“Nhật ký thời chiến Việt Nam” - Thấm đẫm ký ức về một thời oanh liệt

Chia sẻ

Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” do Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” cùng nhà xuất bản Hội Nhà văn và câu lạc bộ “Trái tim người lính” phối hợp thực hiện vừa ra mắt độc giả trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Cách đây gần 16 năm trước, vào tháng 12/2004, đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, thay mặt một nhóm nhà văn và cựu chiến binh, đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng cùng các cộng sự tâm huyết đã phát động cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Ý tưởng này đã được các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa hưởng ứng nồng nhiệt để rồi sau đó là sự ra đời của hàng loạt tác phẩm như: “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Sống để yêu thương và dâng hiến”, “Gửi lại mai sau”, “Tài hoa ra trận”… Sự cộng hưởng đó đã cho kết quả ngày hôm nay.

Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ chia sẻ: “Năm nay nhân dịp ngày kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước, chúng tôi cho ra mắt bộ tuyển tập lớn, tái hiện nhật ký của các chiến sĩ, những anh hùng đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Những trang viết được gửi cho gia đình, đồng đội, cho người yêu trước lúc sinh tử. Đây là những bài học quý, sâu sắc để lại cho thế hệ mai sau. Việc làm bộ sách này mang ý nghĩa lịch sử to lớn”.

Ở giai đoạn đầu, bộ sách mới ra mắt 4 tập, mỗi tập hơn 1.000 trang là những dòng nhật ký của những người trực tiếp có mặt trên các mặt trận ác liệt, với những trang viết trước những thời khắc sinh tử. Có khi là những câu chuyện tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ; có khi lại là những dòng tâm sự, những nỗi nhớ da diết, những nỗi niềm sâu kín và cả những lý tưởng lớn lao. Ở bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” chúng ta có thể bắt gặp những dòng viết tay nguệch ngoạc hay những chữ viết hoa nắn nót từng chữ “Hạnh phúc, Độc lập, Tự do, Nhớ thương…”... Đằng sau những con chữ ấy mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu vô cùng quý báu, gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử.

Phân tích lý do chọn thể loại nhật ký cho bộ sách đồ sộ này, đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, chủ biên bộ sách cho biết: “Tại sao lại là nhật ký mà không phải là hồi ký, hay những thể loại văn học phi hư cấu khác? Vì đặc trưng của nhật ký là sự chân thực, là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô nháp, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời, kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng vượt lên trên tất cả những người lính vẫn hoàn thành nhiệm vụ…”.

Mỗi một tác phẩm nhật ký trong bộ sách mang một sắc thái khác nhau, bởi nó là số phận, là cuộc đời của mỗi con người, là những góc nhìn đa chiều, mang tính toàn cảnh về xã hội Việt Nam trong thời chiến, cả ở chiến trường và hậu phương. Khi đọc những trang sách này cũng sẽ cho mỗi chúng ta những cảm nhận giá trị khác nhau.

Nhà văn, nhà báo, TS nhạc sĩ Phạm Việt Long, một trong số những tác giả góp mặt trong tác phẩm này chia sẻ rằng, khi tham gia bộ sách đã giúp ông nhớ lại cảm xúc mãnh liệt khi là phóng viên chiến trường năm xưa: “Đây là bộ sách quý ở giá trị chân thực. Khi xem lại tư liệu gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi như được sống lại cùng đồng đội của mình, sống lại cùng bà con đã sát cánh năm xưa…”.

Với hơn 30 tác phẩm của hơn 30 tác giả, và đặc biệt là 2/3 số tác giả góp mặt trong bộ sách này không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống nơi chiến trường khốc liệt, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay, nhật ký mà thân nhân của các liệt sỹ đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho ban biên tập còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình, với hy vọng: “Sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ liệt sỹ, hoặc thông tin mất tích của người thân”… Dù có không ít khó khăn, thách thức để ra mắt được bộ sách này, nhưng Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” có những động lực đặc biệt để vượt qua.

Bởi vậy, “Nhật ký thời chiến Việt Nam” không chỉ là những trang viết máu thịt của cuộc đời mà ở đó ta có thể hình dung ra từng số phận con người. Cao hơn nữa là hơi thở của cả thời đại mà không ai được phép lãng quên, và dân tộc ta, nhân dân ta mãi mãi tự hào về những năm tháng hào hùng xả thân bảo vệ độc lập tự do của dân tộc!

HÀ THỦY

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ tới thế hệ trẻ thông qua những ấn phẩm được xuất bản.
Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.