“Thắp lửa” văn hoá đọc thời 4.0: Nỗi lo và hy vọng

Lương Khánh Thư - Thảo Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm của tri thức, Hà Nội quy tụ nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển văn hoá đọc. Hàng năm, hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” vào dịp 21/4 - ngày này đã trở thành ngày hội đọc sách của toàn thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội còn tổ chức ngày hội sách vào tháng 10 hàng năm đến nay đã sang mùa thứ 8. Những nỗ lực của Thành phố trong việc “thắp lửa”, chấn hưng văn hoá đọc đã và đang góp phần không nhỏ hình thành thói quen đọc sách cho cộng đồng, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

“Thắp lửa” văn hoá đọc thời 4.0: Nỗi lo và hy vọng - ảnh 1
Một buổi “đọc” sách tại phòng đọc công nghệ thông tin của Thư viện Quốc gia. Ảnh: LKT 

Cuộc chiến khó cân sức 
Nhiều năm trở lại đây, cứ vào dịp nghỉ hè chúng ta lại được chứng kiến cảnh nhiều gia đình, bố mẹ, con cái dắt díu nhau tấp nập vào nhà sách. Nhất là những ngày cuối tuần, nhà sách tại các trung tâm thương mại đông nghịt, số lượng đăng ký thẻ đọc ở các thư viện cũng tăng vọt. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng - quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia, cho biết lượng thẻ đọc năm nay tăng lên đến hơn 40%. Những con số này dễ cho ta cảm giác an lòng, tin tưởng vào nỗ lực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc của các cấp, ngành, địa phương, nhà trường, thậm chí các hội nhóm trên mạng… Để rồi dần dần, ý thức về việc cần bồi dưỡng tri thức, rèn luyện nhân cách cho trẻ nhỏ, giúp các em trưởng thành, giàu lòng nhân ái, nhân văn hơn đã đi sâu vào đời sống, thấm đến số đông phụ huynh. 

Thế nhưng, dừng lại và quan sát kỹ hơn lại thấy chính trong khung cảnh sôi động ấy là những nỗi buồn len lỏi. Khách hàng của các nhà sách hiện nay chủ yếu là trẻ nhỏ và người trẻ, họ đến cơ bản là để săn tìm truyện tranh và những cuốn sách mang tính thị trường, thị hiếu… Sách về văn học hay bồi dưỡng tri thức vẫn nằm im lìm trên giá và dần bị đẩy về phía sau của các kệ sách trưng bày. Dạo qua Thư viện Quốc gia vào một buổi sáng Hà Nội nóng 35 độ C, tuy không bật điều hoà, nhưng nhiều phòng đọc của Thư viện đã đông kín bạn đọc, đặc biệt là các phòng đọc công nghệ thông tin. Nhìn qua tưởng là mừng cho tới khi thấy phần lớn độc giả mỗi người ôm một máy tính làm việc riêng, học tập, ôn thi hoặc thậm chí… xem youtube. Rất ít người tra cứu hay đọc sách đúng nghĩa… Ở các phòng đọc truyền thống thì thưa vắng hơn hẳn.  

Gắn bó hàng ngày với Thư viện Quốc gia, ông Nguyễn Xuân Dũng cũng thẳng thắn nói về một thực trạng: Vào mùa hè, thư viện thường biến thành… “nhà trông trẻ”. Ông Dũng kể, cứ mỗi sáng các phụ huynh đưa con em mình đến cổng thư viện, thả cho chúng chạy vào tha hồ chơi vì ở đây rất an toàn, bên ngoài có bảo vệ, bên trong có cán bộ trông coi. Tại phòng đọc dành cho trẻ nhỏ, ngoài sách còn có nhiều thứ chơi, nên phụ huynh rất an tâm. Dù mục đích đọc sách ít hơn mục đích “gửi trẻ”, nhưng ông Dũng cho rằng, miễn là thu hút được các em đến với thư viện, sống trong môi trường sách đã là quý rồi. 

Bởi vậy mới nói, những gì chúng ta thấy đang là bề nổi của “tảng băng chìm” nhiều lo ngại. Anh Tiến Đạt, Phó Giám đốc một công ty kỹ thuật số kể: Vào dịp hè, anh đã tìm mọi cách thúc đẩy con đọc sách, bản thân anh cũng cùng đọc, treo thưởng để kích thích con đọc, nhưng bọn trẻ vẫn rất lười đọc mà mê xem mọi thứ trên mạng hơn.

“Khi tôi tỏ ý cáu giận về việc chúng lười đọc sách, bọn trẻ nói rằng thời nay chúng không cần phải cầm cuốn sách lên đọc như bố mẹ nữa. Bởi trên mạng cái gì cũng sẵn, thậm chí còn có tóm tắt sách bằng video, xem nhanh hiểu hơn. Và, chúng nói, bây giờ cần hiểu thông tin gì hỏi Chat GPT, chỉ 1 phút là biết cả thế giới. Tôi thấy đây là vấn đề lo ngại mang tính thời cuộc” - anh Đạt giãi bày.  

Từ góc độ người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, nhà văn Dili nhìn nhận, văn hóa đọc không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới ngày càng thoái trào, đặc biệt là dòng sách văn học. Đó là điều tất nhiên của thời đại công nghệ thông tin, AI phát triển. Con người có quá nhiều thú vui giải trí để thay thế loại hình văn hóa đọc. Bản thân nữ nhà văn, với vai trò một người mẹ cũng cảm thấy thực sự buồn, vì ngay chính con gái mình cũng bắt đầu lười đọc do tác động của thời đại công nghệ. 

