“Sống như những đóa hoa – sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc

Chia sẻ

Như một cơ duyên, khi theo chân các anh chị trong Chi bộ tham dự buổi sinh hoạt ngoại khóa chính trị, trong một buổi tối giá lạnh đầu năm mới, tôi đã may mắn được sử dụng 60 phút của mình để trải nghiệm chương trình “Đêm Thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” của Nhà tù Hỏa Lò.

Tôi nhận ra, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đang mang trong mình nhiều hơn cả những câu chuyện lịch sử khô khan. Chỉ 60 phút thôi, nhưng tôi cảm giác mình đã được trải qua một chuyến hành trình dài xuyên suốt chiều sâu lịch sử, bản thân được tự mình lắng nghe, tự mình cảm nhận, để rồi tự mình kết tinh lại những bài học quý báu, nhận ra được nhiều điều ý nghĩa, nhiều hạnh phúc giản đơn trước nay đã không biết trân trọng, để rồi dành cho chính mình cơ hội trân quý hơn những ngày mình còn đang được sống, được hưởng thụ độc lập tự do!

Cảm xúc nghẹn ngào trào dâng ngay từ những phút đầu tiên khi đoàn được xem hoạt cảnh về cuộc sống khổ cực của những nữ chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.Cảm xúc nghẹn ngào trào dâng ngay từ những phút đầu tiên khi đoàn được xem hoạt cảnh về cuộc sống khổ cực của những nữ chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.

Thú thực, trước khi đến với di tích Nhà tù Hỏa Lò, những bộ phim, câu chuyện, những áng văn thơ đã từng xem, đã từng đọc về đề tài chiến tranh Việt Nam vẫn luôn khơi dậy trong tôi nhiều nghĩ suy, xúc cảm về cuộc chiến cam go giành độc lập, tự do của dân tộc, về những người chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường. Đã là người dân Việt Nam, có ai lại không thấy xúc động, cảm phục trước cuộc đời và sự hi sinh của những người chiến sĩ cách mạng sống vì lý tưởng, dù trải qua bao mưa bom, bão đạn, tù đầy gian khổ vẫn mãi giữ sự kiên trinh, bất khuất và tấm lòng trọn vẹn với Tổ quốc ấy? Thế nhưng, xúc cảm qua những hoạt động trải nghiệm trong Đêm Thiêng liêng 2 thực sự mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là sự tác động hòa quyện của hiệu ứng âm thanh và ánh sáng, của hành trình hơn 60 phút trong ngục tù, đó là những xúc cảm mạnh mẽ từ diễn xuất của các diễn viên, từ giọng kể truyền cảm của thuyết minh viên, và cả sự nhiệt tình, nồng hậu của những cán bộ đón tiếp. Sự lắng đọng cảm xúc hòa quyện với ngôn ngữ của ánh sáng, âm thanh, mùi vị, tác động mạnh mẽ đến cả năm giác quan, giúp tôi cảm nhận được linh và thiêng đến tận cùng những ngõ ngách của tâm hồn…

Để rồi từ tối tham gia chuyến hành trình thời gian ấy cho tới nhiều ngày sau, trong tôi vẫn còn nguyên những xúc cảm vẹn tròn. Tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi bắt đầu đặt chân đến trước cánh cổng Nhà tù, với dòng chữ Maison Centrale, cùng lời giới thiệu của bạn thuyết minh viên nghĩa là Đề lao Trung ương hay Ngục thất Hà Nội. Đã từng nghe đến Nhà tù Hỏa Lò với những tên gọi như “Nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương”, “ trường học đặc biệt”, “địa ngục trần gian”, hay một “Hilton giữa lòng Hà Nội”, tôi không khỏi trào dâng một cảm giác hồi hộp, không biết điều gì sẽ chờ đợi mình phía bên kia cánh cổng sắt nặng nề, trang nghiêm. Tôi nhớ như in cảm giác khi cùng cả đoàn tham quan bước chân vào từng gian phòng, bắt đầu làm quen với khung cảnh mập mờ trong ánh nến leo lét, cảm giác tĩnh mịch như có thể nghe rõ tiếng trái tim đập trong lồng ngực, cảm giác rợn người khi bước chân vào những phòng giam âm u, lạnh lẽo, đôi lúc lại giật bắn mình với tiếng mở cửa ken két, tiếng va chạm xủng xoảng của các loại gông cùm. Rồi cảm giác xót xa khi được nghe và chứng kiến cuộc sống của những tù nhân tại phòng giam chật hẹp, ngột ngạt, thiếu không khí, một chiếc lập là đựng đồ ăn chỉ có cơm, cháy, muối, rau, thịt trâu già, thịt lợn sề, với những chiếc cùm làm bằng gỗ lim cứng như bê tông ở dưới và sắt nặng nề, lạnh lẽo phía trên, siết chặt cổ chân người tù không lúc nào ngơi nghỉ. Cảm giác đau đớn khi được nghe tận tai, thấy tận mắt qua loạt hoạt cảnh hình ảnh những người nữ chiến sĩ anh hùng như bà Hoàng Thị Ái, bà Nhiêu Sáu, bà Nguyễn Thị Quang Thái…. Dù gánh trên mình thiên chức cao quý làm vợ, làm mẹ như bao người phụ nữ khác, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, họ đã phải dứt ruột rời bỏ những người thân yêu, xa chồng, xa con, để gắng sức hoàn thành nhiệm vụ, cắn răng không khai một lời khi bị bắt giam, bị tra tấn tàn bạo, rồi cuối cùng lại phải âm thầm gánh chịu nỗi đau thương tận cùng, khi lần lượt mất đi những người thương yêu nhất… Mải miết suy nghĩ về cuộc đời, nỗi đau của những người phụ nữ ấy, đến khi tận mắt được thấy chiếc máy chém thời trung cổ đặt sừng sững giữa căn phòng, cảm giác rùng rợn mang lại từ lưỡi dao trên cao đã hoen gỉ và sự lạnh lẽo toát ra từ cỗ máy càng làm tôi thấy khâm phục hơn sự chiến đấu và hi sinh của họ. Không gian chật hẹp, ngột ngạt sau cánh cửa phòng giam, sự đe dọa, chết chóc của cỗ máy giết người dường như không làm nhụt được ý chí, tinh thần của những “bông hồng thép” ấy. Họ luôn “sống như những đóa hoa”, vượt lên khắc nghiệt của tù đày để kiên cường vươn lên trong bão táp, tiếp tục sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp.

