“Thắp lửa” văn hoá đọc thời 4.0: Nỗi lo và hy vọng

Bài và ảnh: Khánh Thư - Thảo Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với truyền thống của một dân tộc hiếu học, một Thủ đô ngàn năm văn hiến, chắc chắn rằng văn hoá đọc sẽ không bao giờ bị mất đi hay phai nhạt, nhưng vào những giai đoạn nhất định có thể sẽ bị lắng xuống do bối cảnh xã hội. Nhưng, chính trong những giai đoạn như vậy, vẫn có những “người hùng” kiên trì, bền bỉ “thắp” lên ngọn lửa, nỗ lực gìn giữ và phát triển văn hoá đọc bằng tất cả nhiệt huyết và khát vọng xây dựng Thủ đô và đất nước vững mạnh từ tri thức...

 “Thắp lửa” văn hoá đọc thời 4.0: Nỗi lo và hy vọng - ảnh 1
Không gian ấn tượng của Thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng.  

Thượng tướng mở thư viện… cổ vũ người dân đọc sách
Đặt tại khuôn viên khu đô thị Vincom Riverside (Long Biên, Hà Nội), Thư viện Nguyễn Văn Hưởng do Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an thành lập từ tháng 10/2019 nổi tiếng là một trong những thư viện tư nhân có quy mô lớn, chuyên nghiệp, mở cửa rộng rãi cho người dân đọc sách và nhận được sự yêu thích, quan tâm của nhiều độc giả trẻ.

Là bạn đọc thân thiết của thư viện, trung bình mỗi tuần chị Ngô Thị Hà Dương (SN 1990, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) đều tới đây 3 buổi. “Lần nào tới đây, tôi cũng rất biết ơn bác Hưởng đã tạo ra thư viện này. Dù nghỉ hưu nhưng bác vẫn đang làm việc - công việc cho đi tri thức, mang tình yêu đọc sách lan tỏa cho mọi người” - chị Hà Dương bày tỏ.

Chị Phạm Thanh Trà - Phó Giám đốc Thư viện Nguyễn Văn Hưởng cho biết: Hiện nay thư viện đang lưu giữ, phục vụ bạn đọc hơn 10.000 tựa sách và tạp chí bằng tiếng Anh; hơn 7.000 tựa sách tiếng Việt về lịch sử, văn hóa Việt Nam và các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, lịch sử, địa lý, nhân học, nghệ thuật, sức khỏe…; hơn 1.600 bản số hóa các tờ báo và sách xưa từng xuất bản ở Việt Nam.

Theo bà Vương Thị Lý, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội, chúng ta đang nỗ lực hết sức ở nhiều góc độ để “thắp lửa” văn hoá đọc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều cần thiết hiện nay chính là phải xây dựng được một hệ sinh thái văn hóa đọc hoàn chỉnh để tiến lên xây dựng một nền văn hoá đọc bền vững mang tính chiến lược quốc gia.

Chiến tranh Việt - Mỹ là một mảng đề tài chính yếu trong bộ sưu tập tư liệu và hiện vật của thư viện. Đặc biệt, nhiều cuốn trong số đó là tác phẩm nổi tiếng của các nhà sử học, nhà báo, chính trị gia, các tờ báo lớn thế giới, cùng các tài liệu giải mật của Chính phủ Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam. 

Ngoài sách, thư viện còn sở hữu và trưng bày gần 150 kỷ vật cá nhân của chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, do cựu chiến binh Mỹ lấy được từ chiến trường Việt Nam và mang về Mỹ (sau này đượcThượng tướng Nguyễn Văn Hưởng mua lại), cùng một số hiện vật khác như cờ, tem, huy hiệu… kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam; có 1 phòng chiếu phim tư liệu về cuộc chiến ở Việt Nam.

