Nhớ về thời khắc lịch sử Giải phóng Thủ đô qua các kỷ vật

Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mỗi người khi đến Hà Nội vào đầu tháng 10 đều xúc động tự hào khi đứng trước những kỷ vật kháng chiến tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Với hơn 150.000 kỷ vật, tái hiện sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, tái hiện một số trận quyết chiến, chiến lược của dân tộc ta trong lịch sử chống ngoại xâm, thể hiện tài thao lược, đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nhớ về thời khắc lịch sử Giải phóng Thủ đô qua các kỷ vật - ảnh 1
Nhân viên bảo tàng giới thiệu hình ảnh Bác Hồ đeo Huy hiệu cho các chiến sĩ và một số hiện vật của lực lượng Quân đội Việt Nam sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lưu giữ dấu son lịch sử, niềm tự hào dân tộc
Sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Quân đội Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhằm phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc và tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, hàn gắn vết thương chiến tranh, Tổng Quân ủy chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân sưu tầm tư liệu về thành tích chiến đấu để tiến tới thành lập bảo tàng các đơn vị và bảo tàng của quân đội. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân ủy, ngày 17/7/1956, Tổng cục Chính trị ra quyết định thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội trực thuộc Cục Tuyên huấn, với nhiệm vụ: Nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật, di tích lịch sử thuộc về Quân đội; xây dựng kế hoạch và thực hiện trưng bày, tuyên truyền, tiến tới thành lập Bảo tàng Quân đội. Trải qua 68 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Quân đội ngày ấy giờ với tên gọi đầy đủ là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam do Thượng tá Lê Vũ Huy hiện đang là Giám đốc.

Thượng tá Lê Vũ Huy cho biết, nói về ngày Giải phóng Thủ đô thì chắc chắn không thể bỏ qua trận chiến Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây không chỉ là trận chiến thể hiện nghệ thuật quân sự của Quân đội Việt Nam mà còn buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân khỏi miền Bắc… quân và dân Việt Nam từng bước tiếp quản Thủ đô và chính thức giải phóng vào ngày 10/10/1954. Hiện tại, Bảo tàng đang lưu giữ nhiều kỷ vật được trưng bày trong phòng chiến thắng Điện Biên Phủ như mũ nan, súng ngắn, vỏ mìn nhảy, xắp xe tăng… được trưng bày sinh động, tái hiện câu chuyện về một chiến thắng vang dội.

Bên cạnh những hiện vật thu được từ thực dân Pháp sử dụng trong cuộc chiến còn có cả những kỷ vật của quân và dân ta, giúp người xem hiểu biết hơn về những tấm gương anh dũng đã chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập của dân tộc như: Dây chão kéo pháo của Đại đội 804, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, Đại đoàn Công pháo 351 dùng kéo pháo vào trong trận địa chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Huân chương - di vật của liệt sĩ Bế Văn Đàn thuộc Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 - người đã lấy thân mình làm giá súng và anh dũng hy sinh khi làm đơn vị thực hiện nhiệm vụ bao vây quân Pháp ở Mường Pồn; Khẩu pháo 105mm do Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 thu được trong trận đánh cứ điểm Nghĩa Lộ (Chiến dịch Tây Bắc) ngày 18/10/1952. Sau đó, pháo được trang bị cho Đại đội 119, Đại đoàn Công pháo 351. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo được trang bị cho Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 806. Đây là khẩu pháo tiêu biểu được Đại đoàn 351 đề xuất lựa chọn là khẩu pháo bắn loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954, mở màn chiến dịch…

Nhớ về thời khắc lịch sử Giải phóng Thủ đô qua các kỷ vật - ảnh 2
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - nơi lưu giữ nhiều kỷ vật về trận chiến Điện Biên Phủ tiến tới Giải phóng Thủ đô (10/10/1954).

“Suốt từ năm 1956 đến nay, Bảo tàng đã không ngừng tìm kiếm, sưu tầm để lưu giữ những kỷ vật đặc biệt ấy. Các thế hệ cán bộ của Bảo tàng đã đặt chân đến hầu hết các vùng, miền của Tổ quốc, sang cả nước bạn Lào và Campuchia, có đồng chí để lại tuổi thanh xuân, hoặc một phần xương máu nơi chiến trường khi đi làm nhiệm vụ để có được thành quả như ngày hôm nay”, Thượng tá Lê Vũ Huy kể.
Mùa Thu mở ra thời kỳ mới
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngày mùa thu lịch sử, năm cửa ô của Thủ đô Hà Nội rộng mở, ngập trong cờ hoa và biểu ngữ đón chào đoàn quân tiến về Hà Nội, chính thức vào tiếp quản Thủ đô. Cả biển người dân Việt Nam háo hứng làm lễ chào cờ đầu tiên sau 8 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp lần thứ 2 tại chân Cột Cờ nằm trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Theo Thượng tá Lê Vũ Huy, Cột Cờ là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, được công nhận là Di tích lịch sử năm 1989. Nhưng trên hết, Cột Cờ Hà Nội được coi là một trong những biểu tượng tôn nghiêm và có giá trị lịch sử của Thủ đô Anh hùng. Năm 1945, sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên cột cờ Hà Nội. Kể từ đó đến nay, Cột cờ Hà Nội vẫn sừng sững uy nghiêm và trường tồn với thời gian.

Nhớ về thời khắc lịch sử Giải phóng Thủ đô qua các kỷ vật - ảnh 3
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, người dân đang xem lại danh sách 32 cán bộ chiến sĩ có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND).

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính, đánh dấu ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng là ký ức còn in đậm trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Bà Hoàng Minh Phương, nhà ở phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhớ lại: "Tôi khi đó 12 tuổi, vì còn nhỏ nên tôi phải bắc một cái ghế đứng ở bên trong nhà nhìn ra suốt, cứ đứng chờ đến tận trưa khi bộ đội đi hết rồi, có cả ông Trần Duy Hưng đi qua nhà tôi. Tất cả đều rất là sung sướng, hồ hởi chạy ra đón bộ đội. Nhưng có lẽ với tôi và người dân Hà Nội lúc bấy giờ giây phút thiêng liêng nhất là khi làm lễ chào cờ, được nhìn lá cờ tổ quốc tung bay trong gió, niềm vui đó không bút nào tả xiết".

Với người dân Hà Nội, ngày Giải phóng Thủ đô mang trong mình ý nghĩa đặc biệt hơn cả một ngày lễ. Không chỉ vì cờ, hoa, biểu ngữ hay các điểm văn hóa, văn nghệ diễn ra trên từng tuyến phố, mà bởi sự phấn khởi, rộn rã trong lòng mỗi người. Cho đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, khi nhắc nhớ về mùa thu lịch sử, ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng có lẽ với mỗi người sẽ chan chứa nhiều cảm xúc đặc biệt. 

Ngày Giải phóng Thủ đô có thể nói là một dấu son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước. Đây cũng là một trong những bước ngoặt đặc biệt mang ý nghĩa hết sức to lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới. Thực tế, kể từ ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội đang ngày càng “thay da đổi thịt” xứng đáng là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước. Từ một Thành phố bị chiếm đóng, bị chiến tranh tàn phá, giờ đây mỗi người dân Hà Nội đang ra sức hết mình xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày một phát triển, xứng đáng là “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Thủ đô hòa bình”.

Cho đến tận hôm nay, những hình ảnh của ngày Giải phóng Thủ đô vẫn như còn nguyên vẹn qua từng khung cảnh của Hà Nội ngày sang thu, và ở mỗi địa danh lịch sử. Nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô từ mốc son rực rỡ này, càng thấy rõ điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô

(PNTĐ) - Trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và của nhân dân cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, và mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 15).
Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội: Bàn giao công trình “Dân vận khéo” tại huyện Thanh Oai

Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội: Bàn giao công trình “Dân vận khéo” tại huyện Thanh Oai

(PNTĐ) - Ngày 9/10/2024, Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội tổ chức bàn giao công trình “Hỗ trợ thiết bị thể dục thể thao cho sân chơi cộng đồng”; tặng quà cho hội viên phụ nữ công giáo có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Đây cũng là hoạt động thiết thực của Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, 70 năm thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội.
Hà Nội ngày càng hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa

Hà Nội ngày càng hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa

(PNTĐ) - Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một trong những Thành phố năng động trên thế giới. Một trong những động lực làm nên thành công là Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hình thành môi trường phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới

(PNTĐ) - Hà Nội không chỉ nổi bật với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước mà còn tiên phong trong nhiều lĩnh vực phát triển bền vững. Trong đó, công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh, và xóa đói giảm nghèo là những lĩnh vực được chú trọng và đã đạt nhiều thành tựu nổi bật.