Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ:

Nỗi lo di sản biến tướng

Phương Anh Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo Cục Di sản Văn hóa, bên cạnh những kết quả tích cực, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nỗi lo biến tướng di sản là một thách thức không nhỏ…

Nỗi lo di sản biến tướng - ảnh 1
Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ đang gây nhiều nỗi lo bị biến tướng
Ảnh: Int

Nỗi lo sai lệch bản chất di sản
 Tại Hội nghị - hội thảo Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022) do Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên được tổ chức tại Hưng Yên tuần qua, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết hiện nay việc thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản. Đơn cử như: Tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh, ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình du lịch hay ca nhạc đường phố; sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng…

Cục Di sản Văn hóa nhấn mạnh, công tác quản lý Nhà nước về di sản này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là vấn đề thực hành không đúng nguyên tắc, không đúng không gian; trao danh hiệu và các hoạt động giao lưu trình diễn tín ngưỡng ồ ạt, tùy tiện. 

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, bày tỏ nỗi lo sau 6 năm được vinh danh, bước đầu di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã khẳng định sức sống bền vững và có sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của cộng đồng, nhưng cùng với đó hiện đang có xu hướng “cao trào mở phủ, hầu đồng”, cho nên không tránh khỏi những mặt hạn chế. Không ít người mới “thử đồng” hoặc thực hành tín ngưỡng được hai, ba năm, chưa đủ uy tín trước cộng đồng bản hội đã “tự phong là đồng thầy”. Sai lầm hơn nữa, nhiều vị lại coi việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một nghề, lợi dụng lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân, tức là “thương mại hóa” di sản, làm sai lệch giá trị Chân - Thiện - Mỹ của di sản.

Không để di sản bị thương mại hóa
Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh, để xảy ra nỗi lo biến tướng di sản một phần do có những nhận thức sai lầm, cần khắc phục kịp thời.

GS. TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, cần quan tâm vai trò của các tổ chức hội trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể, hướng đến việc khai thác các giá trị văn hóa của tín ngưỡng này cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, không bị trần tục hóa và thương mại hóa một cách thô thiển, kệch cỡm... Theo GS.TS Lê Hồng Lý, các hội phải cùng với sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội để phát huy tốt nhất những giá trị của di sản này. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là tín ngưỡng cho người dân, mà còn như một sản phẩm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự.

Theo Cục Di sản Văn hóa, để tháo gỡ những vướng mắc này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ luôn đồng hành với các địa phương có di sản và cộng đồng chủ thể thực hành di sản, kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền; cố tình thay đổi hình thức diễn xướng và các yếu tố liên quan; lợi dụng niềm tin vào Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và toàn xã hội.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục