Thanh lịch Tràng An - Văn minh Hà Nội

TIẾN SĨ NGUYỄN VIẾT CHỨC
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khi nói về người Hà Nội, phẩm chất đầu tiên người ta nghĩ đến đó là thanh lịch. Vậy nói thanh lịch Tràng An, văn minh Hà Nội là có ý gì? Thực ra cũng là cách nói cho có vần điệu, đăng đối - vốn người Hà thành yêu thích, đồng thời cũng có ý nhấn mạnh, thanh lịch Tràng An xưa, còn Hà Nội ngày nay có lẽ thiên về văn minh hơn. Nói vậy, nhưng bàn về điều này chắc cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Xin được bắt đầu từ thanh lịch. Thanh lịch có nhiều tài liệu chú giải là thanh cao và lịch thiệp. Có những tài liệu còn giải nghĩa rộng hơn, kỹ hơn rằng, thanh là thanh cao trong tư tưởng, tình cảm, cao thượng trong tâm hồn, thanh liêm, thanh đạm, thanh bạch trong lối sống. Còn lịch là lịch lãm, lịch duyệt, lịch thiệp để chỉ những người đi nhiều, hiểu biết rộng, có hành vi và cách ứng xử văn minh, lịch sự, chuẩn mực. Cũng có nhiều tài liệu luận giải thiên về cách ứng xử trong ăn mặc, giao tiếp, lời nói, hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện sự thanh lịch. Có tài liệu còn hướng dẫn người ta đứng thế nào, ngồi ra sao cho đúng dáng điệu của người thanh lịch, cốt cách của người Tràng An. Vậy là có rất nhiều cách hiểu thanh lịch là gì và bởi thế hiểu cho hết nghĩa của thanh lịch có lẽ không phải dễ.

Thanh lịch Tràng An - Văn minh Hà Nội - ảnh 1

Ngay xuất xứ của câu lục bát quen thuộc “Chẳng thơm cùng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” đến giờ cũng chưa ai khẳng định được. Vấn đề có tính thực tiễn là ngày nay người Hà Nội có cần thanh lịch và có thể thanh lịch được không? Và thanh lịch như thế nào trong điều kiện hội nhập và mở cửa ngày càng sâu rộng của Việt Nam? Nhịp sống nói chung gấp gáp, sôi động hơn nhiều. Mỗi người đều có nhiều người quen hơn, giao tiếp diện rộng hơn, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau hơn và đặc biệt trong thời gian “eo hẹp” hơn. Khác biệt ấy đòi hỏi người ta phải thích ứng và không có thời gian để chỉnh sửa tư thế, dáng đứng, cách ngồi sao cho thể hiện sự thanh lịch. Thậm chí đi đứng, ăn mặc, chào hỏi… đều vội vàng đến mức khó nhận ra cái thanh lịch đang tồn tại trong đó.

Vậy chẳng lẽ người Hà Nội hiện đại không cần và không thể thanh lịch sao?! Tôi cho rằng, Hà Nội ngày nay vẫn rất cần và vẫn có thể thanh lịch, bởi thanh lịch không chỉ là cái bên ngoài, không chỉ là lời ăn, tiếng nói, nó là cốt cách của người kinh đô xưa và Thủ đô ngày nay. Cái cốt cách ấy vừa dễ nhận biết, lại vừa khó diễn tả, nếu không muốn nói là không viết ra được. Không viết ra được, bởi về cơ bản, người Hà Nội cũng không khác là mấy so với người các thành phố khác. Nếu tinh tế một chút sẽ thấy gần gũi, cởi mở mà không suồng sã; hiếu khách mà không vồ vập; săn đón, tận tình, song vẫn giữ khoảng cách vừa đủ để khách cảm thấy tự nhiên, thoải mái. Thêm vào đó là tiếng nói nhẹ nhàng, dễ nghe, có âm điệu đặc trưng hấp dẫn. Phải chăng tất cả những khác biệt “nho nhỏ” ấy hợp lại mà thành cái thanh lịch đầy sức lôi cuốn của người Hà Nội.

