyên truyền cho các thế hệ hiểu được giá trị, khi hiểu thì mọi người sẽ yêu quý, nâng niu. Chúng ta đã có Luật Di sản và Hà Nội có Luật Thủ đô nhưng quan trọng là  thực hiện luật phải nghiêm.

 Trước sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa Hà Nội đang có sự thích ứng, biến đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Ông nhận xét thế nào về sự thích ứng, biến đổi trong bối cảnh mới của văn hóa, con người Hà Nội?

Một cách công bằng, không phải hôm nay Việt Nam mới hội nhập quốc tế, Việt Nam đã  hội nhập  trong gần 100 năm là  thuộc địa của Pháp. Hàng hóa sản xuất ở Hà Nội, Việt Nam đã xuất đi nhiều nước trên thế  giới, thanh niên du học ở Pháp, Anh. Các  ban nhạc Nga, Philippine thường xuyên chơi trong quán bar, khách sạn ở Hà Nội. Thập  niên 30, người Hà Nội đã xem phim Taczan của  điện ảnh Mỹ, nghe nhạc và xem kịch Pháp ở Nhà hát Lớn. Truyện cổ Trung Quốc, văn học Anh, Pháp được dịch ra chữ quốc ngữ, kiến trúc phương Tây hiện diện trên các con phố Hà Nội… Người Pháp cưỡng bức học tiếng Pháp song trong tiếp nhận văn hóa, văn minh Pháp lại có yếu tố tự nguyện. Ngay cả khi thực dân Pháp đô hộ, văn hóa truyền thống Hà Nội đâu có mất. Hàng đêm vẫn có hát chèo, ca trù, cải lương,  người  Hà Nội vẫn  thực hành tín ngưỡng ở đền phủ, áo dài vẫn xen lẫn quần áo tân thời. Vì sao vậy? Vì mỗi dân tộc có “mã gen văn hóa” và mã gen này di truyền từ đời này sang đời khác. 

Một đời vì tình yêu Hà Nội - ảnh 2

Tôi nghĩ thích ứng (có tính chủ động), biến đổi (vừa chủ động vừa bị động) nhưng biết văn hóa nước  ngoài du nhập cái gì, khi nào mà thích ứng và biến đổi? Chúng ta có luật, nếu vi phạm thì cứ theo luật mà xử, nếu quá lố nhưng chưa đến mức vi phạm thì dư luận xã hội sẽ lên án, phê phán. Tôi cho rằng không quá lo lắng, văn hóa truyền thống sẽ phai nhạt khi chúng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Dù đã “chai” với Tết, song vào thời khắc giao thừa tôi vẫn có cảm  giác rất lạ khó tả, hồn tổ tiên đâu đây, thánh thần luẩn quẩn lạ lắm!
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến 

Hà Nội cần thu hút nhiều nhân tài để hiện thực hóa các tầm nhìn

Hà Nội còn được xem là nơi có số lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước, với hơn 60 địa điểm, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; kiến trúc, thiết kế, thủ công; không gian làm việc chung, hỗ trợ khởi nghiệp… Theo ông, đây có thể được xem là nhân tố để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa tầm nhìn khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO? 

    Một người yêu nước cháy bỏng và luôn khát khao dân tộc mình tự cường nhưng nếu không có tài thì khó có thể sáng tạo ra những sản phẩm công nghiệp  hay văn hóa mới, và càng khó hơn khi sáng tạo ra các sản phẩm làm thay đổi thói quen tiêu dùng trên thế giới. Chỉ người tài năng mới có thể làm được việc này. Không một quốc gia nào có mà “nhân tài như lá rụng mùa  thu” vì thế phải có chính sách thu hút nhân tài các nơi, đãi ngộ cho họ một bầu khí quyển để họ  sáng  tạo. Cơ sở vật chất, không gian thân thiện là cần thiết song chỉ có tính hỗ trợ.

 Bài học từ thành công của Hàn Quốc khi công nghiệp văn hóa nước này mang về khoảng 13tỷ đô la mỗi năm cho thấy, vai trò của Nhà nước, của Thành phố đã góp phần vào thành công. Những ngày đầu, họ lựa chọn người có năng khiếu, có tài đưa đến các nước có thế mạnh học tập bằng tiền ngân sách, khi  về nước, căn cứ vào  thực tế họ sẽ xem sáng tạo cái gì. Khi đã có thành công, các đơn vị tư nhân mạnh dạn đầu tư và Nhà nước chỉ làm công việc quản lý. Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, bước đầu Hà Nội cũng ban hành một số chính sách, hy vọng trong tương lai sẽ có kết quả.

