“Người Việt Nam thật mạnh mẽ”
(PNTĐ) - Được tổ chức nhân nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024), triển lãm "Bàng ơi!" khai mạc từ ngày 8/10 tại Nhà tù Hỏa Lò (Maison Centrale) đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đặc biệt là giới trẻ.
Trưng bày chuyên “Bàng ơi…!” giới thiệu câu chuyện về “người bạn tình nghĩa” bao thế hệ tù chính trị trong Nhà tù Hoả Lò, nhân chứng của những gian khổ và tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam- cây Bàng. Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng đến sự hy anh của các chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hoả Lò.
Trưng bày được chia làm 2 phần: “Những cây bàng trong Nhà tù Hoả Lò” và “Bàng ơi”.
Phần I của triển lãm giới thiệu về "Chiến sĩ thầm lặng" nơi gốc cây bàng không chỉ là điểm đặt hòm thư mật và "sân bay" tiếp tế, mà còn là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của tù chính trị. Những cành bàng rơi xuống, qua đôi tay khéo léo của các tù nhân, được đẽo gọt thành các vật dụng hữu ích như tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, và nhạc cụ. Họ còn sử dụng vỏ bàng để sắc nước uống, giúp chữa trị bệnh đường ruột hiệu quả. Lá bàng được xem là dược liệu quý, trong khi quả bàng cung cấp vitamin và được coi là "thần dược" cho sức khỏe. Ngoài ra, ở phần I cũng đề cập đến những thức quả làm từ bàng, từ các loại thức uống như trà bàng, trà sữa thạch bàng đến những món thưởng thức như bánh lá bàng, chè bất khuất,...
Phần II của triển lãm "Bàng ơi!" giới thiệu những nét đặc sắc về cây bàng, từ bàng trong âm nhạc, văn học, thơ ca, cho đến hình ảnh lá bàng in thơ. Đặc biệt, cây bàng tại những vùng biển đảo xa xôi như một biểu tượng của ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của các tù chính trị tại Nhà tù Côn Đảo. Cây bàng vuông nơi biển đảo với ngoại hình khác biệt với cây bàng trên đất liền không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan mà còn tạo nên giá trị riêng biệt cho loại cây này ở vùng biển xa.
Triển lãm sử dụng sáng tạo nghệ thuật thị giác cũng như sử dụng tông màu xanh - vàng - cam, lấy cảm hứng từ màu lá bàng. Pano trưng bày được thiết kế sáng tạo với hình tròn giao thoa tạo thành hình lá, tượng trưng cho sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Cách trưng bày chuyên đề biểu tượng hóa sự hiện diện bền bỉ của cây bàng qua các mùa, mỗi mùa đại diện cho những giai đoạn của đấu tranh và giải phóng.
Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, trong thời gian du khách đổ về Hà Nội rất đông, triển lãm đã thu hút một lượng du khách lớn đến tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách nước ngoài nhờ cách kể lại câu chuyện lịch sử hào hùng qua hình ảnh cây bàng gần gũi.
Bạn Thuỳ Dung, sinh viên năm 3 Học viện báo chí và tuyên truyền chia sẻ: “Mình thấy đây là một triển lãm đầy ý nghĩa. Mình rất ấn tượng với cách truyền đạt những kiến thức lịch sử dân tộc qua những tương tác, các câu chuyện thay vì chỉ qua sách thông thường”.
Nhiều du khách đến tham quan triển lãm do bị thu hút bởi cách trưng bày và cách truyền đạt kiến thức lịch sử của kháng chiến Việt Nam qua cây bàng. Tới xem triển lãm, chị Nancy, du khách đến từ Ireland bày tỏ: “Triển lãm rất xúc động và cho tôi biết rằng người Việt Nam thật mạnh mẽ”.