Tôn vinh di sản thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), triển lãm nghệ thuật “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội. Sự kiện do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội tổ chức, mang đến một không gian nghệ thuật đặc biệt nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người thông qua hình thức thư họa – một sự kết hợp đầy sáng tạo giữa thư pháp và hội họa.

Triển lãm trưng bày gần 40 tác phẩm và tư liệu nghệ thuật, là thành quả sáng tạo của các nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Thư họa Ngôi trường Cuộc sống Sắc màu Tự nhiên, với sự đồng hành của Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông cùng làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (Hải Dương). Các tác phẩm thể hiện tinh thần nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một không gian sâu lắng, thiêng liêng và tràn đầy cảm xúc về hình ảnh Bác Hồ qua những vần thơ bất hủ.

Tôn vinh di sản thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa - ảnh 1
Bức tranh chân dung Bác Hồ- một món quà ý nghĩa của làng nghề mộc bản Thanh Liễu và BTC dành tặng khách tham quan.

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội – cho biết: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ, mà chỉ coi mình là người bạn của văn nghệ sĩ”. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, Bác đã để lại một di sản thơ ca phong phú với hơn 250 bài thơ, trong đó có hơn 100 bài viết bằng chữ Hán. Những tác phẩm như “Nhật ký trong tù”, “Tức cảnh Pác Bó”, “Cảnh khuya”, “Đi thuyền trên sông Đáy”, hay các bài ca vận động cách mạng như “Du kích ca”, “Ca công nhân”, “Ca thiếu nhi”… đã trở thành tài sản quý giá của văn học Việt Nam, thể hiện tư tưởng nhân văn, tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên và lạc quan cách mạng.

Điểm nhấn của triển lãm là những nét bút thư pháp uyển chuyển hòa quyện với sắc màu hài hòa của hội họa, làm sống dậy những vần thơ dung dị, mộc mạc mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tác phẩm không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà còn là một thông điệp truyền cảm hứng, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Tôn vinh di sản thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa - ảnh 2
Một tác phẩm thư họa ấn tượng được thực hiện tại Triển lãm. Ảnh: BTC

Cũng trong khuôn khổ lễ khai mạc, công chúng được trực tiếp trải nghiệm nhiều hoạt động độc đáo như trình diễn san khắc bài thơ “Nhật ký trong tù” do nghệ nhân Nguyễn Công Đạt thực hiện; trải nghiệm kỹ thuật in mộc bản truyền thống từ làng nghề Thanh Liễu (Hải Dương); thưởng thức trình diễn thư pháp của họa sĩ Thái Tĩnh – Chủ tịch Câu lạc bộ Ngôi trường Cuộc sống Sắc màu Tự nhiên; cùng hoạt động viết thư pháp và lưu dấu cảm xúc tại khu vực tương tác thư họa.

Đặc biệt, mỗi khách tham quan còn có cơ hội mang về một bức tranh chân dung Bác Hồ – món quà ý nghĩa từ làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu và Ban Tổ chức dành tặng. Đây không chỉ là một kỷ vật nghệ thuật mà còn là sự lan tỏa tình cảm, niềm tự hào dân tộc từ quá khứ đến hiện tại.

Tôn vinh di sản thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa - ảnh 3
Hình ảnh trải nghiệm viết thư pháp hấp dẫn tại Triển lãm

Triển lãm cũng mang tính nhân văn sâu sắc khi Ban Tổ chức cho biết, với mỗi tác phẩm được giao lưu, các tác giả sẽ trích 30% giá trị để đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Nghĩa cử này góp phần khẳng định vai trò tích cực của nghệ thuật trong công cuộc sẻ chia, kết nối cộng đồng.

“Triển lãm là dịp để công chúng gặp gỡ, giao lưu, thưởng lãm các giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, đồng thời lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tri ân sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nhóm cộng đồng sáng tạo, hướng tới phát triển Hà Nội như một đô thị sáng tạo toàn diện, lấy văn hóa làm trọng tâm của phát triển bền vững” – ông Nguyễn Tiến Đà chia sẻ thêm.

Triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu” mở cửa đến hết ngày 29/5/2025. Đây là điểm đến văn hóa – nghệ thuật không nên bỏ lỡ trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, dành cho tất cả những ai yêu mến thơ ca, thư pháp, và đặc biệt là những người mang trong tim tình cảm thiêng liêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

(PNTĐ) - Global Junior Fashion Week 2025 - tuần lễ thời trang trẻ em với sự tham gia của các nhà thiết kế đến từ Hà Nội, lan tỏa thông điệp về thời trang bền vững, truyền cảm hứng về trách nhiệm xã hội đến thế hệ trẻ. Mỗi BST, mỗi tiết mục trình diễn là 1 nốt nhạc trong bản giao hưởng của thiên nhiên, mang theo thông điệp về sự sống và niềm hy vọng cho tương lai xanh, tạo nên 1 bản giao hưởng trọn vẹn.
Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.