Tọa đàm Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch
Thêm hiểu và yêu hơn chiếc áo dài dân tộc
(PNTĐ) - Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở du lịch Hà Nội dự Tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Văn hóa nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt; T.S, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Trưởng ngành quản lý giải trí và sự kiện khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhà thiết kế (NTK) áo dài Quỳnh Lan chia sẻ về thời điểm ra đời của áo dài và sự thay đổi của áo dài qua thời gian; cách nhận diện áo dài truyền thống, áo dài hiện đại; làm thế nào để mọi người có sự tự tin khi mặc áo dài; giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, may đo áo dài phát triển; những đề xuất nhằm đẩy mạnh bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị áo dài truyền thống…
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, áo dài xuất hiện vào năm 1744. Áo dài truyền thống có quy định là áo ngũ thân, tay chẽn, có khuy cài. Áo phải kín đáo do áo dài sinh ra trong thời kỳ Nho giáo coi trọng lễ nghĩa. Khi mặc áo dài phải mặc áo trắng, quần trắng bên trong và phải có khăn quấn đầu, khăn phải tối màu...Áo dài truyền thống cho thấy là trang phục đơn giản mà trang trọng khi mặc lên. Tuy nhiên, ngày nay do xã hội phát triển nên chỉ thịnh hành áo dài nữ, áo dài nam dần dần ít xuất hiện hơn. Trang phục áo dài đã trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử. Việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài trong đời sống đương đại cần có những giải pháp để làm sáng tỏ giá trị đặc trưng của bộ trang phục áo dài, cả áo dài nam và áo dài nữ.
Còn T.S Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, gần đây đã có một số nơi thực hiện chương trình trao đổi áo dài nhằm tạo sự mới mẻ, tự tin hơn, năng động hơn cho người mặc và kết nối, giao lưu giữa các chị em. Hiện nay, các nhà thiết kế cũng đã chú trọng hơn đến việc thiết kế áo dài với nhiều điểm cách tân sao cho phù hợp với các hoạt động trong cuộc sống cộng đồng.
Để bảo tồn, phát triển áo dài cần có sự kết nối, trao đổi giữa những nhà thiết kế với nhau, giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; cần khôi phục thói quen mặc áo dài trong sinh hoạt đời thường, khi đến công sở, trong dịp lễ, sự kiện quan trọng của năm. Thông qua phong trào mặc áo dài góp phần định hướng áo dài trở thành một xu hướng thời trang của giới trẻ và những người yêu áo dài…
Buổi Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, các nhà thiết kế cùng chia sẻ góc nhìn về chủ đề áo dài trong đời sống cộng đồng và trong hoạt động kết nối, định hướng quảng bá du lịch. Từ đó mỗi người thêm hiểu hơn, yêu hơn chiếc áo dài thanh lịch, tự hào và tích cực lan tỏa những giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.