Siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: "Viết" lịch sử thế giới ở tuổi 19
PNTĐ-Ít ai biết được rằng, cô gái xứ Tây Đô 19 tuổi này đang viết lên những chương mới cho lịch sử thể thao nước nhà bằng những câu chuyện bên lề thú vị.
1. Từ con rạch Ba Cau bơi ra thế giới
Con đường tới với thể thao chuyên nghiệp của Ánh Viên không hề giống với bất kỳ 1 sản phẩm thể thao hoàn chỉnh. Năm 3 tuổi, quê cô bé ở ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ ngập nặng và lo cháu mình đuối nước vì ba má bận công việc, ông nội là Nguyễn Văn Tới mang cháu mình ra tập ở con rạch trước nhà.
2. Một "Michael Phelps" Việt Nam
Nếu tính đến SEA Games 2015, thì Ánh Viên chỉ mất đúng 4 năm để vươn tới đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á, tiệm cận với trình độ châu Á cùng suất vững chắc để có mặt tại giải vô địch thế giới, Olympic. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho thành công này, nhưng vượt trên tất cả là các tố chất tuyệt vời đã biến Ánh Viên trở thành "báu vật của bơi lội Việt Nam" và cũng chính những tố chất này đã khiến những nhà tuyển trạch, chuyên môn sớm đưa cô đi theo con đường chuyên nghiệp, thậm chí là khoác áo đội tuyển quốc gia, bất chấp chưa có huy chương cấp quốc gia nào.
![]() |
Siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tại SEA Games 2015 |
Theo đó, bên cạnh chiều cao lý tưởng 1m72, cùng độ nổi và bám nước, ở Ánh Viên nổi bật lên còn là sải tay cực dài, lên tới 1m98, thuộc diện hiếm ngay cả với làng bơi quốc tế. Một so sánh khá thú vị là sải tay của Ánh Viên chỉ kém sải tay của huyền thoại làng bơi lội thế giới Michael Phelps 4cm!
3. Cô gái "tiền tỷ"
Tài năng thiên bẩm, nhưng để tài năng đó vươn tới tầm quốc tế thì cũng là một câu chuyện khác biệt của Ánh Viên, VĐV Việt Nam duy nhất hiện tại được tập trung đầu tư theo dạng "gà nòi" với số kinh phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, sau thành công tại SEA Games 2011, ngành TDTT phối hợp cùng với đơn vị chủ quản là quân đội quyết định đầu tư cho Ánh Viên đi tập huấn dài hạn ở Mỹ. Dù không công bố chính thức, nhưng được biết số tiền chi mỗi năm không dưới 3 tỷ đồng, con số mà theo chính dân trong nghề còn cao hơn cả kinh phí 1 năm chi cho 1 bộ môn thể thao đỉnh cao.
Tất nhiên, "đắt xắt ra miếng", sau gần 2 năm khoác áo CLB bơi Saint Augustine (bang Florida), rồi chuyển sang khoác áo CLB nổi tiếng Ebiscobal và được dẫn dắt bởi chuyên gia Cray Anthony Teeters – một trong những HLV giỏi nhất của Mỹ, Ánh Viên có sự tiến bộ vượt bậc để trở thành 1 trong những gương mặt trẻ sáng giá của làng bơi Mỹ vốn đứng hàng đầu thế giới. Và dĩ nhiên, "nổi" ở Mỹ thì đương nhiên sân chơi khu vực, quốc gia không còn là thách thức với Ánh Viên.
4. "Dị nhân" giữa đời thường
"Kình ngư", "Siêu kình ngư"; "Cô gái Vàng", "Cô gái thép"... có lẽ chẳng thể đếm nổi những biệt danh mà giới truyền thông trong nước và quốc tế đang dành cho Ánh Viên và những kỳ tích của cô. Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang ấy lại là những hy sinh mất mát của một cô gái trẻ chỉ biết bơi, và bơi từ năm 10 tuổi đến giờ.
Những chuyến đi tập huấn dài ngày tại Mỹ không chỉ khiến chuyện học hành của cô Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Ánh Viên dang dở mà ngay nhiều thú vui khác giống lứa tuổi đồng niên như: dùng mạng xã hội, điện thoại cá nhân đều bị cấm tiệt! Năm 2013, được trao giải thưởng Ấn tượng Vàng SEA Games của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) với phần thưởng là 1 chiếc xe Vespa, Viên cũng tặng cho ba mình vì vừa bận đi tập huấn, lại vừa... không biết đi.
Hoàng Hà