Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện mùa 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024 chính thức diễn ra tối 31/5 tại Cảng Sài Gòn, Tp Hồ Chí Minh đã đem đến những bất ngờ, ngạc nhiên, gây phấn khích cho khán giả đồng thời để lại những bài học lịch sử giá trị, ý nghĩa, đầy xúc động.

Chương trình do UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện, Sở Du lịch TP.HCM - Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM tổ chức, Newday Media thực hiện, thu hút 10.000 người dân, du khách trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và hàng triệu khán giả theo dõi trực tuyến trên các kênh truyền hình, mạng xã hội và truyền thông.

Huyền thoại về những chuyến tàu trên sông Sài Gòn được tái hiện chân thật 

Nối tiếp thành công của “Dòng sông kể chuyện” mùa đầu tiên, mùa 2 chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” là vở đại nhạc kịch “bom tấn” đồ sộ do Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cùng ê-kíp là những tên tuổi hàng đầu Việt Nam thực hiện, kết hợp hát, nhảy, múa, diễn xuất cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại, tối tân, tái hiện và tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn, của đất nước ta thông qua câu chuyện về những chuyến tàu. Hoành tráng, choáng ngợp, mãn nhãn, xúc động và trào dâng niềm tự hào, tự tôn dân tộc - đó là những cảm xúc chương trình mang tới cho khán giả xem trực tiếp cũng như qua màn ảnh nhỏ.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 1
Tái hiện cảnh đóng chiếc tàu đầu tiên của Việt Nam vào thời Nguyễn

Trong khoảng thời gian gần 90 phút, “Chuyến tàu huyền thoại” đã kể câu chuyện lịch sử cận đại, diễn ra trên dòng sông Sài Gòn thông qua các chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng, Vươn xa. Chương trình do nữ đạo diễn Lê Hải Yến - “Người kể chuyện bằng trái tim” viết kịch bản và Tổng đạo diễn, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong đó, có nhiều màn trình diễn gây kinh ngạc, sửng sốt lần đầu tiên khán giả được chứng kiến. Và đúng như biệt danh được đặt là “Người kể chuyện bằng trái tim”, câu chuyện của Tổng đạo diễn Lê Hải Yến viết ở “Chuyến tàu huyền thoại” khởi nên bằng chính nhiệt huyết, tình yêu lịch sử, yêu thành phố trong trái tim chị. Mỗi lát cắt, mỗi câu chuyện qua 90 phút trình diễn đều chạm đến trái tim khán giả, khắc sâu trong lòng mỗi người về lịch sử thăng trầm, hào hùng và những dấu ấn huyền thoại của sông Sài Gòn, của dân tộc. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 2
Tái hiện hình ảnh xưởng đóng tàu Ba Son 

Câu chuyện được bắt đầu từ lời kể của 2 nhân vật ông (do “ông già Nam bộ” - NSƯT Mạnh Dung đảm trách) và cháu (bé Gia Huy đóng), thể hiện sự tiếp nối các thế hệ, người ông đã kể và dẫn dắt người cháu, cùng khán giả bước vào từng câu chuyện của những chuyến tàu đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại của dân tộc qua các chương: Chương 1 - Hạ thủy, đã tái hiện quá trình đóng và hạ thủy những chiếc thuyền đầu tiên từ triều Nguyễn, đánh dấu sự khởi đầu của ngành đóng tàu tại Việt Nam;  Chương 2 - Cập bến, mô tả cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son năm 1925, do nhà cách mạng Tôn Đức Thắng lãnh đạo; Chương 3 - Ra khơi là câu chuyện về chuyến tàu lớn nhất, chuyến tàu gắn với vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam năm xưa đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; Chương 4 - Dậy sóng, tái hiện các trận đánh trên sông của các chiến sĩ đặc công trong khu vực Rừng Sác thời kỳ chiến tranh, thể hiện sự kiên cường, mưu trí của quân và dân trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược; Chương 5 - Vươn xa là sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới với công nghệ hiện đại trong lĩnh vực vận tải biển, cho thấy sự vươn xa của thương hiệu và trí tuệ Việt ra toàn cầu. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 3
Cảnh kêu gọi bãi công của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng gây xúc động

