Nhà văn Nguyễn Quang Thiều:

Nhà văn nữ còn gặp nhiều cản trở trong hành trình sáng tạo

Hiểu Nhân
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận có nhà văn nữ tên tuổi lớn được thế giới biết đến và vinh danh. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn nữ luôn đi cùng đất nước, phản ánh hơi thở của cuộc sống với bộn bề những trăn trở, tâm huyết. Tại tọa đàm với chủ đề “Nhà văn nữ: Sống, viết và hy vọng” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mới đây, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có dịp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn nữ còn gặp nhiều cản trở trong hành trình sáng tạo - ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều 

Thưa Chủ tịch Hội Nhà văn, ông nhận định như thế nào về lực lượng sáng tác nữ trong nước hiện nay?

Trong lịch sử văn học hiện đại, các nhà văn nữ làm được rất nhiều điều, để lại những dấu ấn, sự đột phá. Sau thời kỳ đổi mới, chúng ta có nhiều tên tuổi như nhà văn Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Kim Thúy... Họ vẫn đang cống hiến hết mình. Nhiều tác giả nữ có hoàn cảnh khó khăn, là mẹ đơn thân, gặp nhiều nghịch cảnh nhưng không than trách số phận. Trang viết của họ vẫn lành lặn, đẹp đẽ, lan tỏa những điều tích cực.

Nếu chỉ tính trong Hội Nhà văn Việt Nam, lực lượng sáng tác nữ đang già đi. Hiện nay, người trẻ viết rất nhiều, chỉ có điều họ chưa có ý thức tham gia hội. Tôi nghĩ đó là điều bình thường. Họ coi sáng tác là nhu cầu cá nhân. Nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ tham gia hội đoàn để cùng nhau trao đổi, tương tác, tạo cảm hứng sáng tạo. Hội bắt đầu có giải Tác giả trẻ, vận động viết cho thiếu nhi nhằm khích lệ, động viên, tạo cảm hứng cho những bạn trẻ, thậm chí trẻ em sáng tác. Nhiều hoạt động nhằm thu hút cây viết trẻ mà chưa biết đến Hội Nhà văn.

Ông có thể lý giải vì sao lực lượng sáng tác nữ thường mỏng hơn nam giới?

Ở đâu trên thế giới cũng vậy, lực lượng sáng tác nam luôn đông hơn. Phụ nữ, đặc biệt ở Việt Nam, phải gánh vác rất nhiều công việc: Chăm sóc cha mẹ già, chồng con, nhà cửa. Họ phải lo từ mớ rau, hạt gạo đến việc học hành của con cái, quan hệ xã hội. Vì thế, quỹ thời gian của họ bị đánh cắp rất nhiều. Thời gian họ dành cho việc hưởng thụ, giải trí, viết lách ít đi, cản trở sự sáng tạo. Xã hội bây giờ đã thay đổi nhiều, có thể phân chia một cách công bằng với nam giới, nhưng rõ ràng, phụ nữ vẫn phải gánh vác nhiều.

Như ông thấy, so với nam giới, thế mạnh của tác giả nữ là gì?

Bản chất của phụ nữ là kiên nhẫn, bao dung, vị tha và nhân hậu, họ đã truyền tải tất cả đức tính ấy vào trang viết. Cái nhìn cuộc sống của họ cũng tinh tế, khác biệt hơn nên dễ dàng phát hiện ra những điều mà đôi khi tác giả nam không để ý đến. Nam giới thường nghĩ về đại cục, những điều lớn lao nào đó, còn tác giả nữ để ý tới những chi tiết nhỏ nhất, từ sau bậc cửa nhà mình cho đến ra ngoài đời sống xã hội. Câu chuyện rất nhỏ nhưng được họ kể một cách thông minh, duyên dáng, đẹp đẽ và đẩy dần lên thành chuyện lớn. Đó là đặc tính của nhà văn nữ.

Ngoài ra, họ luôn có khả năng rung động trước những vẻ đẹp bình dị. Họ quan tâm đến người khác một cách chi tiết nhất, tâm hồn họ rung cảm, nhạy cảm hơn trước những bất trắc của đời sống, thua thiệt, số phận. Nam giới có thể kể hết ra, nhưng nữ giới họ kín đáo, giữ gìn và đến khi vào trang giấy mới bùng nổ lên, tạo sự khác biệt.

Theo quan sát của ông, tác giả nữ Việt Nam đang viết về những gì?

Họ viết đa dạng đề tài. Có những người viết về quá khứ, chiến tranh. Nhiều cây bút dấn thân phản ánh các vấn đề của thời cuộc, tạo nên sự đột phá, mới mẻ cho văn học Việt. Ví dụ, trong giai đoạn Covid-19 đã có nhiều tác phẩm văn thơ ra đời, phản ánh chân thực tình hình xã hội.

Ngoài ra, tác giả nữ tập trung vào đời sống hiện tại bằng cách giải quyết câu hỏi: “Thế giới họ đang sống mang ý nghĩa gì và họ đóng góp gì cho đời sống, cộng đồng? Đề tài hiện thực, gần gũi với các tác giả nữ nhất chính là bản thân họ. Rằng họ tồn tại như thế nào, làm gì trong cuộc sống, vươn tới đâu trong tương lai? Các nhà văn trẻ đào sâu, khám phá chính bản thân. Tôi cho đó là chức năng của văn học.

Hiện nay, nhà văn nữ của Hội đang được hỗ trợ thế nào?

Hội Nhà văn luôn bày tỏ sự tôn quý, dành cho các tác giả những tình cảm tốt đẹp nhất. Chúng tôi cũng có những cơ chế, chính sách mở hơn nam giới. Tới đây, chúng tôi sẽ có những chiến lược cụ thể hơn như trại sáng tác hoặc tổ chức các chuyến đi giao lưu, thực tế ở nước ngoài. Ngoài ra, mở những khóa đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật viết, quan điểm, lý thuyết, chủ nghĩa văn chương cho nhà văn trẻ ở từng khu vực trong nước.

Theo ông, các tác giả nữ cần làm gì để có thể phát triển tốt nhất?

Họ hãy sống đúng nhất với bản lĩnh, bản chất và những đặc tính đẹp đẽ của phụ nữ. Hãy tiếp tục trở thành người hàn gắn những rạn vỡ trong quan hệ của người và người nhờ lòng nhân ái, tính vị tha, sự dịu dàng và vẻ đẹp mà Thượng đế ban cho họ, trong cả đời sống và những trang viết của họ.

Theo ông, vì sao hiện nay chúng ta vẫn chưa có nhà văn nữ tên tuổi lớn của Việt Nam?

Bởi sự thật là phụ nữ vẫn coi viết văn như sự bày tỏ, chia sẻ mà chưa coi đó là một cuộc chiến của ngôn từ hay việc trình bày một tư tưởng.

Xin cảm ơn ông!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".