Để có số lượng sách phong phú như vậy, công sức, tâm huyết Thượng tướng bỏ ra không hề ít. Nhiều sách trong số đó không có ở Việt Nam, khó khăn lắm ông mới mua và chuyển về nước được. Nhưng Thượng tướng nói, khó khăn không có nghĩa không làm được. Bởi mong mỏi của ông là khơi dậy, lan tỏa văn hóa đọc, nên bằng mọi cách phải đưa sách, đem thư viện đến gần hơn với độc giả. Với mong mỏi làm sao càng nhiều người tiếp cận được sách càng tốt, Ông còn nỗ lực giới thiệu sách trên website, facebook, mở hiệu sách trong khuôn viên quán cafe… 

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ, nhận thấy một thực trạng đáng buồn, đó là người Việt Nam đang ngày càng lười đọc, nhất là lớp trẻ bây giờ cả ngày cầm Ipad, điện thoại, đọc gì cũng thoáng qua, cảm nhận tức thời, ít có người ngẫm nghĩ sâu sắc. Ông trăn trở khôn nguôi làm sao để kéo bạn đọc đến với văn hóa đọc. Thế rồi, để giúp nhiều người tiếp cận được sách, các tư liệu quý về lịch sử Việt Nam… ông đã tự bỏ tiền làm thư viện. 

Ông nói, chúng ta đọc sách không chỉ để vui, mà giúp mỗi người thấy mình ở đâu, mình là ai; mở mang nhận thức về thế giới; củng cố tinh thần dân tộc, từ đó biết giữ và xây dựng đất nước. Đọc sách cũng để cải thiện được con người; phải biết quá khứ mới hiểu được hiện tại và phấn đấu cho tương lai. 

“Sau 5 năm, từ chỗ người dân đọc thưa thớt, tới nay trung bình thư viện đón tiếp được gần 100 lượt bạn đọc mỗi tuần. Ngày hè các cháu tới thư viện vừa đọc, vừa học bài, tôi rất khuyến khích, để các bạn ấy có điều kiện tiếp cận với sách nhiều hơn. Được vậy cũng là tốt lắm rồi” - Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng bộc bạch.

Những giấc mơ bền bỉ 
Trên hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để chấn hưng văn hoá đọc bền vững trong bối cảnh thời đại 4.0, thế giới giải trí hấp dẫn bủa vây mỗi người như hiện nay, chúng tôi bỗng tràn đầy niềm tin vào một tương lai tốt đẹp khi nhận thấy cả xã hội đang cùng chung tay vực dậy văn hoá đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập. Điều đáng quý là ở rất nhiều cá nhân tự đứng ra gánh lấy sứ mệnh này. 

Chiều muộn ngày thứ 7, tranh thủ thời gian nghỉ, cô giáo Lê Thị Bình Minh (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) tất bật đóng thùng mấy trăm cuốn sách gửi tặng một người bạn ở Hải Dương sắp khai trương thư viện miễn phí vào 13/7/2023. Với chị Minh, được chia sẻ, lan tỏa văn hóa đọc tới mọi người, đặc biệt với các em học sinh… là một niềm đam mê.

Bên cạnh việc tự bỏ kinh phí mở một thư viện nhỏ tại nhà riêng với hơn 2.000 đầu sách, phục vụ miễn phí cho các học sinh và bạn đọc khu vực Lĩnh Nam; điều khiến chị Minh hài lòng hơn cả có lẽ là việc mở được tủ sách tại lớp học mình chủ nhiệm.

 Chị Minh cho biết: Mỗi tuần lớp sẽ được phát 50 cuốn sách, mỗi bạn 1 cuốn, thường là tác phẩm có dung lượng ngắn nhưng ý nghĩa, nhân văn; những cuốn này sẽ được làm mới mỗi tháng để các bạn tiếp cận được đa dạng tác phẩm. Không chỉ đọc, mà vào thứ 7, các bạn sẽ có bài “thu hoạch” về nội dung, bài học, ý nghĩa cuốn sách mình được đọc. Thậm chí, chị Minh còn làm phim, sân khấu hóa các tác phẩm để kích thích sự yêu thích của học sinh với sách.

Từ cách làm của chị Minh, nhiều phụ huynh đã dần ý thức rằng cần cho con đọc sách nhiều hơn, thậm chí bố mẹ cũng đọc cùng con. “Nhìn thấy tình yêu sách nảy mầm trong mỗi người khiến mình vô cùng hạnh phúc; cũng là động lực để mình tiếp tục vượt khó khăn, lan tỏa giá trị văn hóa đọc”- chị Minh bày tỏ. 