Toàn bộ các chương được kết cấu là một câu chuyện hoàn chỉnh như một bộ phim điện ảnh có chiều dài từ quá khứ đến hiện tại, về “huyền thoại” công cuộc đấu tranh giữ nước bất khuất, kiên cường, công cuộc dựng xây và phát triển của TP Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam, được Tổng đạo diễn Lê Hải Yến khéo léo, tinh tế kể qua chuyện những chuyến tàu. Qua đó, người xem không chỉ thấy được Tp Hồ Chí Minh đã có thời kỳ lịch sử huy hoàng khi từng sánh ngang với thế giới tự đóng những chiếc tàu đầu tiên từ thời Nguyễn, và cũng trên những chuyến tàu các cuộc đấu tranh phản đối sự đàn áp của ngoại xâm liên tục nổ ra, để từ đó chứng kiến cuộc ra đi tìm đường cứu nước vĩ đại của Bác Hồ, cuộc đấu tranh giành hoà bình độc lập quật cường dân tộc với biết bao xương máu đã đổ xuống. Và hôm nay phát huy ý chí hùng cường của dân tộc, Tp Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung đang mỗi ngày một phát triển, vươn cao, vươn xa hơn nữa với những thành tựu kinh tế đáng tự hào. 

*Nhiều màn trình diễn gây kinh ngạc đối với khán giả

Dòng sông kể chuyện mùa 2 – “Chuyến tàu huyền thoại” có những màn trình diễn cao trào, hào hứng với đại cảnh hàng ngàn diễn viên tham gia, đồng thời có nhiều điểm nhấn chiều sâu cảm xúc, xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, khai thác từ những câu chuyện lịch sử và giai thoại về những nhân vật lịch sử trong các bối cảnh lịch sử trọng đại.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 4
Hình ảnh anh Ba do NSƯT Tuấn Lin đảm nhiệm nói với anh Lê về khát vọng ra khơi tìm đường cứu nước trên bến cảng Nhà Rồng

Khán giả không còn xa lạ với những câu chuyện lịch sử gắn với vận mệnh của Tổ quốc, tuy nhiên, cách chương trình tái hiện lại tất cả những câu chuyện đó qua lời dẫn chuyện kết hợp âm nhạc, vũ đạo, những thủ pháp sân khấu… vô cùng sinh động, khiến khán giả như được trở về quá khứ, tận mắt chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Nhiều khán giả đã trào dâng cảm xúc tự hào và rưng rưng vì xúc động.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 5
Hình ảnh chuyến tàu đưa anh Ba (Nguyễn Tất Thành) ra đi tìm đường cứu nước khiến nhiều khán giả rưng rưng

Tham dự chương trình, cựu chiến binh Võ Duy Tấn từng là đặc công rừng Sác bồi hồi chia sẻ, “Chuyến tàu huyền thoại” vô cùng giá trị trong việc khơi dậy lịch sử hào hùng khiến ông rất xúc động, chương “Dậy sóng” nói về những người lính đặc công rừng Sác chiến đấu ngoan cường trong cuộc đấu tranh chống giặc đã khiến ông nhớ về những người đồng đội của mình đã hy sinh. “Chương trình đã kể câu chuyện lịch sử rất hay, rất chân thật và xúc động”- cựu chiến binh Võ Duy Tấn bày tỏ. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 6
Tái hiện cảnh chiến đấu với muôn vàn khó khăn của đặc công rừng Sác năm xưa

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến và ekip “anh tài” của mình là đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, Giám đốc âm nhạc Đức Trí, Tổng biên đạo Tấn Lộc đã giải “bài toán khó” là đưa nhạc kịch ra không gian rộng lớn theo kiểu lễ hội. Thủ pháp sân khấu kể cả ước lệ và công nghệ đều được ekip sử dụng triệt để, tối đa để khán giả có thể nhận thấy, cảm thấy từ mọi góc nhìn.

