Sẽ cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục
(PNTĐ) -Tuần qua, tại tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ”, ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng phải được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện nay, xử lý các vi phạm này đã có Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và công nghệ, nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng có lẽ chưa nhiều người nắm rõ bộ quy tắc này. Đặc biệt, với các nghệ sĩ - người của công chúng, hành vi ứng xử trên mạng xã hội cần phải tuân thủ đúng quy tắc, trái lại, các hành vi lăng mạ, hạ bệ nhau, quảng cáo sai sự thật… trên không gian mạng sẽ phải bị xử lý nghiêm khắc”.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa ban hành Quyết định số 512 về cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ này sẽ xây dựng quy trình xử lý các nghệ sĩ, các KOLs (người có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội - PV) có hành vi trái pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục sẽ bị nhận các hình thức kỷ luật như hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo…, triển khai áp dụng từ tháng 10 năm nay. Quyết định này hy vọng sẽ loại bỏ “những con sâu làm rầu nồi canh” và làm trong sạch, tích cực hơn môi trường văn hóa ứng xử trong giới nghệ sĩ.
Thực tế đã có rất nhiều “tấm gương tày liếp” về việc nghệ sĩ bị phản ứng, chịu hậu quả khi phát ngôn thiếu trách nhiệm, thô tục… trên mạng xã hội. Không chỉ làm mất hình ảnh của chính họ bởi những phát ngôn thiếu chuẩn mực, nhiều nghệ sĩ còn bị điểm tên khi đăng tải những video quảng cáo các sản phẩm với công hiệu thần kỳ để cuốn hút người tiêu dùng. Điển hình như Hoa hậu Việt Nam 2016 Mai Phương Thúy từng đăng clip quảng cáo sản phẩm giảm mỡ có thành phần tự nhiên, nhưng chỉ ít ngày sau sản phẩm này đã bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi giấy phép do quảng cáo sai sự thật. Sau đó, hoa hậu đã phải xin lỗi người hâm mộ. Hàng loạt nghệ sĩ khác, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Quyền Linh, Hồng Vân… cũng từng phải xin lỗi khi quảng cáo mà không tìm hiểu thông tin chính xác liên quan tới sản phẩm.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ tác động tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Giới trẻ lại chiếm số đông người dùng trên mạng xã hội, có sự cởi mở, năng động, hướng ngoại. Nghệ sĩ có sứ mệnh cao cả là đưa các tác phẩm nghệ thuật đến công chúng, đề cao chân, thiện, mỹ.
NSND Thanh Trầm cũng cho rằng, với nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường như một status, comment, hình ảnh đăng tải trên trang cá nhân, đều có thể tạo ra hiệu ứng xã hội rất lớn. Chỉ vì “lỡ lời”, “vạ miệng”, viết những câu từ thiếu văn hóa, đụng chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, cộng đồng mạng sẵn sàng “dậy sóng”, tẩy chay nghệ sĩ. Hậu quả của nó là đánh mất niềm tin của công chúng vào những giá trị họ vốn tôn thờ.