Mùa vải chín
PNTĐ-Tiếng chim tu hú sẽ còn vang mãi những mùa hè, những mùa vải. Nhưng người thân của nữ sĩ và những người yêu thơ sẽ mãi nhớ đến bài thơ Tiếng chim tu hú của Anh Thơ...
![]() |
Mồng Một đầu tháng tôi ra chợ đã thấy có hàng bán vải. Những chùm vải quả to đều, vỏ đỏ rất đẹp. Tôi mua ngay một chùm về thắp hương quả đầu mùa, cầm chùm vải tôi nhớ đến bài thơ Tiếng chim tu hú của nữ sĩ Anh Thơ, một trong những bài thơ hay của bà...
Đưa từ vườn vải xa
Quả bắt đầu chín lự
Ngọt như nỗi nhớ nhà
Ở các vùng trung du trồng nhiều vải, nghe tu hú kêu là biết vải đã chín. Hà Nội không có chim tu hú nên khi nhìn thấy sau xe đạp của người bán rong chở đầy các chùm quả mới biết đã vào mùa vải.
Nữ sĩ Anh Thơ sinh năm 1919. Năm 1939 Tự lực văn đoàn tổ chức cuộc thi thơ trong toàn quốc. Anh Thơ - người con gái tỉnh Bắc Giang dự thi với tập thơ Bức tranh quê được nhận giải thưởng của Tự lực văn đoàn. Mộng Tuyết - người con gái đất Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) với tập thơ Phấn Hương rừng được nhận giấy khen tặng. Hai người con gái ấy coi như những người làm thơ đầu tiên thời bấy giờ rồi đến Tương Phố, Mộng Sơn, Vân Đài, Ngân Giang, Cẩm Lai...
Năm 1941 tập thơ Bức tranh quê được NXB Đời nay in trên giấy dó lụa thượng hạng rất đẹp được các báo trong Nam ngoài Bắc khen ngợi rất nhiều. Năm 1942 Anh Thơ in chung với nhà thơ Bàng Bá Lân tập thơ Xưa. Cùng năm này nữ sĩ còn in cuốn tiểu thuyết Răng đen là hình ảnh người mẹ răng đen má hồng của tác giả đảm đang quán xuyến gia đình nhà chồng, nuôi chồng ăn học và chăm sóc đàn con nhưng không may đã sớm qua đời. Cuốn tiểu thuyết của nữ sĩ lúc đó rất được người đọc đón nhận. Thời kỳ ấy nước ta còn dưới ách thống trị của Pháp và Nhật, đời sống nhân dân rất khó khăn cực khổ, cảnh đau buồn trước mắt gây nhiều xúc động cho các nhà thơ nhưng không viết ra được, có viết cũng bị kiểm duyệt không được in nên đành đưa thi hứng về người xưa, cảnh cũ: Ông Đồ, Lều chõng đi thi, Tiếng chuông chùa, Vườn xưa...
Anh Thơ may mắn gặp được cách mạng, nhà thơ đã thoát ly gia đình đi hoạt động ở Lạng Sơn, Cao Bằng... Tiếp đến cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống Pháp, mười năm nhà thơ chưa về quê. Bài thơ Tiếng chim tu hú nói lên tình cảm của người con gái tham gia chiến đấu vẫn luôn nhớ quê nhà.
Nước sông Thương trôi nhanh
Trên đường đê bước rảo
Gió nam giỡn lá cành
Bỗng tiếng chim tu tú
Đưa từ vườn vải xa
Quả bắt đầu chín lự
Ngọt như nỗi nhớ nhà...
Bài thơ còn nói lên tâm sự thầm kín của người con gái, phải nén tình cảm riêng tư song lại rất thấu hiểu tình thương của người cha:
Chống gậy bước lên đồi
Thương một mùa vải đỏ
Má hồng con đang tươi
Có chàng qua chạm ngõ
Bỗng khói lửa ngút trời
Con đi đêm súng nổ
Vải rụng bến sông trôi
Rời tiếng chim tu hú
Vang suốt những mùa hè
Con đi dài thương nhớ
Mười năm chửa về quê
Mọi sự thành dang dở.
Khi con ra đi mái tóc cha mới điểm bạc, mười năm mong đợi mái tóc cha bạc thêm nhiều. Cha nén lòng cho con lên đường theo lý tưởng, lặng lẽ theo con ra tận bờ đê, bước chân cha vẫn vững vàng rắn rỏi, nay lên đồi phải chống gậy. Cha thương con duyên phận lỡ làng. Mười năm. Chàng trai năm xưa sang chạm ngõ đã gia đình êm ấm. Con gái cha mải mê nhiệm vụ cách mạng quên tuổi xuân thì... Hiểu tình thương của cha nhưng con vẫn phải đi xa, đi nữa. Thời kháng chiến người ta thường dùng câu “Bao giờ kháng chiến thành công” mới trở về hoặc mới lập gia đình. Trong bài thơ này nhà thơ không hẹn như thế mà nói lên sự làm việc hết mình, quên việc riêng để thực hiện việc chung:
Kêu chi hoài vườn xanh
Ta còn đi đi nữa
Như dòng sông trôi nhanh
Nhắn với chim tu hú
Cha già vui đợi mong
Mười năm trong khói lửa
Má con dù nhạt hồng
Nhưng bao nhiêu em gái
Đẹp lên mùa vải chín ven sông
Bài thơ Tiếng chim tu hú Anh Thơ viết năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, quân xâm lược Pháp phải rút hết về nước. Miền Bắc không còn bóng giặc.
Là một đảng viên, một cán bộ cách mạng, nữ sĩ Anh Thơ vẫn say mê lao động sáng tác, vừa làm việc quên mình đóng góp cho quê hương đất nước dù má đã nhạt hồng, song nữ sĩ vui vì lứa các em gái sau này sẽ được tươi đẹp, hạnh phúc hơn xưa.
Lý Thị Trung