Giây phút mặc niệm thiêng liêng, cả đoàn thành kính thắp nén hương thơm tưởng niệm những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.Giây phút mặc niệm thiêng liêng, cả đoàn thành kính thắp nén hương thơm tưởng niệm những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đoàn thăm quan chăm chú nghe thuyết minh viên giới thiệu tổng thể về khu di tích.Đoàn thăm quan chăm chú nghe thuyết minh viên giới thiệu tổng thể về khu di tích.

Ngoài không gian bên trong các phòng giam, di tích còn có nhiều khu vực trải nghiệm ngoài trời. Trong đó để lại ấn tượng nhất với tôi là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Băng Tâm, đã vận chuyển đồ tiếp tế và lưỡi cưa, axit, bản đồ vào cho tù chính trị trong khu xà lim tử hình chỉ bằng một chiếc làn đơn sơ, nhỏ bé. Không hề sợ hãi, nao núng trước tiếng quát sang sảng và màn khám xét kĩ càng của tên quản ngục, bà đã thành công đưa các công cụ cần thiết vào, để những người tù cưa gãy song sắt cống ngầm tìm đường vượt ngục. Một lần nữa tôi càng cảm thấy khâm phục ý chí và tinh thần của những con người trong lao tù ấy hơn, khi được trực tiếp tham gia trải nghiệm việc chui trong đường cống ngầm. Tôi cảm nhận rõ một chút lo lắng, sợ hãi, bức bối của bản thân khi phải chui qua một đường hầm vừa thấp, vừa hẹp, lại tối tăm không hề có một tia sáng, cả đoàn người chỉ có thể khom người bám chặt lưng nhau, dò dẫm từng bước, từng bước một. Nhưng tôi hiểu rằng, nỗi sợ hãi nhỏ bé hay cảm giác khó chịu của mình lúc này chẳng đáng bằng một phần nghìn, một phần vạn lần những người tù năm ấy, bởi với một đường cống ngầm chỉ toàn nước và rác thải, quãng đường họ phải vượt qua dài hẹp hơn, tối tăm hơn, lạnh lẽo hơn và bẩn thỉu hơn chúng tôi rất rất nhiều lần, và nỗi hiểm nguy có thể đợi họ ở phía bên kia thật khó có thể xác định. Nhưng họ đã bất chấp tất cả những rủi ro và khó khăn đó, với hi vọng tìm được ánh sáng, tìm được sự sống, tìm được hi vọng, tự do, để có thể tiếp tục hành trình chiến đấu vì quốc gia, dân tộc.

Kết thúc trải nghiệm ở khu vực ngoài trời, chúng tôi tập trung lại để dành phút mặc niệm, được thành tâm thắp nén hương thơm gửi tới những người chiến sĩ, người mẹ, người bà đã hi sinh đời mình để đối lấy cho chúng tôi một đất nước yên bình, độc lập. Đã có thêm nhiều ước nguyện, những giọt nước mắt và những cung bậc cảm xúc vương lại tại đây. Trong những giây phút thể hiện sự tri ân giữa cái buốt lạnh của mùa đông Hà Nội, tôi chợt nhận ra, những luồng gió rét ấy lại mang đến cho mình cơ hội trải nghiệm tuyệt vời, để tôi được thấu hiểu sâu sắc hơn những gian khổ mà các chiến sỹ cách mạng Việt Nam đã trải qua trong lao tù, bởi dù trời lạnh thế nào, chúng ta cũng có áo ấm, nhưng dù trời rét buốt ra sao, những người chiến sỹ ấy vẫn phải mặc tấm áo mỏng manh nằm trên giường gỗ lim, nằm dưới sàn xi măng buốt giá.

