Năm Sửu nói chuyện trâu: Hình ảnh con trâu trong nghệ thuật tạo hình
Mưa xuân giăng giăng, hoa đào ngậm nụ. Con chuột “Canh Tý” đang bàn giao thời gian cho con trâu “Tân Sửu” - một con vật sớm được thuần hóa, được coi như là bạn thân của người nông dân Việt từ bao đời nay.
Người Việt gắn liền với nền văn minh nông nghiệp nên con trâu luôn được xem là “đầu cơ nghiệp” và cái mơ ước lớn nhất của người nông dân là có “Ruộng sâu, trâu nái”. Song, đó là trâu trong đời sống thực còn hình ảnh con trâu đứng trong “hàng ngũ 12 con giáp” và “trâu nghệ thuật”, nhất là trong nghệ thuật tạo hình, trâu cũng được xem là một hình tượng độc đáo, hấp dẫn với các bộ môn nghệ thuật. Nó có mặt trong ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyền thuyết gắn liền với thực tiễn sản xuất của con người như: truyện “Trâu vàng hồ Tây”, “Trí khôn của người”, “Ngưu Lang Chức Nữ”, “Lục súc tranh công”… trâu không có tính xấu nào, dù bị bạc đãi vẫn giúp người làm ra của cải.
Do đó mà ngay trang đầu của nghệ thuật Việt Nam, trâu đã xuất hiện bên cạnh con người. Khi xã hội nguyên thủy chuyển từ thời đồ đá cũ sang thời đồ đá mới, cách nay chừng một vạn năm, trên vách hang Đồng Nội thuộc nền văn hóa Hòa Bình đã được khắc to mặt con thú ăn cỏ bên cạnh nhóm 3 mặt người. “Con thú ăn cỏ” với cặp sừng cong, cánh mũi lớn, mắt to miệng rộng, gợi cho người ta nghĩ đến con trâu. Tiếp đó, khi bước sang thời đại đồ đồng, cùng với sự nghiệp đổ bộ ngày càng sâu vào đồng bằng, thì sức kéo của trâu bò trong cuộc khẩn hoang ngày càng được khẳng định, nó trở thành con vật thiêng liêng trong tâm thức mọi người.
Ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh) có tượng trâu bằng đá được tạc theo khối mảng lớn của ngôn ngữ điêu khắc, tuy còn thô phác song thực thà đến thuần khiết. Đặc biệt vào thời Lê Trung Hưng, trong trào lưu phát triển mạnh của nghệ thuật làng xã với các chùa, đình thì con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) dựng năm 1647, ở lan can đá và ngay cả thượng điện cũng như ở tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Nhiều đình làng dựng vào thời gian trên như đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) có cảnh trâu kéo cày cùng hiện diện với nhiều cảnh vui trong ngày hội. Đình Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lại chạm cảnh chọi trâu rất căng thẳng, hai con đều chõi người, ngoắc sừng, ghìm đầu nhau, các mảng khối căng phồng. Cảnh này thường xảy ra trong nhiều hội làng, nay còn thấy diễn ra hàng năm ở hội Đồ Sơn (Hải Phòng) thế nên “Dù ai đi đâu về đâu – Nhớ rằm tháng Tám chọi trâu thì về – Dù ai buôn bán trăm nghề – Mồng mười tháng Tám cũng về chọi trâu” (ca dao vùng Đồ Sơn).
Hình ảnh trâu trong nghệ thuật
Nhưng phổ biến nhất là hình những con trâu trong loại hình tranh Tết, đặc biệt là tranh Đông Hồ hầu như nhà thường dân nào cũng có. Nếu bức “Nghỉ ngơi sau buổi bừa” chỉ vẽ nét con trâu gắn với người trong lao động, mệt nhọc mà vẫn thảnh thơi, thì thú vị phải là cặp tranh “Em bé chăn trâu” dám đăng đối như lối chơi câu đối. Nền tranh bức này thường đỏ cam còn bức kia vàng chanh. Bức dán bên tay phải người xem, vẽ em bé trải chiếu lên lưng trâu có cài mấy bông hoa cúc biểu hiện mùa thu, em nằm ngửa thả chiếc diều no gió căng phồng, con trâu quay đầu lại như người xem tranh. Phía trên đầu trâu, có câu Nhất rương phúc lộc điền có nghĩa Cánh diều no phúc lộc. Bức bên trái người xem là vế đối, vẽ em bé cưỡi trâu đang bước thủng thẳng, nghểnh đầu vểnh tai nghe tiếng sáo do em bé ngồi trên lưng trâu đang chăm chú thổi. Lưng trâu còn vắt bó sen có cả hoa và nụ, cả lá to và lá còn phong cuộn, là biểu hiện của mùa hè. Em bé dựng một lá sen xòe rộng che trên đầu như chiếc lộng. Tương tự phía trên đầu cũng có năm chữ Hà diệp cái thanh thanh có nghĩa lộng sen che xênh xang. Chăn trâu mà như quan trạng vinh quy, thật sướng thay!
Nhắc đến hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hình, phần lớn mọi người đều nhanh chóng nhớ ngay đến bộ tranh Thập mục ngưu đồ, tức 10 bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt Giác ngộ. Bộ tranh này cũng được xem là biểu hiện cô đọng nhất, trình bày tinh hoa của Phật giáo Đại thừa, được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức họa tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tủy của Thiền Trung Hoa.
Mặc dù có tài liệu cho rằng, có từ 4-6 bộ tranh chăn trâu khác nhau, nhưng nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhất vẫn là bộ với 10 bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (1150), được lưu lại trong bản sao của họa sĩ người Nhật tên Châu Văn (1460). Một bộ khác với 6 bức tranh cũng thường được nhắc đến. Ban đầu, Thiền sư Thanh Cư chỉ vẽ có 5 bức nhưng sau, Thiền sư Tự Đắc (thế kỷ XII) vẽ thêm bức tranh thứ 6. Trong bộ này, con trâu dần dần trắng ra và cuối cùng thì trắng hoàn toàn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, vô cấu. Riêng 10 bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn được chú thích rất rõ và được nhiều người biết qua tập Thiền luận của Daisetz Teitaro Suzuki (bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sĩ). Điển hình như ở bài tụng Cưỡi trâu về nhà (Kị ngưu quy gia) của Thiền sư Khuếch Am được Thích Thanh Từ dịch:
Cưỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à
Hiện nay, ở làng đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) người ta vẫn tạc và đúc những tượng trâu để bán cho du khách như tượng mục đồng cưỡi trâu thổi sáo, tượng hai con trâu chọi nhau, tượng trâu với người nông dân… dù chạm trên đá, gỗ hay vẽ trên giấy, chúng rất thực cũng như rất hư, trong cuộc sống nó “làm thật ăn giả” nhưng trong nghệ thuật nó luôn có một chân giá trị. Do đó chẳng những xưa mà ngay cả nay vẫn rung động mỹ cảm mọi người. Từ đó cho thấy, hình ảnh con trâu đã in sâu vào tâm trí của người dân, nó tạo nên một hình tượng thân thiết có mặt ở khắp nơi, rất phong phú, đa dạng không chỉ ở số lượng mà còn ở nội dung thể hiện, ở chất liệu tạo hình.
PHÚC NGUYỄN