Một đời vì tình yêu Hà Nội - ảnh 3
Một Hà Nội hiện đại ngày nay

Dù thay đổi, Tết ngày nay vẫn vẹn nguyên 3 trụ cột

 Là mảnh đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền, trong đó có văn hóa Tết truyền thống. Theo ông Tết Hà Nội bây giờ có khác nhiều với Tết Hà Nội xưa? Làm thế nào để vẫn giữ được những giá trị văn hóa Tết truyền thống đó, để nó không bị hòa tan trong dòng chảy hội nhập?

 Văn hóa Tết là sự thừa kế vô thức nhưng phong tục cũng thay đổi. Xa xưa, đến Tết nhà nhà ở  kinh đô Thăng Long trồng cây nêu, nhưng đến nhà Nguyễn đất  phố chật  chội nên nhiều nhà cũng bỏ tục này. Xưa hái lộc đầu năm là ra đền chùa và các vị trụ trì cho cành lá non, nếu hết thì cho 1 nén hương về nhà thắp nhưng nay có người bẻ cả cành cây trên phố. Không có vùng đất nào ở Việt Nam thẫm đẫm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như Hà Nội.

  Bây giờ Tết đơn giản hơn xưa, một số phong tục, tín ngưỡng  bị lược bỏ, cỗ không còn cầu kỳ, chúc tụng. Có nhiều nguyên nhân, do xã hội công nghiệp nên không có nhiều thời gian rảnh rỗi như xã hội nông nghiệp, do quan niệm, điều  kiện vật chất… Ví dụ, Tết ngày nay không đốt pháo sau hàng nghìn năm tồn tại vì quan niệm pháo gây nguy hiểm tính mạng. 

Trước năm 1954, Hà Nội không có tục Tết đón Giao thừa ở Hồ Gươm nhưng từ khi bà con miền Nam tập kết ra Bắc, sau khi nghe Bác Hồ chúc Tết trên đài, họ đi quanh hồ tìm đồng hương và cũng là khuây khỏa bớt nỗi  nhớ quê. Người Hà Nội đồng cảm đã ra Hồ Gươm cùng đi nên sinh ra tục nhân văn này. 

Sau đổi mới, kinh tế Hà Nội khá  lên, bánh chưng, giò chả bán quanh năm nên Tết không nhất thiết phải có. Đầu thế kỷ 21, dân Hà Nội đã tổng kết về Tết “ăn đi xuống, uống đi lên”, ngày nay một số gia đình trẻ đi du lịch trong dịp nghỉ Tết. Song dù thay đổi, Tết ngày nay vẫn vẹn nguyên 3 trụ cột làm nên cái Tết Nguyên đán. Ngày 23 tháng Chạp nhà nhà cúng ông Công, ông Táo, đêm 30 cúng Giao thừa và ra Tết là hóa vàng kết thúc Tết mời tổ tiên về lại âm phần. Ba nghi lễ này được thực hành ngay cả khi Hà Nội xảy ra chiến sự, cụ thể là ngày ông Công, ông Táo Tết Đinh Hợi năm 1947, Chính phủ Việt Minh và  lãnh đạo Trung Hoa, Anh, Mỹ và Pháp cam kết đình chiến trong ngày này để người Hà Nội di cư khỏi vùng chiến sự. Và các gia đình cúng ông Công, ông Táo xong mới gồng gánh rời thành phố. Khi 3 trụ cột của Tết vẫn nguyên vẹn thì Tết có thay đổi cũng không có gì phải trăn trở.

 Với mỗi một nhà văn và là một người con của Hà Nội, ắt hẳn ông dành nhiều tình cảm cho mảnh đất Thủ đô yêu dấu, sắp tới, ông đang ấp ủ tác phẩm nào về Hà Nội, ông có thể chia sẻ? 

Tôi đã hoàn thành cuốn “Ba Vì mạn chuyện” đây là khảo cứu về xứ Đoài, nơi sinh sống  của người Việt cổ với văn hóa  khác lạ. Vì sách này  khó bán nên đến nay chưa nhà xuất bản nào gật đầu. Một đơn vị đang in cho tôi cuốn tạp bút  “Qua đêm nhà các vua Nguyễn” trong đó có nhiều bài là những ghi chép khá lạ về Hà Nội. Và hiện tôi đang chấp bút một cuốn tản văn, tất nhiên cũng về Hà Nội.

   Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Hà Nội gốc như anh có lẽ sẽ có những cảm xúc rất riêng trước sự đổi thay của đất trời, khung cảnh mùa xuân… Ông có những cảm nhận thế nào trong những giây phút giao hòa của đất trời trước một mùa xuân mới?

Dù đã “chai” với Tết, song vào thời khắc Giao thừa tôi vẫn có cảm  giác rất lạ khó tả, hồn tổ tiên đâu đây, thánh thần luẩn quẩn lạ lắm!

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.