Sân khấu Thủ đô sáng đèn sau mùa dịch

Chia sẻ

Sau nửa năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19, các phòng vé, rạp hát ở Thủ đô bắt đầu khởi động sôi nổi với một loạt các chương trình nghệ thuật mới. Đây là kết quả của quá trình vận động, sáng tạo, ấp ủ nhiều tháng qua của các nghệ sĩ, nhằm đón khán giả trở lại.

Kịch nói xứng đáng là sân khấu mũi nhọn tiên phong

Ngay sau Tuần lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu kịch nói Việt Nam diễn ra cuối tháng 10 với hàng loạt sự kiện nghệ thuật và vở diễn được trình diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn, thì Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra tại Hải Phòng từ ngày 5-16/11 đã thực sự tạo sự “bùng nổ”, trở thành “màn trở lại” đầy ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ của lĩnh vực sân khấu. Không chỉ người làm nghề mà cả công chúng cũng cảm thấy phấn khích, như được tiếp thêm niềm tin vào tương lai của sân khấu sau những gian nan vì đại dịch.

Cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên Liên hoan sân khấu năm nay tổ chức trực tuyến, không có sự tham gia của các đơn vị sân khấu kịch nói phía Nam, Ban tổ chức sẽ tổ chức thi ở TPHCM riêng vào một thời điểm thích hợp. 14 đơn vị đăng ký dự thi 20 vở tại Liên hoan lần này đều thuộc sân khấu kịch nói khu vực phía Bắc, chủ yếu là các nhà hát, câu lạc bộ, nhóm nghệ sĩ xã hội hoá hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Đó là lý do những ngày này, các nhà hát và các đơn vị nghệ thuật cho ra mắt hàng loạt vở diễn mới, làm “nóng” bầu không khí nghệ thuật của Thủ đô như: Thiên mệnh, Điều còn lại (Nhà hát Kịch Việt Nam), Hà Thành chính khí, Làng song sinh (Nhà hát Kịch Hà Nội), Lau trắng (Câu lạc bộ Sân khấu Thử nghiệm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)…

Đặc biệt gây ấn tượng phải kể đến từ ngày 6/11, 6 vở diễn dựa trên tác phẩm văn chương vĩ đại của thế giới “Antigone” do 6 đạo diễn Việt Nam dàn dựng sẽ lần đầu tiên ra mắt khán giả.

Vở “Tình mẹ” do Hội Sân khấu Hà Nội tập hợp các nghệ sĩ sân khấu ở Thủ đô dàn dựngVở “Tình mẹ” do Hội Sân khấu Hà Nội tập hợp các nghệ sĩ sân khấu ở Thủ đô dàn dựng (Ảnh: Hội SKHN)

Những thách thức của thời kỳ bình thường mới

Cùng với các đơn vị kịch nói, các nhà hát ở nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc và cả các show diễn ca nhạc cũng đã được lên kế hoạch biểu diễn. Các sân khấu truyền thống như: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… đều cho ra mắt tác phẩm mới và sắp xếp lịch biểu diễn tại nhà hát. Điều này đã gợi nên rất nhiều cảm hứng về cuộc sống đang trở lại trạng thái bình thường mới cho công chúng yêu nghệ thuật. Hiện, các đơn vị nghệ thuật nỗ lực hơn nhiều lần trong việc tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo để cho ra mắt những sản phẩm, chương trình nghệ thuật mới. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, nhà hát đang hướng tới việc đa dạng hóa các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ nhiều đối tượng khán giả đến xem múa rối. Bên cạnh đó, nhà hát vẫn không ngừng nỗ lực trong các hoạt động để có thể đưa rối vào các sân khấu học đường một cách chiến lược, bài bản, dài hơi với mục đích gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống.

NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đang tìm tòi và thực hiện chương trình biểu diễn trực tuyến, trực tiếp, ghi hình phát sóng trên truyền hình và có thể tham gia các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, hình thức biểu diễn trực tuyến và ghi hình phát sóng đem lại hiệu quả.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: Khi cuộc chiến chống Covid-19 được xác định còn kéo dài thì biểu diễn nghệ thuật cũng phải tìm cách thích ứng an toàn với đại dịch. Thiết nghĩ chúng ta nên có một bộ tiêu chí chung, thống nhất các quy định về việc đón khách tới thưởng thức nghệ thuật. Trên cơ sở này, các đơn vị nghệ thuật có thể chủ động ngay trong xây dựng kế hoạch và tổ chức biểu diễn an toàn, để các chương trình được biểu diễn trở lại.

Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày sân khấu được sáng đèn trở lại, song họ vẫn cần sự hỗ trợ về cơ chế, ngân sách từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Để bảo đảm hoạt động, các đơn vị nghệ thuật cũng mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước trong đặt hàng sáng tác, quảng bá, dàn dựng tác phẩm, ổn định đời sống nghệ sĩ…

Tại Lễ khai mạc Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Tổ chức Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 cũng là một hoạt động biểu thị mong muốn vực dậy nền sân khấu sau đại dịch Covid-19”. Điều này cũng thể hiện tinh thần quyết tâm sáng đèn trở lại phục vụ khán giả của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cả nước nói chung, nghệ thuật biểu diễn ở Thủ đô nói riêng trong thời điểm này và tương lai tới đây.

TRỌNG HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.