Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: “Rùng mình vì không thuộc về một nơi nào đó”

Chia sẻ

PNTĐ-“Nhắm mắt nhìn trời” là cuốn sách thứ chín, tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã gây được ấn tượng với độc giả trong dịp Hội sách TP Hồ Chí Minh cuối tháng 3 vừa qua.

 
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy từng đoạt được nhiều giải thưởng văn học tại các cuộc thi uy tín như giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2004 – 2009) cho tiểu thuyết “Biển xanh màu lá”. Giải A cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Hội Nhà văn và Bộ Công an phối hợp tổ chức (2007 – 2010) cho tiểu thuyết “Sát thủ Online”. Giải vàng Sách hay toàn quốc 2012 cho tập sách thiếu nhi “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”.
 
“Nhắm mắt nhìn trời” là cuốn sách thứ chín, tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành và gây được ấn tượng với độc giả trong dịp Hội sách TP Hồ Chí Minh cuối tháng 3 vừa qua.
 
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:  “Rùng mình vì không thuộc về một nơi nào đó” - ảnh 1
 
Ngoại ô… trăm nỗi
 
Tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” được xây dựng trên bối cảnh một ngôi làng ngoại thành Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, với nhân vật chính là Nguyễn, làm nghề “ngồi nhặt sạn chữ nghĩa”, chính xác hơn đó là công việc của một nhà văn, nhà báo trong thời buổi kinh tế thị trường đầy những vòng xoay và biến động khôn lường.
 
Trong tổ phóng viên văn hóa, Nguyễn chơi thân với Thành, người chuyên chạy sự kiện, cả hai có sự gắn kết tự nhiên của hai kẻ thuộc thành phần ngoại tỉnh. Cả hai ngẫu nhiên hoặc cố tình dính dáng với nhau trong nhiều phi vụ về nhà cửa, đất đai và những quan hệ mờ tỏ, dích dắc trong cuộc sống ở một vùng quê ngay sát nách thành phố. Công việc chuyên môn bề bộn và những cơm áo thường hằng tất tưởi được mô tả kỹ lưỡng dưới ngòi bút đầy lạc quan và hóm hỉnh.
 
Ngay cả cái tên xã vùng ngoại ô trong tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời”, cũng được tác giả đặt cho cái tên đầy ẩn ý là xã Liên Minh với đủ chuyện trên giời dưới biển ở ủy ban nhân dân xã Liên Minh, Trạm y tế Liên Minh, Trường Tiểu học Liên Minh… Mà ở thời buổi này có cái gì không “liên minh” mà thành, khắp nơi phải liên minh mới tạo ra sức mạnh tổng hợp và đồng độ. Sự liên minh, kết nối uyển chuyển mà “rìu Thạch Sanh chặt cũng chẳng đứt, có đứt cũng lại tự nối, có cụt đầu đầu cũng lại tự mọc”. Và đáng sợ hơn còn có những liên minh ghê hơn cả liên minh ma quỷ, thoắt ẩn thoắt hiện, không thể gọi thành tên, được che chắn dưới những mỹ từ, dưới những danh xưng cao đẹp, dưới những bộ mặt đạo đức để dàn xếp, ăn chặn, trục lợi từ những thuận lợi và cả bất ổn của những công dân.
 
Những tệ nạn nơi vùng ngoại ô đang phát triển như chuyện chạy chọt, cho vay nặng lãi, siết nợ, lô đề, bia bọt, thư giãn tẩm quất, cave xóm trọ… đều không còn mới. Nhưng rõ ràng cũng những chuyện đó, con người cụ thể đó trong “Nhắm mắt nhìn trời”, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy lại khắc họa rõ nét và có cách nhìn, bình chú, tường giải rất khác, vừa thú vị, vừa xen lẫn chua chát.
 
Chẳng hạn như chuyện đợt xã đang có chủ trương cắm đất, “bỗng dưng hai mẹ con nhà buôn cá được liệt vào dạng vô gia cư, dưới mức hộ nghèo”, rồi chuyện không chăm bẵm tốt cho các cụ hưu trí, không chu toàn với đối tượng chính sách, người già neo đơn cơ nhỡ, các cụ lên tiếng, người dân kêu ca, báo chí nhảy vào là rách việc, “ở tận đẩu đâu chúng nó còn lôi ra, đây ngay nách trung tâm Thủ đô, léng phéng là chết mất ngáp”.

