Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức
(PNTĐ) - Tối 10/2 (tức ngày 13 tháng Giêng), đông đảo người dân xã La Phù đã cùng 17 đoàn rước 17 "ông lợn" từ khắp 11 thôn của xã về đình làng La Phù, di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, để tế thành hoàng làng La Phù. Đây là hoạt động tâm linh đặc biệt trong khuôn khổ lễ hội truyền thống xã La Phù Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Duy Giang cho biết: Lễ hội truyền thống xã La Phù là sự kiện văn hóa quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của UBND huyện Hoài Đức và Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã La Phù đối với những nỗ lực, đóng góp của nhân dân xã trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Lễ hội cũng nhằm tôn vinh cụm di tích đình và chùa Trung Hưng - di tích gắn liền và phản ánh sinh động nhiều chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 1](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/nd_tqpw.jpg)
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 2](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/doan_oxfi.jpg)
Hằng năm, hội làng La Phù là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ nước, được tổ chức vào đêm 13 tháng Giêng hàng năm.
Nhớ thần phả tích xưa truyền lại vào đời Hùng Vương thứ 18 đứng đầu Nhà nước Văn Lang là đức vua Duệ Vương trị vì thiên hạ nhân dân cả nước đều được an khang thịnh vượng.
Trong triều đại đó, Ngài ở một gia đình quyền quý châm oanh. Hai cụ thân sinh ra Ngài luôn luôn tu thân, tích đức giúp đỡ những người nghèo khổ, được nhân dân trong vùng mến mộ. Do quá trình tích đức, cây đức đã nảy chồi, ngày mồng 7 tháng giêng Ngài chào đời với niềm hân hoan của gia đình và làng xóm. Năm lên 3 tuổi, Ngài đã học Lễ khiêm nhường, năm lên 7 tuổi Ngài đi học chữ, tài học lực học một biết mười, năm 16 tuổi Ngài đã học lầu thông kinh sử và võ nghệ tinh thông.
Quá trình rèn luyện tài năng ngày càng phát triển, đến năm 25 tuổi hai cụ thân sinh ra Ngài đều lần lượt qua đời, Ngài thủ hiếu 3 năm trọn vẹn, năm Ngài 28 tuổi Nhà vua tuyển chọn nhân tài ra giúp nước, Ngài vào kinh đô ứng thí được nhà vua rất mến đức trọng tài, Ngài được phong chức ‘‘chỉ huy sứ tướng quân’’ đóng đồn tại khu La Nước, nay là xã La Phù, được một thời gian ngắn, trong nước có biến cố do Thục bang làm loạn, y còn viện quan ngoại bang vào đất nước ta.
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 3](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/nguoi_dan_1_hppw.jpg)
Trước tình thế thù trong giặc ngoài tàn phá quê hương xứ sở, Ngài đã được nhà vua giáng chỉ lĩnh ấn tiên phong lên Sóc Sơn dẹp giặc. Trước thế mạnh hùng dũng của quân ta, chỉ một trận giao tranh với quân thù, Ngài đã giành chiến thắng, ca khúc khải hoàn, về triều đình được Nhà vua ban thưởng công lao to lớn của Ngài và phong làm Quế Công Đại Vương.
Sau một thời gian hưởng lộc vua ban, Ngài đã quy hóa. Để ghi nhớ công ơn của Ngài, Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng Giêng là ngày cát kỵ của Ngài.
Trải qua nhiều năm tháng, tinh anh của Ngài luôn phò trợ cho nhiều triều đại như Đinh - Lê - Lý - Trần, triều đại nào Ngài cũng được sắc phong.
Đặc biệt là nơi đây trên mảnh đất linh thiêng này đã được vua ban 4 chữ Mỹ, Tục, Khả, Phong. Còn có nhân dân thôn Đồng Nhân, thôn La Tinh được anh linh Ngài phù trợ, cả bốn mùa quanh năm được phồn vinh trù phú.
