Sẽ có chính sách miễn giảm thuế đầu tư các loại hình văn hóa
(PNTĐ) - Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL), công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định đóng vai trò quan trọng, bền vững vào sự tăng trưởng của đất nước, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam liên tục tăng trưởng thời gian qua.

Lập nhiều kỳ tích nhờ công nghiệp văn hóa
Trong CNVH, một số lĩnh vực tiêu biểu như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh… đã có những bước tiến lớn. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá tại cuộc họp tuần qua về các nhiệm vụ phát triển CNVH và hoạt động của các nhà hát thuộc Bộ năm 2025: Năm 2024 được coi là năm "bùng nổ" của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Nghệ thuật biểu diễn phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị; được truyền thông rộng rãi, đóng góp quan trọng vào phát triển CNVH. Thời gian qua, các chương trình âm nhạc với quy mô vừa và lớn ngày càng được đầu tư và tổ chức định kỳ, ví dụ như: Concert Những thành phố mơ màng, Genfest, HAY Glamping Music Festival, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, Monsoon Festival…, các show của các nghệ sĩ nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, Đen Vâu, Vũ... đã mang lại những sản phẩm âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn chất lượng đến công chúng. Trong năm 2023 - 2024, các chương trình như “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” được đánh giá là các chương trình thực tế âm nhạc thay đổi xu hướng giải trí của khán giả Việt.
Bộ VHTTDL đánh giá, các con số khổng lồ về người mua vé trên các nền tảng trực tuyến, doanh thu của các buổi concert, hòa nhạc… đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay hoàn toàn đáp ứng được với yêu cầu tổ chức các sự kiện lớn, tiệm cận với quy trình và chất lượng của thế giới. Đồng thời, các con số thể hiện tiềm năng khổng lồ đối với sức tiêu thụ của thị trường nội địa cho các sản phẩm CNVH do chính người Việt đầu tư và sản xuất. Thị trường biểu diễn của các nhà hát cũng có những tăng trưởng khả quan năm qua, báo hiệu sự khởi sắc trong những năm tới.
Trong lĩnh vực điện ảnh cũng có những bứt phá ấn tượng với những con số tăng trưởng liên tục. Năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt gần 3.700 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD); năm 2024, tổng doanh thu phim chiếu rạp trong nước vượt mốc 4.600 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu phim Việt đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, chiếm hơn 40% doanh thu của toàn thị trường. Phim do Nhà nước đặt hàng và tài trợ toàn phần cũng có sự khởi sắc, đặc biệt trường hợp phim “Đào, Phở và Piano” đã tạo ra hiệu ứng khán giả mạnh mẽ, thu hút khán giả trẻ đối với đề tài lịch sử.
Đối với các lĩnh vực khác như du lịch văn hóa, đã trở thành một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng theo từng năm không chỉ thể hiện sự phát triển của lĩnh vực du lịch, mà còn cho thấy sức hút của văn hóa Việt Nam đối với khách quốc tế.
Xây dựng các chính sách ưu đãi
Theo định hướng của Bộ VHTTDL, trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, CNVH của Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, điện ảnh, quảng cáo. Đáng chú ý trong nghệ thuật biểu diễn sẽ ưu tiên phát triển loại hình âm nhạc trẻ, đương đại và một số loại hình nghệ thuật truyền thống phù hợp.
Thực tế, văn hoá Việt Nam rất đa dạng, việc khai thác các thể loại khác nhau của nghệ thuật biểu diễn có thể trở thành sản phẩm tiềm năng quảng bá văn hoá Việt. Các loại hình mới như chương trình biểu diễn thực cảnh là sự phối hợp của không gian và nghệ thuật để tái hiện lại một nét văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử, sẽ góp phần đưa văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới, phát huy được tối đa giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc, tạo thêm sản phẩm đặc sắc cho du lịch văn hóa của các địa phương.
Để thực hiện được chủ trương này, một trong những điểm đáng chú ý Bộ VHTTDL đưa ra nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là sẽ xây dựng chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia tài trợ cho hoạt động sáng tác, dàn dựng, tổ chức các sự kiện âm nhạc; các cơ chế, chính sách hỗ trợ để tổ chức các chương trình và sự kiện âm nhạc quy mô lớn; chính sách miễn giảm thuế đối với các loại hình múa rối, nghệ thuật dân gian phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ tài năng tham gia sản xuất các tác phẩm, chương trình âm nhạc có chất lượng cao tại Việt Nam và đưa các ban, nhóm nhạc Việt Nam tham dự các sự kiện âm nhạc trong khu vực và quốc tế. Các hoạt động liên kết, đào tạo nghệ thuật với quốc tế cũng sẽ có những ưu tiên.
Đối với điện ảnh, sẽ sớm có các chính sách ưu đãi thuế cho đầu ra của sản phẩm phim; miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia tài trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim truyện, phim hoạt hình; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ (mặt bằng, cơ sở lưu trú,…) cho các đoàn làm phim. Xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù nhằm thu hút các đạo diễn, biên kịch, quay phim… có trình độ cao tham gia vào hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam.
Đáng mong chờ là chủ trương xây dựng trường quay quốc gia chuyên nghiệp, với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phục vụ khâu kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại. Các tỉnh, thành phố nổi tiếng, trong đó có Hà Nội tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng, ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, di sản để phát triển trường quay, hình thành không gian sáng tạo, thu hút các nhà sản xuất phim trong nước, quốc tế đến thực hiện các dự án phim và phát triển du lịch.