Đã có thêm nhiều ước nguyện, những giọt nước mắt và những cung bậc cảm xúcĐã có thêm nhiều ước nguyện, những giọt nước mắt và những cung bậc cảm xúc vương lại trong những giây phút mặc niệm thiêng liêng.

Tận những giây phút cuối cùng trước khi rời khu di tích, chúng tôi vẫn chưa hết bất ngờ với sự tỉ mỉ, chu đáo của Ban Tổ chức chương trình. Chúng tôi được nếm thử những sản phẩm ẩm thực chế biến từ lá bàng - đặc biệt hơn là từ chính cây bàng trăm năm tuổi nằm lặng lẽ trong sân di tích chúng tôi đã được nghe giới thiệu. Lá bàng Hỏa Lò không chỉ là người bạn tri kỷ, chăm sóc, chữa trị thương tích, cứu sống biết bao người tù trong hoàn cảnh bị tra tấn tàn bạo, mà còn được chế biến thành những thức quà đủ cả sắc, vị, hương, và chắc chắn sẽ trở thành những thứ “không thể không thử” khi đến tham quan, trải nghiệm tại khu di tích. Nhẹ nhàng nhấm nháp từng miếng nhỏ bánh bàng, thạch bàng, nhấp cùng chút trà bàng nóng hổi, cảm nhận hương vị là lạ, tinh tế nhưng mộc mạc, thân quen hòa quyện nơi đầu lưỡi, ngẫm lại câu chuyện vừa được trải nghiệm về những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những nữ anh hùng kiên cường như hoa trên đá, lòng tôi không khỏi dâng trào cảm giác trân trọng, biết ơn với những chiếc lá bàng nhỏ bé, bình dị, mà thân thuộc. Đây thực sự là những thức quà không mua được bằng tiền mà lại quá đặc sắc, khiến người ta nhớ mãi không thôi, cũng là dấu ấn khó phai cuối cùng với tất cả chúng tôi khi kết thúc chuyến hành trình.

Trải nghiệm Đêm thiêng liêng 2, với tôi không chỉ là một chuyến tham quan, mà còn là một chuyến du hành thời gian về quá khứ, đắm chìm trong khoảng sâu của kí ức, của đau thương, của những kiên gan anh dũng và niềm tự hào dân tộc, là chuyến du hành từ trong không gian sâu lắng được nhìn thấy quá khứ, nhìn thấy đau thương, rồi trở về thực tại với sự trân trọng, lòng biết ơn và khát vọng được cống hiến, sống có ích hơn cho đời.  Chương trình không chỉ có ý nghĩa lan tỏa đi câu chuyện về bản lĩnh, nghị lực của các thế hệ cha ông, để thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay thêm trân trọng những giá trị lịch sử, mà còn là lời tri ân sự hi sinh to lớn của bao thế hệ cha ông đi trước, thấm đẫm hơn câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, để chúng tôi biết trân trọng hơn những người Mẹ kính yêu! Chương trình cũng là một hình thức tham quan di tích mới, một cách dạy lịch sử mới, một buổi sinh hoạt ngoại khóa của Đảng dưới hình thức mới, mở ra những cơ hội phát triển mới cho du lịch Hà Nội trong thời điểm dịch COVID-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực du lịch như hiện nay.

Dấu ấn khó phải cuối hành trình trải nghiệm - cả đoàn được thưởng thứcDấu ấn khó phải cuối hành trình trải nghiệm - cả đoàn được thưởng thức những sản phẩm ẩm thực bình dị mà đặc biệt chế biến từ lá bàng.

Tạm biệt “Đêm thiêng liêng” - Hỏa Lò, tôi tự nhủ chắc chắn mình sẽ còn quay lại đây nhiều lần nữa, để được sống lại với những trang sử hào hùng của dân tộc, để được thắp lửa niềm tin… Trong suy nghĩ của tôi lại hiện lên hình ảnh của những người chiến sỹ cách mạng, cùng văng vẳng lời thơ trong bài “Trăng trối” của nhà thơ Tố Hữu:

“Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề cận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa

Tiếc làm chi? Thế cũng đã sống rồi.

Trường giông tố mấy năm trời vật lộn

Với cách mạng, tôi không hề đùa bỡn

Và không hề dám chối một nguy nan…

Dẫu bao nhiêu thành quả của thanh xuân

Tôi mới hái một đôi lần ít ỏi

Và bên bạn, chỉ là tên lính mới

Gót chân tơ chưa dày dạn phong trần

Tôi vẫn hằng tự nghĩ: “Miễn quên thân

Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa…”

Tháng 1/2020

NGUYỄN THANH THẢO 

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

(PNTĐ) - Tiếp nối hành công của những mùa giải trước, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng với Liên đoàn Vật Việt Nam, UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục tổ chức Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng lần thứ III năm 2024. Thời gian tổ chức giải từ ngày 2 - 6/5/2024.
Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.