Phim truyền hình Việt “thiếu” ngôn tình

Chia sẻ

Trong khi những nhà làm phim ngoại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… liên tục có những tác phẩm phim truyền hình ngôn tình làm “say lòng” khán giả châu Á mùa Valentine thì Việt Nam hiếm có tác phẩm thành công ở thể loại này.

Quốc Trường và Bảo Thanh trong phim truyền hình ăn khách của màn ảnh nhỏ "Về nhà đi con".Quốc Trường và Bảo Thanh trong phim truyền hình ăn khách của màn ảnh nhỏ "Về nhà đi con". (Ảnh: Ảnh do nhân vật cung cấp)Quốc Trường và Bảo Thanh trong phim truyền hình “Về nhà đi con”

“Gia vị” ngôn tình

Bộ phim truyền hình Hàn Quốc có tên “Hạ cánh nơi anh” đang làm “điên đảo” khán giả nữ toàn châu Á. Phim kể về câu chuyện tình yêu mang tính định mệnh của chàng quân nhân người Triều Tiên và cô con gái nhà tài phiệt Hàn Quốc. Mặc dù bộ phim có phần lãng mạn hóa quá mức, nhưng khán giả vẫn chết mê chết mệt vì hình mẫu người đàn ông yêu lý tưởng do tài tử Hyun Bin thủ vai, và định mệnh của một cặp đôi sinh ra là dành cho nhau. Nhìn vào phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… những quốc gia có thế mạnh về điện ảnh dễ thấy rằng phim ngôn tình, ca ngợi những tình yêu đẹp đến kỳ diệu là một trong những đề tài rất được quan tâm, phát triển và giành nhiều tình cảm của khán giả. Trong khi đó, khán giả Việt lại thở dài vì tình yêu trong phim Việt không có tính lãng mạn mà phần lớn là… “thực dụng”.

5 năm trở lại đây, năm nào màn ảnh nhỏ cũng có những bộ phim ấn tượng, giúp phim truyền hình Việt tạo được những làn sóng yêu thích lớn trong khán giả. Ngoài những bộ phim có đề tài tội phạm, xã hội ngầm như Người phán xử, Mê cung, hay phim đề tài góc khuất xã hội như Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, những bộ phim có sức hút với khán giả đều khai thác đề tài hôn nhân, gia đình. Mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu, chuyện bố “gà trống” nuôi ba cô con gái, sự phân biệt đối xử giữa mẹ với các con trong cùng một gia đình, những xung đột giữa vợ chồng, “chính thất” - “tiểu tam”… được các nhà làm phim khai thác triệt để.

Thực tế, không phải phim Việt không có chuyện “ngôn tình”. Chuyện tình yêu đẹp, lãng mạn đã từng xuất hiện trong những “bom tấn” truyền hình như Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con, Gạo nếp gạo tẻ, Gia đình là số 1… nhưng chỉ là một thứ “gia vị”, đôi khi còn “không đến đầu đến đũa”. Và điểm chung của những câu chuyện đẹp như mơ đó thường là chuyện “yêu lại từ đầu” sau một lần hôn nhân đổ vỡ như tình yêu của Minh Vân (Bảo Thanh) và Sơn (Việt Anh) trong phim Sống chung với mẹ chồng, của cặp đôi Bảo (Hồng Đăng) và Khuê (Hồng Diễm) trong Hoa hồng trên ngực trái; của Vũ (Quốc Trường) với Thư (Bảo Thanh) trong Về nhà đi con… Các chàng trai được xây dựng với mô típ có đầy đủ những yếu tố của một “soái ca” ngôn tình: đẹp trai, giàu có, tâm lý và yêu thương bất chấp hoàn cảnh khiến khán giả cũng nức lòng. Tuy nhiên, những yếu tố này diễn ra đôi khi chóng vánh, diễn viên diễn không ra chất “ngôn tình”, cũng có khi phi lý thái quá… nên chưa thể coi là thành công ở đề tài tình yêu.

Kỳ vọng dự án “khủng” 2020?

