Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Không phân biệt giới tính trong sáng tạo
Tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng" của nhà văn Nguyễn Bình Phương được trao giải Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Nhân dịp này, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Bình Phương về câu chuyện đời sống văn học hôm nay.
"Một ví dụ xoàng" của anh đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 với 100% phiếu thuận. Anh có hài lòng với cuốn tiểu thuyết này không?
Chuyện hài lòng hay không về tác phẩm cũng thật khó nói. Chỉ biết rằng đây là cuốn sách tôi thấy cần phải viết, bởi câu chuyện về người đàn ông vì mưu sinh mà phạm tội rồi bị xử tử xảy ra quá lâu rồi, nhưng nó không chịu kết thúc trong tôi. Nó giống như đám mây tích sũng nước chờ dịp oà ra. Cho đến một ngày, các giác quan đồng thanh cất tiếng đòi phải viết, và tôi đặt bút viết.
Rất khó để vẽ chân dung Nguyễn Bình Phương, một nhà thơ ma mị (Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo), một Đại tá quân đội viết về chủ đề chiến tranh biên giới (Mình và họ - tiểu thuyết đoạt sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay), hay một tác giả đương đại đi vào một chủ đề xã hội gai góc (Một ví dụ xoàng - Giải thưởng Hội Nhà văn 2021). Anh có nghĩ mình là một phong cách đa diện, biến hóa?
Tôi cho rằng thực ra con người ta sống là đi tìm bản nguyên. Sáng tác văn học cũng là một hình thức đi tìm bản nguyên. Tại sao con người phải đi tìm bản nguyên? Vì bản thân mỗi chúng ta đã mang sẵn vô số dị bản mà ta không để ý. Ở thời điểm này ta là thế này, thời điểm khác ta chưa hẳn đã đồng nhất như thế nữa, mà đã khác đi. Với tôi, dị bản luôn đứng đầu trong hệ thống những giá trị đáng kể nhất của đời sống, bởi nó là hiện thân của sự sáng tạo, cũng có nghĩa hiện thân của sự không kết thúc.
Phải thú nhận rằng đến bây giờ, bản thân tôi cũng chưa xác quyết bản nguyên của sự sống là gì, bản nguyên của lòng nhân đạo là gì, cũng như bản chất của văn học là gì? Vì chưa rõ nên chắc chắn tôi sẽ phải tiếp tục đi tìm bằng được những dị bản khác, thông qua các sáng tác tiếp theo. Đấy có thể chính là điều tạo nên cái mà chị gọi là đa diện, biến hoá chăng?
Vừa làm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vừa là tác giả của 14 -15 đầu sách, trong đó có 10 tiểu thuyết, anh dành thời gian cho sáng tác như như thế nào giữa bộn bề công việc?
Tôi tận dụng bất cứ khoảng trống thời gian kha khá nào giữa công việc mưu sinh, để viết. Đại khái thì với tôi viết lách cũng là một hành vi cùng với muôn vàn hành vi sống khác, cho nên không mấy khi để ý xem mình sắp xếp thời gian cho sáng tác thế nào. Giống như hít thở thôi, có cơ hội là hít thở, đôi khi chẳng để ý mình đang hít thở nữa.
Là Phó chủ tịch phụ trách sáng tác của Hội Nhà văn, anh đánh giá như thế nào về những gương mặt nhà văn nữ nổi bật hiện nay? Hội Nhà văn đã và đang thúc đẩy hoạt động của Ban Nhà văn nữ ra sao?
Các nhà văn nữ hiện nay khá đông, thậm chí ngày một đông lên. Họ đóng một vai trò quan trọng trong diện mạo văn học đương đại. Có thể nói rằng vai trò của họ là không thể thiếu. Còn về phần Hội thì trong phạm vi của mình, Hội cũng quan tâm, tạo điều kiện như mọi hội viên khác, không hẳn có sự thiên lệch nào, cả về hai phía.
Bìa sách “Một ví dụ xoàng” của nhà văn Nguyễn Bình Phương Ảnh: NVCC
Mới đây có một cuộc tọa đàm về bình đẳng giới trong điện ảnh. Theo anh, trong văn chương, câu chuyện bình đẳng giới có nên đặt ra không, cả dưới góc độ tác giả (người cầm bút là nữ giới đã được bình đẳng chưa) lẫn góc độ chủ đề và hình tượng nữ giới trong các sáng tác văn chương hiện nay?
Tôi không thấy có luật nào, quy định nào hạn chế phụ nữ viết văn, cũng chưa thấy có lệnh cấm phụ nữ là nhân vật của văn học. Trái lại, tôi thấy nhà văn nữ ngày càng xuất hiện đông, và trong các tác phẩm văn học, chưa bao giờ vắng bóng phụ nữ cả. Mọi thứ thuận theo đời sống, mà đời sống thì chẳng bao giờ vắng bóng hoàn toàn một giới, nghĩa là nó luôn cân bằng giới, vì đó là quy luật sinh tồn.
Theo anh có cần có những ưu ái đặc biệt nào đó cho phụ nữ viết văn để họ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa?
Sáng tác văn học là bình đẳng, tôi nghĩ phụ nữ cũng chẳng thích và chẳng cần đến bất cứ sự ưu ái nào ở lĩnh vực này. Trong nghệ thuật thì mọi sự ưu ái chẳng có giá trị gì cả, thậm chí nếu có sự ưu ái thì nó chỉ làm tăng thêm tính hài hước. Chúng ta vừa nói tới bình đẳng giới, vậy thì bắt đầu bình đẳng từ những điều nhỏ nhặt thế này, không phân biệt giới tính trong sáng tạo. Tài năng là ngang bằng nhau, có muốn phân biệt cũng khó. Bằng chứng là có rất nhiều nhiều nhà văn nữ danh tiếng ghê gớm mà chẳng cần bất cứ sự ưu ái chiếu cố nào. Còn cụ thể hơn, như về chuyện thu xếp dành thời gian để cho phụ nữ có điều kiện viết văn, thì tôi nghĩ cái đó là tự thân sự dàn xếp, điều hoà hợp lí của mỗi người với hoàn cảnh của cá nhân mình.
Trân trọng cảm ơn anh!
NAM PHONG