Không ngẫu nhiên mà khách thập phương đều có chung nhận xét rất tích cực về người Hà Nội. Rõ ràng, dù trong hoàn cảnh nào, xưa hoặc nay, thanh nhàn hay bận rộn, cái thanh lịch của người Hà thành vẫn thích ứng để thể hiện cái riêng rất Hà Nội mà khách xa gần ai cũng hâm mộ và trân trọng. Và điều đó cũng khẳng định thanh lịch cần và có trong điều kiện ngày nay. Cho dù biểu hiện có khác, nhưng bản chất vẫn là thanh cao và lịch thiệp từ tâm hồn tư tưởng đến hành vi ứng xử, lời ăn, tiếng nói và cách giao tiếp.

Người Hà Nội từ ngàn xưa vốn rất nhạy cảm và thích ứng với hoàn cảnh. Và người thanh lịch, đi nhiều, hiểu rộng, thanh cao, tao nhã, lịch thiệp cũng chính là người giỏi thích ứng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Có lẽ để đầy đủ hơn, thích hợp hơn tính cách người Hà Nội hiện đại, người ta bổ sung thêm yếu tố văn minh mà thành thanh lịch, văn minh Hà Nội. Vậy văn minh người Hà Nội cần được hiểu thế nào? Văn minh tiếng Pháp “civilisation” hay tiếng Anh “civilization” đều hàm chứa yếu tố đô thị, thành phố mà ở đó là những thị dân. Hà Nội ngày nay đô thị hóa mạnh mẽ cả về giao thông, nhà cửa, cảnh quan và lối sống. Khu phố cổ không còn cảnh vừa sản xuất, vừa bán buôn như xưa, khi những người của làng nghề ở các địa phương hội tụ theo nghề, mà hình thành các phố nghề.

Hơn nữa, nội thành Hà Nội ngày nay lớn hơn nhiều so với 36 phố phường xưa, cư dân sống trong nội thành thực sự là thị dân khác xa với cảnh sống nông thôn. Xã hội Việt Nam cũng đã đạt tới trình độ văn minh của xã hội hiện đại. Có lẽ yếu tố này là yêu cầu thực tế khách quan cho việc bổ sung phẩm chất văn minh cho người Hà Nội hiện đại. Bổ sung thêm chứ không thể thay thế người Hà Nội thanh lịch. Về phương diện lý luận cũng dễ dàng nhận thấy sự bổ sung là hợp lý, bởi không có gì nhất thành bất biến cả. Ngày nay nói người Hà Nội thanh lịch, văn minh là phù hợp với nhận thức và yêu cầu của sự phát triển. Nói thanh lịch Tràng An, văn minh Hà Nội không phải là tách thanh lịch và văn minh, mà có ý nhấn mạnh cái truyền thống và cái hiện đại.

Nhân dịp cuối năm âm lịch, ngày Tết cổ truyền sắp tới, những nét đẹp xưa của người Hà Nội chắc chắn còn lưu giữ trong mọi nhà. Tuy nhiên, cũng có những thay đổi khác, nhất là trong giới trẻ. Quan niệm chơi Tết đang dần lấn át ăn Tết. Có những gia đình trẻ đã thực hiện nhiều hành vi đáng ghi nhận như thắp hương tổ tiên trước Tết, thăm hỏi, chúc Tết ông bà, cha mẹ để Tết đi du ngoạn ở nơi khác. Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất là trong lòng mình, trong tình cảm, lối sống của mình nuôi dưỡng sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Những gia đình trẻ năm nay không ăn Tết ở nhà, biết đâu nhiều năm sau vẫn chọn ăn Tết tại nhà.

Cuộc sống tự điều chỉnh như nó vốn có. Và trong cuộc sống, cái truyền thống và cái hiện đại luôn có mối liên hệ mật thiết. Cái truyền thống là nền tảng của cái hiện đại, cái hiện đại là cái kế thừa, phát triển của cái truyền thống. Không có gì tự dưng sinh ra và không có cái gì tự nhiên mất đi. Cuộc sống sẽ điều chỉnh theo yêu cầu của chính nó. Con người thích ứng phải tuân theo quy luật ấy. Người Hà Nội hôm nay dù đã định cư nhiều đời hay mới nhập cư vào Hà Nội luôn nhắc nhớ mình là người Hà Nội để điều chỉnh mọi hành vi, từ ăn mặc, lời nói đến giao tiếp ứng xử sao cho xứng danh người Thủ đô ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh mà vẫn giữ được nét đẹp của “chốn kinh sư muôn đời” như nhận định của Lý Thái Tổ trong chiếu dời đô cách đây hơn ngàn năm.

Tin cùng chuyên mục

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".
Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.