Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng

Bài và ảnh: MỘC MIÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Quy định này nhằm chấn chỉnh sự bát nháo, bất cập do nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.

Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng - ảnh 1
Nhiều nghệ sĩ từng bị cảnh cáo vì quảng cáo sai sự thật.

Đây cũng là nội dung thu hút chú ý tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, hiện đang được Bộ VHTTDL đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà quản lý, chuyên gia và dư luận…
Người nổi tiếng vi phạm quảng cáo sản phẩm do luật còn lỗ hổng
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo tràn lan sản phẩm, dịch vụ, trong đó không ít là những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng sự thật đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Theo Bộ VHTTDL, điều này xảy ra là bởi Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật, hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp. 

Trước lỗ hổng đó, dự thảo Luật đề xuất: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc kéo dài, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo GS.TS Từ Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), siết chặt hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trong bối cảnh hiện nay là điều rất cần thiết. “Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng bằng những quy định mang tính pháp lý cao sẽ giúp hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường quảng cáo minh bạch, mang tới sự công bằng cho thị trường”- GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.
Quảng cáo “tô hồng, bôi đen” của nghệ sĩ càng cần phạt nặng
Các chuyên gia cho rằng, chính vì tính ảnh hưởng của các nghệ sĩ tới cộng đồng càng đặt ra vấn đề phải có những chế tài thật nặng để chấm dứt những hành vi sai phạm, vô trách nhiệm với công chúng. Quảng cáo tô hồng, bôi đen của nghệ sĩ càng cần phạt nặng. GS.TS Từ Thị Loan đề nghị: “Nên có các chế tài đủ sức răn đe, nếu vi phạm pháp luật thì xử phạt theo các quy định của pháp luật. Ngoài ra, có thể học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc, không đến mức “phong sát”, nhưng có thể có quy định cấm phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nghệ sĩ có vi phạm tuỳ theo mức độ: 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm, thậm chí vĩnh viễn…”.

Bà Vũ Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Quảng cáo và Tuyên truyền (Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL) chia sẻ, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, “tô hồng, bôi đen” những sản phẩm, dịch vụ mà thậm chí họ chưa từng trải nghiệm dẫn đến hệ quả vô số người hâm mộ, công chúng vì tin tưởng nghe theo mà gánh hậu họa. Nắm bắt thực tế này, nội dung được đề xuất đưa vào dự Luật Quảng cáo nhằm quy định trách nhiệm và hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng, từ đó để tháo gỡ bất cập, chấn chỉnh hành vi tuỳ tiện của nhiều nghệ sĩ, KOLs. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, đã đến lúc cần chấn chỉnh để trả lại môi trường trong lành cho hoạt động quảng cáo. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể xem là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức ở lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên, việc người nổi tiếng phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp. Vì vậy, cần có sự cân nhắc và thảo luận kỹ giữa cơ quan quản lý, những người quảng cáo là KOLs, nghệ sĩ và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý, đáng tin cậy nhằm bảo đảm tính công bằng, hiệu quả trong quảng cáo, nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của người quảng cáo, người tiêu dùng.

Nhấn mạnh tiêu chí xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung là đảm bảo ngăn chặn các quảng cáo sai sự thật, bảo vệ người tiêu dùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn, thành viên Ban soạn thảo bày tỏ, bên cạnh việc “lấp những lỗ hổng của Luật Quảng cáo hiện hành” của cơ quan chức năng còn cần tới dư luận xã hội để đấu tranh, loại bỏ những hành vi quảng cáo sai trái.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.