5 năm trước, 2 bộ phim truyền hình đề tài tình yêu tuổi trẻ khá thành công là Tuổi thanh xuân và Zippo, mù tạt và em. Trong đó, Tuổi thanh xuân (2015) là bộ phim truyền hình đầu tiên hợp tác sản xuất giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, đánh dấu bước chuyển mình của phim truyền hình Việt ở đề tài phim tình yêu. Zippo, mù tạt và em (2016) cũng nhận nhiều phản hồi tích cực nhờ lối kể chuyện dí dỏm, nhiều tình huống bất ngờ. Trong thời gian phát sóng, những phim này được khán giả đón chờ vì bối cảnh phim đẹp, nhiều cảnh quay lãng mạn, chuyện tình yêu cũng khá ngọt ngào...

Sau hai bộ phim đó, khó có thể kể tới tên một phim ngôn tình có sức hút lớn với khán giả Việt thời gian gần đây, kể cả kịch bản thuần Việt hoặc “remake” (làm lại). Một số tác phẩm phim truyền hình đề tài tình yêu “xem được” có thể kể đến: Ghét thì yêu thôi, Yêu thì ghét thôi, Chạy trốn thanh xuân… Một số tác phẩm “remake” là: Ngày ấy mình đã yêu, Mối tình đầu của tôi, Hậu duệ Mặt trời Việt Nam… có lượng khán giả nhất định nhưng chưa thực sự tạo cơn sốt. Lý do chủ yếu là diễn xuất của diễn viên chưa đủ thuyết phục người xem tin vào câu chuyện tình yêu mà họ đang kể. Với thể loại phim ngôn tình, ngoài những yếu tố quan trọng là kịch bản, ê-kíp sản xuất, thời điểm phát sóng, biên tập… diễn xuất của diễn viên là yếu tố quan trọng bậc nhất. Nếu khán giả không bị lôi cuốn bởi cách kể chuyện của diễn viên, không cảm nhận được tình cảm của các nhân vật thì bộ phim xem như thất bại. Và đó cũng là một trong những lý do quan trọng khiến màn ảnh nhỏ Việt chưa thực sự có những bộ phim ngôn tình được yêu thích.

Một tín hiệu vui mới được Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) bật mí, trong năm 2020, khán giả sẽ được thưởng thức một dự án phim dài tập đặc biệt có sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng của cả hai miền Nam - Bắc. Và, đạo diễn Bùi Tiến Huy - người từng rất thành công với các dự án phim đề tài tình yêu như: Tuổi thanh xuân, Cả một đời ân oán, Zippo, mù tạt và em đảm nhận bộ phim này. Điều này khiến khán giả kỳ vọng sẽ được thưởng thức bộ phim tình yêu lãng mạn và hấp dẫn “made in Vietnam” trong năm 2020.

Có một điều phim Việt cần quan tâm là thị hiếu khán giả ngày càng dành nhiều tình cảm cho các phim “ngôn tình”. Vì vậy, màn ảnh nhỏ của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… mới “khuynh đảo” giới mê phim cả châu Á. Phim truyền hình Việt nếu không sớm có hướng đi phù hợp thị hiếu, sẽ khó cạnh tranh và hấp dẫn đối tượng khán giả trẻ đến với mình. Đây cũng là một “nhiệm vụ” trong định hướng giáo dục khán giả trẻ của phim Việt, bởi giới trẻ cần có những bộ phim tình yêu trong trẻo, lý tưởng để biết yêu, và sống tốt đẹp hơn…

Nguyên Vũ 

Tin cùng chuyên mục

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.
Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” trình chiếu miễn phí 6 bộ phim: Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên, Chuyện những người lính già, Đồng hành cùng lịch sử, Chia lửa cùng Điện Biên, Điện Biên Phủ niềm hy vọng.
Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

(PNTĐ) -Đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ- Trung uý Mai Chi thuộc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng ra mắt MV “Mẹ yêu con” như một nén tâm hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập, hoà bình hôm nay.