NSND Trần Hiếu ra mắt sách “để đời”, mong tiếng hát Việt ngày càng đẹp hơn

TÙY DUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - NSND Trần Hiếu vừa ra mắt cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam”. Cuốn sách là tâm huyết của cả cuộc đời ông, được tích hợp từ những ghi chép, nghiền ngẫm của ông từ năm 1968 đến nay. Trong buổi ra mắt sách, người nghệ sĩ đã hơn 80 tuổi vô cùng xúc động…

NSND Trần Hiếu là một cây đại thụ của nghệ thuật ca hát Việt Nam. Ông là một trong những giọng ca lớn của thế kỷ 20, một giọng hát vượt thời gian, một giọng ca được mệnh danh là trầm nhất Việt Nam, một ca sĩ thể hiện được đa dạng các dòng âm nhạc từ opera, thính phòng đến nhạc cách mạng, nhạc trữ tình… từ chính ca đến phong cách hài hước, dí dỏm… Cũng nhiều người biết đến NSND Trần Hiếu là một nhà sư phạm thanh nhạc tài ba, đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật thanh nhạc như: Cố NSND Y Moan, NSND Thanh Hoa, NSND Quốc Hưng, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Trọng Tấn…

Chừng ấy năm làm nghề, tận hiến cho nghề, NSND Trần Hiếu chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ xuất bản một cuốn sách. Tuy nhiên, vào nhiều dịp ông cặm cụi viết lại những kinh nghiệm, câu chuyện của mình thành những bản viết lẻ và giữ lại trên giá sách. Mọi chuyện sẽ vẫn nằm trên giá sách trong nhà ông nếu như không có một ngày vào hồi năm ngoái, năm 2021, vợ ông, bà Nguyễn Thị Minh Ngà dọn dẹp giá sách và tìm thấy các bản thảo này. Ngay khi đọc được tài liệu do chồng viết, bà Ngà đã hiểu rằng đây là những kiến thức vô cùng quý giá từ tích lũy của người NSND tài năng. Vì vậy, bà lập tức gọi điện cho NSND Quốc Hưng, là học trò nhưng NSND Trần Hiếu coi như con trai, và bàn về việc ra mắt cuốn sách từ các bản thảo quý giá đó. Nhờ đó mà cuốn sách  “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” ra đời. NSND Trần Hiếu bày tỏ sự cảm kích đối với vợ rằng, nếu không có bà ông cũng không có được cuốn sách “để đời” như thế này. Ông tin rằng đây sẽ là cuốn sách hữu ích đối với những người học thanh nhạc và yêu âm nhạc. Ông cũng coi đây là gia sản nghề hát mà ông để lại cho hậu thế. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Minh Ngà cũng xúc động nói, sau khi ra mắt được cuốn sách bà cảm thấy an lòng, bởi cuốn sách chính là tài sản lớn của NSND Trần Hiếu dành cho âm nhạc Việt Nam.

 “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” là những nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn nghiên cứu, biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật gắn liền với ca hát của NSND Trần Hiếu.

NSND Trần Hiếu ra mắt sách “để đời”, mong tiếng hát Việt ngày càng đẹp hơn  - ảnh 1
NSND Trần Hiếu

Cuốn sách có độ dày hơn 100 trang, bố cục gồm 2 phần chính: Phần một “Đôi điều về tiếng hát Việt Nam” và phần hai “Ngôn ngữ và học thuật”. Phần một, tác giả đề cập tới truyền thống ca hát nói chung, vai trò của tiếng hát Việt Nam nói riêng trong phạm vi khá rộng, từ thời kỳ mở nước, dựng nước đến thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc cho tới thời kỳ âm nhạc mới Việt Nam xuất hiện. Thông qua đó, khẳng định cho dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì tiếng hát vẫn luôn là một nghệ thuật của ngôn ngữ. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những sự tương đồng và khác biệt giữa đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc so với thế giới để làm sao phát huy được hiệu quả nhất ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam. Phần hai, tác giả đưa ra những nhận định và chứng minh những nhận định về sự tinh tế và ý vị của ngôn ngữ trong dân ca, trong những bài nhạc không lời và trong cấu trúc âm nhạc của người Việt. Phần này tác giả cũng đi sâu vào kỹ thuật ca hát cổ truyền cũng như kỹ thuật ca hát của thế giới để từ đó tìm ra điểm chung nhất, phù hợp với đặc điểm của người Việt nhất trong các kỹ thuật cơ bản của tiếng hát là hơi thở và cộng minh. Từ những kết quả trình bày, tác giả dành một nội dung chính thức của cuốn sách để đưa ra kiến nghị về tiếng hát thời đại của Việt Nam nên được xây dựng như thế nào. 

NSND Trần Hiếu ra mắt sách “để đời”, mong tiếng hát Việt ngày càng đẹp hơn  - ảnh 2

Là người phụ trách các khâu biên soạn, sản xuất cuốn sách, NSND Quốc Hưng cho rằng: “Đây là tư liệu quý mà những thế hệ thanh nhạc sau này nên tiếp cận và đọc để biết về tầm quan trọng trong ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát Việt Nam, từ đó thêm phần quyết tâm không ngừng trau dồi trong cách hát. Một mặt khác, cũng thông qua cuốn sách người đọc còn cảm phục và biết thêm sự yêu nghề, cách tiếp cận các tác phẩm và những tâm huyết trong việc tìm tòi, đưa ra những hướng xử lý tốt nhất cho các tác phẩm”.

NSND Trần Hiếu ra mắt sách “để đời”, mong tiếng hát Việt ngày càng đẹp hơn  - ảnh 3
NSND Trần Hiếu vô cùng xúc động khi ra mắt được cuốn sách "để đời"

Cũng trong cuốn sách, NSND Trần Hiếu còn cho thấy sự hiểu rộng và sâu của ông về vốn lịch sử âm nhạc Việt Nam, chất liệu dân gian dân tộc, đồng thời cách ông áp dụng nó vào trong biểu diễn và giảng dạy.

NSND Trần Hiếu ra mắt sách “để đời”, mong tiếng hát Việt ngày càng đẹp hơn  - ảnh 4
NSND Quốc Hưng (ngoài cùng bên trái), NSND Quang Thọ, nhạc sĩ Quang Long trong buổi ra mắt sách của NSND Trần Hiếu

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của NSND Trần Hiếu thể hiện trong cuốn sách là việc ông phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình tượng thanh trong cái tai người Việt, tác động của phụ âm “đầu và cuối âm tiết” vào nguyên âm tiếng Việt, tính biến hóa sinh động của việc xử lý phụ âm cuối âm tiết trong tiếng hát Việt Nam… Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, một công trình khảo cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam bàn sâu về vấn đề này. Cho nên đây là đóng góp không nhỏ của NSND Trần Hiếu cần được ghi nhận, thực sự có giá trị đối với giới âm nhạc với nghệ thuật ca hát Việt Nam và là một tài liệu có giá trị để các công trình nghiên cứu khoa học, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ làm tài liệu tham khảo.

Tin cùng chuyên mục

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".