Nhà văn Mèo Mốc: Sáng tác truyện cho thiếu nhi phải “sạch”

Chia sẻ

Truyện tranh “Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!” của nhà văn 9X Mèo Mốc vừa giành giải“Khát vọng Dế Mèn” nằm trong giải thưởng Dế Mèn - giải thưởng thường niên dành cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc dành cho thiếu nhi.

Mèo Mốc” là bút danh của Đặng Quang Dũng, anh được các bạn trẻ biết đến thông qua series truyện tranh cùng tên xoay quanh cuộc sống của chú Mèo Mốc cùng các bạn của chú. Nhà văn Mèo Mốc đã có cuộc trò chuyện với báo Phụ nữ Thủ đô về vấn đề sáng tác truyện tranh cho thiếu nhi.

Nhà văn 9X Mèo MốcNhà văn 9X Mèo Mốc (Ảnh: Đ.H)

- Chúc mừng nhà văn Mèo Mốc đã đoạt giải thưởng Dế Mèn, theo anh, thành công của “Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!” nằm ở đâu? 

- “Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!” là câu chuyện xoay quanh “hai ông bà cụ từ cõi âm lên dương gian ăn Tết”. Quả thực ban đầu, tôi chọn tình tiết này chỉ vì nghe nó khá…thú vị và hứa hẹn có nhiều nội dung để khai thác. Dần dà khi cốt truyện được phát triển thêm, tôi chủ ý đặt ông bà cụ từ cõi âm và những đứa cháu nhỏ ở dương gian như hai tuyến nhân vật song song: Một già một trẻ, một âm một dương, một của quá khứ và một của tương lai, cùng đưa ra những góc nhìn của riêng mình về cách ăn Tết ngày nay. Với hai góc nhìn này, người đọc lớn tuổi và nhỏ tuổi đều tìm thấy một thứ gì đó để liên hệ với bản thân. 

Tôi nghĩ điều giúp tác phẩm của tôi thành công và được các bạn nhỏ yêu thích là bởi tôi luôn có một quan điểm: Truyện cho thiếu nhi không thể được viết bởi góc nhìn của người lớn, mà được viết bởi một người lớn giữ được vẹn nguyên cái nhìn thơ ngây của con trẻ. Việc này giúp cho các nhân vật trong câu chuyện gần gũi với các em hơn.

- Hiện nay trên thị trường chủ yếu là truyện tranh ngoại nhập, đặc biệt là truyện tranh Nhật Bản, Trung Quốc. Là người sáng tác truyện tranh, anh đánh giá ra sao về sức hấp dẫn của truyện tranh Việt? 

- So với thế giới, truyện tranh Việt Nam dù đã bắt đầu từ sớm nhưng tới nay vẫn còn đang trong những bước đi chập chững. Để nói về truyện tranh như một nền công nghiệp như các nước bạn thì thực sự là chưa tới. Bởi các hoạ sĩ Việt đa phần vẫn làm việc theo định hướng cá nhân, thi thoảng cho ra mắt các tập truyện nhỏ lẻ rồi… biến mất. Ngay cả bản thân tôi, dù đã có kha khá tập truyện được xuất bản, nhưng hiện nay vẫn làm việc chủ yếu một mình từ sáng tạo nội dung cho tới vẽ, có thêm hỗ trợ của một tới hai trợ lý tô màu, một “dây chuyền" sản xuất không lấy gì làm hoàn thiện và “công nghiệp" cho lắm. 

Thách thức của việc vẽ truyện tranh ở Việt Nam, đầu tiên có lẽ chính là ở việc lượng đầu sách ra mắt không nhiều. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam chỉ có khoảng hai chục tập truyện tranh Việt Nam mới được xuất bản. Vì vậy, để cạnh tranh với truyện tranh nước ngoài với con số hàng chục hàng trăm đầu truyện mới mỗi năm thì quả là chuyện… không tưởng. Nói không ngoa khi cho rằng, truyện tranh Việt Nam phần nào đang sống nhờ vào ủng hộ và kiên nhẫn của các bạn độc giả, khi vừa mua truyện vừa chịu khó chờ rất lâu để tác giả… vẽ xong tập kế tiếp. 

Tuy gian nan là vậy, nhưng truyện tranh Việt Nam không hề thiếu những tác phẩm chất lượng, gây được chú ý với người hâm mộ truyện tranh, có điều là chưa có đủ nhiều tác phẩm được sản xuất dài hơi như một series mà thôi. Nhìn chung, bức tranh toàn cảnh về truyện tranh Việt Nam trong từng năm vẫn khá rời rạc và thưa thớt về số lượng chứ chưa nói đến chất lượng. Đây cũng là điều đáng tiếc đối với độc giả là trẻ em Việt Nam. 

- Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng việc du nhập quá nhiều truyện tranh nước ngoài có yếu tố bạo lực, gợi cảm…có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ, là người sáng tác truyện tranh, anh nghĩ sao về vấn đề này? 

- Tôi nghĩ, suy nghĩ, sự phát triển của các em sẽ bị ảnh hưởng bởi chất lượng của truyện, chứ không phải vì nó là truyện Việt Nam hay truyện nước ngoài. Khi viết truyện, tôi luôn quan niệm truyện tranh dành cho thiếu nhi phải “sạch", kể cả về mặt hình ảnh lẫn từ ngữ. Để có một tác phẩm truyện tranh hay dành cho thiếu nhi, ngoài yếu tố giải trí cần đạt được, người viết cũng nên để tâm hơn về mục đích của câu chuyện mình kể cho thiếu nhi: Kể chuyện này nhằm mục đích gì? Các em nhỏ có thể rút ra được gì từ câu chuyện này? Người viết có nên “tranh thủ" lồng ghép thêm những chi tiết có giá trị giáo dục các em vào câu chuyện của mình không? 

Cần chú ý rằng, khi nói đến “giáo dục", tôi không có ý nói tới sự giáo điều, những bài học mà trẻ em tiếp nhận được đôi khi giản dị vô cùng. Giả sử như: Vì sao cái này lại thế, cái kia lại thế, vì sao nhân vật A nói/ làm điều gì lại khiến nhân vật B nổi giận, hay đơn giản là giúp khơi gợi cho các em sự hứng thú với một bộ môn khoa học nào đó, chỉ từ việc nhắc các em hãy thỉnh thoảng nhớ ngắm nhìn bầu trời. Như với tác phẩm “Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!”, tôi lựa chọn giáo dục thế hệ nhỏ về những giá trị văn hoá cũ qua truyện tranh. Việc lựa chọn gìn giữ hay bỏ qua để hướng tới những giá trị hiện đại hơn sẽ để các em tự làm lấy, thay vì quá áp đặt các em vào những khuôn mẫu truyền thống. 

- Trân trọng cảm ơn anh!

ĐỖ HỮU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

(PNTĐ) - Bộ phim kinh dị Việt mùa hè năm nay Út Lan: Oán linh giữ của vừa tung đoạn teaser poster và teaser trailer khiến khán giả rùng mình. Đạo diễn Trần Trọng Dần và ê-kíp đã có một hướng tiếp cận đặc biệt cho câu chuyện dân gian bí ẩn về loại “bùa ngải” khét tiếng này.
Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ Việt đối mặt với làn sóng chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm thổi phồng công dụng, thậm chí sai sự thật. Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến thuốc giảm cân, chữa bệnh không rõ nguồn gốc... hình ảnh các nghệ sĩ vốn được công chúng tin tưởng đã bị lợi dụng, khiến nhiều người mất danh tiếng, sự nghiệp chỉ vì tham lợi từ quảng cáo.
Tùng Dương khuyên người trẻ: “Đừng buồn phiền nữa”

Tùng Dương khuyên người trẻ: “Đừng buồn phiền nữa”

(PNTĐ) - Khi ca khúc Tái sinh vẫn còn đang “cháy” trong lòng người hâm mộ, và Lời nói dối của cha vừa gây được ấn tượng mạnh, Tùng Dương tiếp tục tung ra một sản phẩm âm nhạc mới với cái tên đầy cảm xúc: Đừng buồn phiền nữa. Theo chia sẻ của nam ca sĩ, đây là lời nhắn nhủ đầy chân thành anh muốn gửi đến những người trẻ đang sống trong một thế giới đầy áp lực và biến động.
Bệ phóng cho mỹ thuật Việt

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt

(PNTĐ) - Trong bối cảnh nền mỹ thuật Việt Nam đang từng bước hội nhập với thị trường nghệ thuật khu vực và thế giới, việc xuất hiện một giải thưởng có uy tín và quy mô như UOB Painting of the Year (UOB POY) không chỉ là một sân chơi sáng tạo mà còn là một cột mốc quan trọng thúc đẩy nghệ sĩ trẻ vươn tầm. Được tổ chức bởi Ngân hàng UOB (Singapore), giải thưởng này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2022 và nhanh chóng tạo dấu ấn bằng cách tìm kiếm, tôn vinh những tài năng hội họa đương đại.