Cụm di tích Đình và Chùa Trung Hưng hội tụ giá trị nhân văn và thiên nhiên vô cùng quý giá, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên với tiềm năng du lịch to lớn cần được phát huy, khai thác thật tốt để phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
"Các cán bộ và nhân dân xã nhà tiếp tục chung tay, góp sức cùng với Chính quyền địa phương bảo vệ, khai thác thật sự khoa học và hiệu quả cụm di tích lịch sử - văn hoá trên quê hương La Phù, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc"- Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Duy Giang nhấn mạnh.
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 4](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/tp1_ahln.jpg)
Lễ rước 17 "ông lợn" được 11 thôn trong toàn xã chuẩn bị kỹ lưỡng, 17 gia đình được chọn đăng cai tu lễ là đại diện cho thôn, được các hộ dân trong thôn xóm tín nhiệm.
Vợ chồng ông Tạ Tương Hải, bà Đào Thị Kim Thu ở thôn Tiền Phong 1 rất vui mừng và bày tỏ rằng đây là niềm vinh dự khi năm nay là lần đầu tiên được đăng cai tu lễ, cùng các hộ dân chuẩn bị lễ. Sáng 10/2 (tức ngày 13 âm lịch) gia đình ông Hải, bà Thu cùng các hộ dân trong thôn, xóm đón lợn được "ông lợn" về để chuẩn bị trang trí, bày biện cùng với các kiệu hoa, quả, đèn hương...
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 5](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/tien_phong_xlct.jpg)
Ông Nguyễn Công Hưng, Trưởng thôn Tiền Phong 1 cho biết, việc lựa chọn hộ dân được đăng cai tu lễ có quy định phải có nhà cửa cao ráo, sạch, đặc biệt là gia đình không có tang sự. Lợn được chọn làm "ông lợn" để rước vào đình tế lễ phải có dáng đẹp, đuôi dài, trong quá trình nuôi cũng rất cầu kỳ, lợn được chăm chút kỹ lưỡng, người nuôi lợn còn phải mắc màn cho lợn ngủ để đảm bảo lợn khoẻ, sạch.
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 6](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/dau_tranh_jpg1_lqsu.jpg)
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 7](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/dau_tranh_pibb.jpg)
Năm nay cũng là năm đầu tiên được đăng cai tu lễ, gia đình anh Tạ Công Tài và chị Nguyễn Thị Hoàn ở thôn Đấu Tranh cũng phấn khởi và hạnh phúc vì được người dân trong thôn tín nhiệm. Gia đình anh Tài đại diện cho 160 hộ dân trong thôn đón "ông lợn" về cùng bà con trang trí và chuẩn bị lễ đưa lên kiệu rước về đình.
Theo quan điểm của người dân La Phù từ xưa đến nay cho rằng, việc rước "ông lợn" được trang trí đẹp thể hiện lòng thành của người dân dâng lên Đức thành hoàng làng.
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 8](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/lon_3_trung_binh_swjc.jpeg)
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 9](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/lon_1_jlmj.jpg)
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 10](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/lon_4_uzmb.jpg)
Chiều tối 10/2 (tức ngày 13 âm lịch), trên khắp các trục đường thôn, xã, 17 đoàn kiệu rước 17 "ông lợn" đã được rước từ 17 nhà đăng cai tu lễ đưa về sân đình.
Từ 21h đến 24h, các "ông lợn" sẽ được các thanh niên khỏe mạnh, chưa lấy vợ, độ tuổi dưới 20 rước vào đình để thực hiện nghi thức tế lễ.
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 11](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/trong_1_kine.jpg)
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 12](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/trong_3_nfka.jpg)
![Rước 17 “ông lợn” - đặc sắc lễ hội của làng La Phù, huyện Hoài Đức - ảnh 13](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_10/mua_lan_su_pexj.jpg)
Có 6 "ông lợn" đẹp nhất được chọn đưa vào cung. Nghi thức tế được thực hiện từ đêm ngày 13 tháng Giêng đến 2-3h sáng ngày 14 tháng Giêng. Sau đó sẽ được đưa về các gia đình đăng cai để thụ lộc, chia cho các hộ dân trong thôn.