NSƯT Quốc Hưng: “Muốn dẹp bỏ nhảm nhí để tốt cho nhạc Việt”

Chia sẻ

PNTĐ-Không ít người bất ngờ, tại sao giọng bass hàng đầu Việt Nam thuộc dòng nhạc thính phòng - NSƯT Quốc Hưng - lại ra album với những ca khúc phong cách trữ tình với hơi hướng nhạc nhẹ.

 
NSƯT Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia, vừa ra mắt album “Biển tình” sau thời gian dài vắng bóng để tập trung bảo vệ luận án Tiến sĩ. Không ít người bất ngờ, tại sao giọng bass hàng đầu Việt Nam thuộc dòng nhạc thính phòng - NSƯT Quốc Hưng - lại ra album với những ca khúc phong cách trữ tình với hơi hướng nhạc nhẹ. 
 
NSƯT Quốc Hưng: “Muốn dẹp bỏ nhảm nhí để tốt cho nhạc Việt” - ảnh 1
NSƯT Quốc Hưng 

 
Lý do nào anh chọn hát nhạc nhẹ trong album mới ra mắt này?
 
- Album “Biển tình” của tôi gồm 10 ca khúc quen thuộc về biển mà khán giả Việt Nam rất yêu thích. Có người nói, giọng hát opera như tôi hát nhạc nhẹ thì quá… đơn giản, nhưng sự thực không phải thế, không bao giờ là đơn giản, bởi nếu ca sĩ chỉ dùng kĩ thuật thì hát xong sẽ không đọng lại cái gì cả. Nếu không có sự thổn thức từ trái tim thì sẽ không lột tả được hết tác phẩm và không thể thành công được.
 
Tôi quan niệm, âm nhạc không có từ dễ, chỉ có điều mình làm có tốt hay không, mình làm có đến nơi đến chốn hay không. Âm nhạc cũng không có từ sai, mà quan trọng là mình làm như thế nào. Có những tác phẩm mình chỉ hát một vài câu thôi nhưng để lại rất nhiều cảm xúc.
 
Là giảng viên thanh nhạc, lại là Trưởng khoa Thanh nhạc, chắc anh cũng thấy một hiện tượng là hiện giờ có nhiều bạn trẻ không thích vào các trường học nhạc mà muốn học khóa ngắn hạn bên ngoài rồi ra làm nghề ngay. Anh nhận định như thế nào về cách phát triển sự nghiệp ca hát như thế?
 
- Những người như thế gọi là “ăn xổi”, muốn nhanh nổi tiếng thì “đi tắt đón đầu”. Họ tìm thuê người này, người kia lăng xê, tìm một thầy để học. Sự thực học như vậy thì học được không đáng mấy đâu. Sinh viên nhạc viện học trong trường 8 năm còn chưa đâu vào đâu, học một vài tháng thì ăn thua gì. Nhiều bạn còn nói đi học ở Mỹ, ở Hàn, học như thế cũng không đáng gì cả. Như thế, càng không thể học một vài tháng của thầy này thầy kia mà giỏi được. 
 
Những bạn trẻ “đi tắt đón đầu” khó tồn tại lâu dài lắm, có lăng xê cũng chỉ được một thời điểm nào đó, thời gian sống của giọng hát rất ngắn, chỉ được một vài bài. Dài thêm nữa thì một năm, hai năm, sau đó sẽ “chết yểu” thôi.
 
Nhưng, có một sự thực là bạn được đào tạo bài bản lại ít khi giành được những giải thưởng trong các cuộc thi truyền hình như những bạn tay ngang. Bởi thế mà có những bạn đang học bài bản trong trường lại bỏ vì bị cuốn theo các gameshow…
 
- Có một điều khiến tôi rất buồn, ấy là có những cuộc thi mời tôi làm giám khảo, chúng tôi chọn nhiều em giọng tốt, hát hay mà cũng có ngoại hình tốt. Vậy mà về sau khi công bố kết quả, tôi lại thấy các em… trượt hết. 
 
Thay vào đó, BTC chọn những em giọng hát bình thường nhưng có hoàn cảnh khó khăn, khổ sở… Tôi bảo thẳng, lần sau đừng bao giờ mời tôi chấm những cuộc này, tôi không bao giờ nhận lời. 
 
Trước thực trạng đó anh có đau lòng không?
 
- Không những rất buồn mà tôi còn cảm thấy bức xúc, được mời làm giám khảo mà hóa ra mình ngồi như “bù nhìn”. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. 
 
Giờ tôi không bao giờ xem và tham gia những gameshow, bởi xem xong bị ức chế. Giám khảo trong chương trình nhận xét “ba lăng nhăng”, nói năng không đâu vào đâu cả.
 
Có học trò nào của anh đang học mà bỏ đi như vậy? Anh có giữ hoặc thay đổi quan điểm của học sinh đó?
 
- Có chứ, tôi nắm bắt tâm lý học sinh rất nhanh, ai có ý đồ là tôi nhận ra ngay. Học trò muốn đi thì giỏi đến mấy tôi cũng không giữ. Chúng tôi cần những học sinh có đam mê chứ không bao giờ kéo những người muốn nhanh nổi tiếng. 
 
Học trò muốn “ăn xổi” thường sẵn sàng làm bất cứ điều gì, bất chấp tất cả để nổi tiếng nên tôi không bao giờ giữ, mà bỏ rồi, nếu có quay lại tôi cũng không bao giờ nhận.
 
Theo tôi, đã đến lúc cần có sự định hướng lại các gameshow. Bởi nếu cứ tiếp diễn những câu chuyện như trên sóng truyền hình thì giới trẻ sẽ hiểu âm nhạc theo ngôn ngữ khác, không định hình được cái chuẩn trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi chỉ mong có thể dẹp bỏ được những thứ nhảm nhí đó đi để tốt cho nhạc Việt.
 
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
 
Phong Thủy

Tin cùng chuyên mục

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành bộ sách gồm 17 cuốn sách viết về Điện Biên Phủ với nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng. Trong đó, đáng chú ý là cuốn sách “Kí họa trong chiến hào” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngay từ sáng sớm sáng 7/5, đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên và nhiều địa phương trong cả nước đã đến Sân vận động thành phố Điện Biên cùng theo dõi Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và dành những tình cảm hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử.
 “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

(PNTĐ) - Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, tạo nên một dòng chảy nghệ thuật vừa hào hùng, vừa sâu lắng, hồi tưởng về những khoảnh khắc hùng tráng đã khắc sâu trong lịch sử dân tộc 70 năm về trước.