Làm hạt bụi đô thành có dễ?
 
Những câu chuyện thời sự, những “pha” dàn xếp đủ mùi xã hội trong tiểu thuyết, tất cả dường như chỉ để nhân vật chính Nguyễn và Thành nhăm nhe mộng ước và nâng tầm mục tiêu chiến lược là trở thành một “hạt bụi đô thành” đúng nghĩa. Những “hạt bụi” đó đã gặp gỡ, đụng độ thậm chí đến mức cãi vã, giận hờn rồi lại rù rì sát mặt, khoác vai nhau ủ mưu để sống và bươn trải trong một khát vọng phải ngày càng trở nên mạnh mẽ, đủ đầy và được quyền chém gió thành… bão.  
 
Viết về nhà văn, nhà báo trong vòng xoáy thị trường nên tác giả cũng không ít lần đưa ra những triết lý về sản phẩm, “công cụ” của họ trong tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời”, đại loại như “sự thăng trầm của số phận bản thảo hay số phận chính tác giả của nó đôi khi cũng là một tài sản, tài sản ấy được định giá để làm nên danh tiếng”. Song, dường như tác giả còn chưa kín kẽ lắm, làm nên danh tiếng với bản thảo quả thật không dễ, mà dường như từ bản thảo đến sách thường dễ chông chênh và đôi khi là tai tiếng.
 
Trưởng thành từ người lính Trường Sa, với hơn mười năm sáng tác, trong đó có nhiều tác phẩm nóng, mang tính thời cuộc và được tái bản nhiều lần. Gần đây nhất, tiểu thuyết “Sát thủ Online” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã được Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình dài tập phát sóng trên kênh VTV3 đầu năm 2014. “Nhắm mắt nhìn trời”, tiểu thuyết được tác giả viết trong suốt ba năm qua, cuốn sách đánh dấu bước chuyển mới của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy trong phong cách cũng như sự lựa chọn đề tài sáng tác. Thông qua những nhân vật và số phận đã, đang và sẽ có thể bi hài, tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” đã rung lên một tiếng chuông “trăm nỗi éo le” nơi vùng quê trong quá trình đô thị hóa, con người dễ rơi vào trong hố thẳm và hoảng hốt “rùng mình vì không thuộc về một nơi nào đó”.
 
 Buổi ra mắt giới thiệu tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy do Ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 15/4/2014 tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động thường niên của Ban Nhà văn Trẻ, sau buổi ra mắt giới thiệu, tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” cũng được lựa chọn trình diễn tại Lễ khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám sáng ngày 20/4/2014.
 
 Quang Đạt

Tin cùng chuyên mục

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

(PNTĐ) - Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung được tổ chức long trọng tại hai địa điểm: xã Dạ Trạch (nay là xã Phạm Hồng Thái) – nơi có đền Hóa – Dạ Trạch, và xã Bình Minh – nơi có đền Đa Hòa (thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây còn được ví như lễ hội của tình yêu, là một trong những lễ hội trọng điểm của tỉnh, mang đậm sắc màu văn hóa dân gian Vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn liền với truyền thuyết về Chử Đồng Tử – một trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”

Tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”

(PNTĐ) - Ngày 9/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình: “Tọa đàm-Gặp mặt nhân chứng lịch sử” nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)”. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đến dự.
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy làng nghề, phát triển công nghiệp văn hoá

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy làng nghề, phát triển công nghiệp văn hoá

(PNTĐ) - Sáng ngày 9/4, tại Trung tâm văn hoá huyện Ứng Hòa đã diễn ra Chương trình Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Phụ nữ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo năm 2025 (Chương trình), với sự tham gia của gần 200 đại biểu là nữ nghệ nhân, thợ giỏi, lao động nữ huyện Ứng Hòa.
Cơ hội bứt phá cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Cơ hội bứt phá cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân và cộng đồng. Đã có nhiều ý kiến cho rằng tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa là điều cần thiết và đó là cơ hội để bứt phá cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.