Mười năm qua, Tiến sĩ văn học Diêu Lan Phương và các cộng sự cũng đã không ngừng nỗ lực để xây dựng các chương trình, tổ chức các CLB đọc sách. Cũng xuất phát từ việc nhận thấy văn hoá đọc bị mai một trong tốc độ trượt trôi của đời sống hiện nay, với tâm huyết của một giáo viên dạy văn, chị Phương luôn suy nghĩ, tìm tòi mọi hình thức để có thể gây dựng một môi trường đọc cho các em nhỏ và cho cả người lớn, dù chỉ ở phạm vi hẹp. “Chúng tôi đã có các hình thức như đọc ở quán cà phê, đọc ở CLB ngôn ngữ và EQ, đọc ở công viên, thực hiện Dự án Gõ cửa nhà bạn… và khi dịch Covid-19 bùng nổ, thì chúng tôi có chương trình Đọc online (Umbala - sách mở ra)”- Tiến sĩ Phương cho biết.  

Bà Vương Thị Lý, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội kể, bà rất cảm kích với nhiều mô hình thư viện tư nhân, các cá nhân sẵn sàng bỏ tiền túi, đem sức mình cống hiến cho việc phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. “Có nhiều thư viện dòng họ ban đầu mở ra để phục vụ cho con cháu, sau đó đã mở cửa phục vụ cho bà con rất hiệu quả như thư viện nhà Đại tướng Phùng Quang Thanh ở Thạch Đà, Mê Linh; thư viện dòng họ Nguyễn Bá ở Cổ Đô, Ba Vì…” - bà Lý thông tin. 

Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội cũng dành nhiều lời khen tặng cho mô hình thư viện cộng đồng hoạt động bằng nguồn vốn xã hội hoá ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Thư viện có cách quản lý cực kỳ ấn tượng khi huy động 30-40 các cán bộ hưu trí thay nhau quản lý, vừa huy động được sự chung tay của cộng đồng lại sẽ lan toả việc đọc sách từ các cán bộ quản lý đến con em mình được đông đảo hơn.

Anh Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha book từ lâu đã nuôi trong mình một giấc mơ làm nhiều hơn cho văn hoá đọc, bên cạnh việc xuất bản sách. Năm 2022, dự án bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời” của Omega Plus (thuộc Alpha book) do anh chủ trì đã nhận được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, cuộc bình chọn này vấp phải khó khăn là không có sự đồng thuận trong danh mục, người nói tại sao chọn quyển này, người hỏi lý do nào chọn quyển kia. Bên cạnh đó là việc quảng bá thông tin không dễ dàng, sự tiếp nhận của các đơn vị, nhà trường còn hời hợt. Nhưng, anh Bình nói, điều đó không cản trở anh tiếp tục nuôi dưỡng ý định sẽ thực hiện nhiều dự án bình chọn các danh mục sách khác nhau. Bản thân anh cũng đã từng đề nghị đến các cơ quan chức năng thực hiện những bình chọn như 100 cuốn sách về văn hoá lịch sử Việt Nam cho người nước ngoài, 100 cuốn sách về văn hoá lịch sử Hà Nội nên đọc…Thậm chí anh còn đề xuất với một số tờ báo mở các chuyên mục sách bán chạy theo tuần, theo tháng như nước ngoài. Theo anh, việc bình chọn này tạo nên môi trường văn hoá đọc thường xuyên cho người dân, vậy tại sao chúng ta không học tập?

Kỳ 3: Xây dựng hệ thống thư viện hấp dẫn - một 
“cánh cửa” cho phát triển văn hoá đọc 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hoàng thái tử Nhật Bản và công nương dự ra mắt vở opera “Công nữ Anio“

Hoàng thái tử Nhật Bản và công nương dự ra mắt vở opera “Công nữ Anio“

(PNTĐ) - Tối ngày 22/9/2023, buổi công diễn đầu tiên vở opera “Công nữ Anio” đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tham dự chương trình có Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật.