Thi sắc đẹp - có nên trăm hoa đua nở?

Chia sẻ

Thi sắc đẹp, mở ra hay đóng lại? Một câu hỏi đã đặt ra không biết bao nhiêu lần, vì chúng ta từng mở rồi đóng, đóng rồi lại mở. Giờ đây, Dự thảo mới nhất được soạn thảo trên cơ sở kế thừa Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP lại được cho là sẽ “mở toang” các cuộc thi sắc đẹp.

1. Thi sắc đẹp, mở ra hay đóng lại? Một câu hỏi đã đặt ra không biết bao nhiêu lần, vì chúng ta từng mở rồi đóng, đóng rồi lại mở. Giờ đây, Dự thảo mới nhất được soạn thảo trên cơ sở kế thừa Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP lại được cho là sẽ “mở toang” các cuộc thi sắc đẹp.

Theo dự thảo Nghị định mới thì các cuộc thi nhan sắc sẽ ngày càng trắm hoa đua nở.Theo dự thảo Nghị định mới thì các cuộc thi nhan sắc sẽ ngày càng trắm hoa đua nở. (Ảnh minh họa).

Dự thảo Nghị định mới gồm 6 chương, 44 điều, quy định nhiều vấn đề mới, trong đó đáng chú ý là các cuộc thi Hoa hậu trong nước sẽ không bị giới hạn số lượng, việc đi thi quốc tế có thể được nới lỏng. Theo đó, với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, dự thảo nghị định theo hướng khoanh vùng các cuộc thi. Cục chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia. Các cuộc thi do đơn vị, công ty tổ chức tại địa phương sẽ do địa phương cấp phép.

Nếu như Nghị định 79 hiện hành quy định chỉ top 3 người đẹp đạt danh hiệu các cuộc thi trong nước mới được dự thi quốc tế, thì dự thảo Nghị định mới, chỉ cần những người đẹp này có giấy mời, đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế sẽ được tham gia.

Thêm vào đó, cơ quan quản lý cũng sẽ không giới hạn số lượng, quy mô các cuộc thi trong nước. Thay vì trước nay, mỗi năm chỉ có hai cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, ba cuộc thi cấp vùng, ngành và một cuộc thi cấp tỉnh được cấp phép.

2. Mặc dù mới chỉ là dự thảo, nhưng những đề xuất được xem là cởi mở nêu trên lại khiến nhiều người giật mình, không khỏi lo lắng vì sự lợi bất cập hại. Cái hại có lẽ là cái dễ thấy nhất, bởi không chỉ trong dư luận mà ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đang “loạn” các cuộc thi sắc đẹp. "Gần như không có cuộc thi người đẹp, người mẫu nào mà không có lùm xùm, rất tốn giấy mực trên báo chí" - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển từng bày tỏ lo ngại nếu phân cấp cho các địa phương quản lý, cấp phép các cuộc thi này.
Không những thế, vừa qua, việc một số người đẹp, thậm chí có danh vị liên quan đến các đường dây bán dâm càng khiến cho dư luận bức xúc vì sự dễ dãi đến thương mại hóa trong việc trao các danh hiệu này.

Thế nên, “mở toang” các cuộc thi sắc đẹp là điều đáng lo ngại và chưa nên. Bởi, chúng ta vẫn rất cần có những định hướng dư luận về tiêu chí và chuẩn mực của các cuộc thi sắc đẹp, hình ảnh của các cô người đẹp đã đạt danh hiệu. Việc này sẽ đồng thời ngăn chặn tình trạng thương mại hoá các cuộc thi, mua bán giải, ngăn chặn những “con sâu làm rầu nồi canh” đem danh hiệu hoạt động phi pháp.

3. Một điều cực kỳ quan trọng để dẹp “loạn” thi sắc đẹp chính là cần nâng cao dân trí, thay đổi cách nhìn về các cuộc thi Hoa hậu và các “biểu tượng sắc đẹp”.

Có thể thấy, các hoạt động thi sắc đẹp là do nhu cầu văn hóa giải trí của xã hội. Khi xã hội tiến tới sự văn minh, hiện đại, thì nhu cầu này cũng có sự thay đổi rất rõ rệt, với tính chất giải trí ngày càng lấn át. Vậy nên, trên thế giới, ngoài các cuộc thi sắc đẹp lớn, thì cũng có nhan nhản các cuộc thi được tổ chức khá cởi mở, thậm chí trong các hội chợ, triển lãm cũng có thể tổ chức thi sắc đẹp, trao đủ loại danh hiệu mà hoàn toàn không bị giới hạn về quy mô, hay tên gọi danh hiệu.

Cần phải hiểu rằng, giá trị của một danh hiệu sắc đẹp (hoa hậu, á hậu) không phụ thuộc vào cái tên gọi mà phụ thuộc vào “thương hiệu” của cuộc thi tạo ra danh hiệu đó. Vì vậy, ta cần phải nhận thức rõ, hoa hậu là hoa hậu của cuộc thi nào, chứ không đánh đồng các loại hoa hậu với nhau, rồi hễ thấy có tên cô hoa hậu/á hậu nào dính “chàm” là cho rằng “loạn”. Với trình độ dân trí cao, việc có “mở toang cửa” cho các cuộc thi hoa hậu cũng không có chuyện loạn hoa hậu. Loạn là do cách nhìn của người không phân biệt được giá trị của thương hiệu các cuộc thi mà đánh đồng các loại hoa hậu với nhau. Vì thế, điều đáng trông đợi là chúng ta nên thay đổi cách nhìn về các cuộc thi sắc đẹp.

Và, nếu có mở thì cũng chỉ nên tập trung xây dựng thương hiệu mang tính “quốc gia” cho một vài cuộc thi hoa hậu giàu truyền thống, uy tín và đặt những trọng trách văn hóa to lớn lên vai họ. Còn lại, các cuộc thi khác thì có thể cho phép tổ chức theo nhu cầu của xã hội, và quản lý nó như một hoạt động giải trí bình thường.

MỸ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục

“Từ Việt Bắc về Hà Nội” đến tay bạn đọc dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Từ Việt Bắc về Hà Nội” đến tay bạn đọc dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PNTĐ) - Tập 3 trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã đến tay bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024). Với tên gọi “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, cuốn sách khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.