Nữ nhà báo viết tiểu thuyết gắn mác 18+ về sự thực trần trụi giới mại dâm
(PNTĐ) - Tiểu thuyết “Nỗi đau của bướm đêm” (NXB Hội Nhà văn) tròm trèm 200 trang, được tác giả Thu Hằng giới thiệu khá cuốn hút và gắn mác 18+ trên Facebook cá nhân. Sách vừa mới phát hành nóng rẫy giữa năm 2024, là một lát cắt hiện thực xoay quanh thế giới mại dâm hỗn tạp sắc màu. Nhà thơ Lê Hải Kỳ, tác giả tập thơ nổi tiếng “Trăng hạ huyền đã cháy” có bài viết về cuốn sách.
Theo tôi biết, Thu Hằng có thâm niên làm báo hàng chục năm nên khi viết “Nỗi đau của bướm đêm”, ngòi bút trụi trần đến nỗi nhiều bạn đọc lầm tưởng tác giả... là "gái ngành" chính hiệu đang kể chuyện đời mình. Đúng là cười ra nước mắt nhưng, điều này ít nhiều nói lên sự nghiêm túc của Thu Hằng trong sáng tạo văn chương. Bởi để hư cấu được như thật thế kia thì cần có tài năng và vốn sống ăm ắp, phải có nguồn tư liệu đặm đầy về đề tài vốn khá nhạy cảm: mại dâm.
Thiển nghĩ, với bản năng và nghiệp vụ của một nhà báo như Thu Hằng thì viết về tệ mại dâm là điều không quá khó nhưng “Nỗi đau của bướm đêm” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả, nó là sáng tạo văn chương chứ không phải dựa trên sự thật thuần túy với những gì mắt thấy tai nghe để chuyển tải thành các tác phẩm báo chí quen thuộc.
Càng đặc biệt hơn, “Nỗi đau của bướm đêm” hạ sinh ngay trong thời gian Thu Hằng phải nhập viện tâm thần để điều trị tâm lý trong sự bế tắc tột độ vì sức khoẻ kiệt quệ, vì phải từ bỏ công việc làm báo được cô xem như máu thịt. Duyên nợ thế nào, Thu Hằng viết cuốn tiểu thuyết này trong sự động viên nhiệt thành của người thân, như một liệu pháp để khuây khoả, không ngờ lại được bạn đọc đón nhận quá đỗi ấm nồng.
Mặc dù là cuốn tiểu thuyết đầu tay nhưng khi đọc “Nỗi đau của bướm đêm”, tôi thầm nghĩ, tác giả đã rất có nghề trong việc xây dựng tình huống, biết cách đẩy câu chuyện lên cao trào khiến người đọc phải chăm chú dõi theo để nhịp tim được thập thình cùng nhân vật. Tôi cảm tưởng khi Thu Hằng đặt bút cho cuốn sách này, là sự pha trộn xúc cảm giữa “đau và điên”, cô chẳng cần dụng công hư cấu vì cứ như bê nguyên xi chuyện đời vào trang viết, nó thật chân và sống động đến nỗi tôi vừa đọc vừa thấy hiển hiện từng không gian và nhân vật đi lại khóc cười trước mắt mình.
Tôi rất ấn tượng với đoạn tác giả tả cảnh Tuấn vén những sợi tóc loà xoà trên mặt Thơm và đặt lên trán cô một nụ hôn rồi nói nhỏ: “Anh thương em nhiều”. Quả thật, phải từng trải lắm hỉ nộ ái ố của kiếp người thì mới đặt để được chữ “thương” trong ngữ cảnh này. Phải dùng chữ “thương” nó mới sâu, mới thấm thía cái tình nghĩa tao khang dù không chính danh mà Tuấn đã dành cho, đã cưu mang mẹ con Thơm.
Biết tác giả là nhà báo lâu năm nên tôi tự nhủ mình cần “dè chừng” vốn đọc, vốn sống của Thu Hằng. Nhưng khi cầm trên tay “Nỗi đau của bướm đêm”, tôi cũng phải ngỡ ngàng bởi văn thật quá, đời quá, kiểu như tác giả cùng ăn cùng ở với những phận người buôn phấn bán hương vậy.
“Nỗi đau của bướm đêm” - cuốn tiểu thuyết chưa đầy 200 trang nhưng đã lần lượt “bóc vỏ” thế giới mại dâm sáng tối nhập nhằng. Thú thật, tôi đã bị Thu Hằng dẫn dụ bằng giọng văn sắc mà không lạnh, luôn ẩn hiện tình người với sự bao dung, rưng rức một nỗi đàn bà. Ngoài những con chữ gai góc lột trần thế giới mại dâm như vốn dĩ thì Thu Hằng đã mở rộng đường biên để nhân vật được hoà nhập với xã hội, để bạn đọc thấu cảm với những phận người bị dòng đời xô đẩy vào con đường tăm tối.
Dân gian thường hay cảnh tỉnh “không nghe cave kể chuyện” nhưng câu chuyện cuộc đời Thơm trong “Nỗi đau của bướm đêm” là một ngoại lệ để bạn đọc thấu cảm thông điệp nhân văn trong nhầy nhụa kiếp nhân sinh.