Không bi quan, nhưng còn đó những lo ngại
Nhìn nhận thẳng thắn về văn hoá đọc trong thời kỳ công nghệ, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng: “Dù văn hóa đọc vẫn phát triển, nhưng điều đáng lo ngại là tỷ lệ giới trẻ đọc mạng nhiều hơn đọc sách. Bởi, trên mạng chứa đựng tất cả thông tin “thượng vàng hạ cám”; nhiều thông tin mang tính độc hại, trong khi người trẻ tuổi chưa biết lựa chọn nội dung đọc nên sẽ rất dễ bị ảnh hưởng tới học tập, cuộc sống”. “Trên thực tế đã có những hiện tượng không tốt từ văn hóa đọc mạng ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý, suy nghĩ, tư duy của thế hệ trẻ”.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - người nhiều năm tâm huyết với văn hoá đọc, đã xây dựng trung tâm phát triển văn hoá đọc cũng nhấn mạnh: “Đọc mạng là nỗi lo của văn hoá đọc thời nay, nó có thể dẫn đến lệch lạc trong tư duy”. Tìm hiểu văn hoá đọc mạng của giới trẻ, chị đã vào rất nhiều hội nhóm viết văn, đọc sách, thấy rằng bạn đọc tham gia rất đông, điều này tưởng là mừng, nhưng lại là nỗi lo. Lý do vì ở trên đó là những tác phẩm viết cẩu thả, bình dân, câu chuyện câu khách, rẻ tiền… 

Vậy nhưng, những tác phẩm như vậy lại được độc giả quan tâm, bình luận đông đảo, trong khi những tác phẩm văn chương thực thụ thì thậm chí không thể “qua cửa” duyệt để được đăng. Nhà văn nhận định, với thực tế này, không thể nhìn vào số lượng lượt đọc, lượt bình luận để nói rằng văn hóa đọc đang phát triển được. Và đây chính là thách thức, là “cuộc chiến” của phát triển văn hoá đọc trong thời đại công nghệ thông tin. 

Đánh giá đa chiều giữa những thách thức, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Bối cảnh văn hóa đọc hôm nay không quá bi quan nhưng còn nhiều điều đáng lo ngại. “Thói quen đọc của con người không thay đổi, nhưng cách đọc thì có khác, khác là chúng ta dường như thỏa mãn với thông tin bề nổi, đến nhanh, trôi nhanh, không tập trung thông tin sâu sắc, giúp ích cho phát triển nhân cách đạo đức, tri thức của bản thân và phát triển xã hội. Nếu người đọc không có bản lĩnh, suy nghĩ nghiêm túc còn có thể bị dòng tin trên Facebook, Tiktok, Youtube định hướng, thao túng tâm lý”.

Đồng ý với PGS.TS Bùi Hoài Sơn rằng văn hoá đọc hiện nay rất khác ngày xưa do phương tiện truyền thông phát triển, Tiến sĩ Văn học Diêu Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) nhận định: Thời đại ngày nay là thời đại của tốc độ, mạng xã hội và các phương tiện nghe nhìn. Vì vậy, việc đọc nếu hiểu theo nghĩa hẹp, có nghĩa chỉ đơn thuần là đọc sách giấy, thì đương nhiên chuyện văn hoá đọc nhìn có vẻ bi quan. 

Nhưng, nếu hiểu rộng, đọc không chỉ là đọc sách giấy, mà còn là đọc trên các thiết bị điện tử, trên mạng… thì có thể nói, văn hóa đọc vẫn có điểm khả quan. “Tôi thấy nhận thức của cộng đồng về việc đọc sách đang ngày càng lên cao”- Tiến sĩ Phương nhận xét. Để rồi, khi nhận diện được đúng về thực trạng văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay, đứng trước nỗi lo mang tính thời đại về văn hoá đọc, cùng với khát vọng phát triển văn hoá đọc góp phần xây dựng xã hội học tập, không chỉ Tiến sĩ Phương, mà người Hà Nội nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung vẫn đang đau đáu đi tìm giải pháp hiệu quả nhất, để văn hóa đọc, những giá trị văn hóa có cơ hội chiến thắng trong “cuộc chiến” này.

Kỳ 2: Những “người hùng” thắp lửa văn hoá đọc 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ XI năm 2024

Khai mạc Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ XI năm 2024

(PNTĐ) - Sáng 7/11, Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ XI năm 2024 chính thức khai mạc và bước vào tranh tài tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Giải đấu do Báo Hànộimới, Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội phối hợp tổ chức. Giải diễn ra từ ngày 7 - 10/11 với sự tham gia của 68 đơn vị, gần 400 tay vợt chuyên nghiệp và nghiệp dư tranh tài ở 12 nội dung thi đấu.
Hà Nội tiêu biểu cho cả nước trong phát triển văn hóa

Hà Nội tiêu biểu cho cả nước trong phát triển văn hóa

(PNTĐ) -Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thủ đô đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.
Sáng mai, khai mạc triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”

Sáng mai, khai mạc triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”

(PNTĐ) - Triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh” sẽ chính thức khai mạc vào sáng 7/11, tại Hà Nội. Triển lãm nhằm hưởng ứng Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII năm 2024 với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”.
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở

(PNTĐ) - Thực hiện mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực cho người dân Thủ đô, sức mạnh nội sinh để phát triển toàn diện, năm 2024, thành phố Hà Nội chú trọng nâng cao cả chất và lượng phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa, lối sống văn minh.