Sân khấu rộng lớn cả ngàn m2 diễn ra trên bến cảng, bối cảnh chuyển động liên tục với những đạo cụ không chỉ lớn về kích thước như những con tàu như tàu thật, những container như thật, các loại máy móc mô phỏng máy đóng tàu… khiến người xem choáng ngợp, không ngừng vỗ tay thốt lên những tiếng “ồ” bất ngờ, mà toàn bộ sân khấu còn như đưa khán giả bước vào phim trường một bộ phim lịch sử “bom tấn” kích thích mọi giác quan cảm thụ của khán giả. Không chỉ thế sự kết hợp nhuần nhuyễn các không gian sân khấu phức tạp lúc ở trên bến cảng, lúc ở dưới sông, khi thì trên tàu… liên tiếp tạo nên những ngạc nhiên đến mức kinh ngạc với người xem, khiến họ không ngớt bày tỏ sự trầm trồ, thán phục. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 7
Màn "đánh chìm" tàu địch trên sông của đặc sông rừng Sác bằng hiệu ứng cháy nổ thật gây kinh ngạc cho người xem

Đặc biệt, phần tái hiện chiến công đánh chìm tàu địch của các chiến sĩ đặc công rừng Sác là màn trình diễn ngoạn mục, có 1-0-2 cho đến thời điểm này đối với một show diễn nghệ thuật.

Đó là chương trình đã thực hiện cảnh “đánh chìm” một con tàu (mô hình) trên sông bằng hiệu ứng cháy nổ thật. Sau hiệu ứng cháy nổ, trên mặt sông Sài Gòn là hình ảnh một con tàu đã bị đánh chìm một nửa và bốc cháy. Khán giả đã rất sửng sốt và vỗ tay không ngừng cho phần trình diễn này đồng thời tự hào hơn về sự anh dũng, mưu trí của cha anh trong chiến đấu. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều màn diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả không chỉ là bởi đại cảnh hoàng tráng, mà còn là sự kết hợp hiệu ứng sân khấu tối tân rất mãn nhãn như cảnh hạ thuỷ chiếc tàu đầu tiên được đóng trong thời Nguyễn, hiệu ứng visual mặt nước kết hợp mapping khiến khán giả không ngớt trầm trồ trước hình ảnh con tàu lướt sóng ra khơi…  

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 8
Niềm vui sum họp Nam Bắc với chuyến tàu sông Hương lịch sử 

Phần âm nhạc được Giám đốc âm nhạc Đức Trí phối khí theo phong cách nhạc kịch, nhạc phim… mới mẻ, hào hùng, lôi cuốn người nghe, lôi cuốn người xem ở nhiều chiều giác quan khác nhau. 

Với gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, diễn viên quần chúng từ em bé 5 tuổi đến người cao niên 86 tuổi, Tổng biên đạo Tấn Lộc đã góp phần gây choáng ngợp và khâm phục khi liên tục “biến hoá” qua mỗi phần trình diễn. Anh sử dụng nhiều loại hình về biểu diễn trong múa như múa đương đại, jazz, hiphop, ballet… để thể hiện đầy sinh động, chân thực và sáng tạo các nội dung, các chương trong chương trình. Những đại cảnh quy tụ hàng ngàn diễn viên cực kỳ mãn nhãn.

Ngoài ra, chương trình còn sử dụng ngôn ngữ xiếc, động tác thủ ngữ của người khiếm thính… để có những màn biểu diễn hấp dẫn và xúc động. Đây là thành quả của chuỗi ngày dài tập luyện xuyên đêm của các nghệ sĩ, diễn viên và ekip bất kể mưa nắng. Bên cạnh đó, lần đầu tiên một chương trình lễ hội thiết kế mới đến 3.000 bộ trang phục cho hơn 1.000 diễn viên, với yêu cầu khắt khe là phải bám sát yếu tố lịch sử, đúng với bối cảnh lịch sử nhưng vẫn có tính đương đại, tính sân khấu, đẹp mắt là một sự cộng hưởng hoàn hảo để mỗi chương, mỗi màn đều vô cùng chỉn chu, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình, ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả, khiến khán giả theo dõi đến mức mê say từng diễn biến của tác phẩm “bom tấn” trên bến sông.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 9
Hình ảnh đại cảnh mãn nhãn của chương trình về sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, của đất nước hôm nay 

Chương trình Dòng sông kể chuyện mùa 2 – “Chuyến tàu huyền thoại” thực sự là show diễn choáng ngợp, mãn nhãn, mang đẳng cấp quốc tế, góp phần làm sống lại lịch sử bằng nghệ thuật một cách cuốn hút, khẳng định sắc nét rằng thời gian có thể xóa nhòa mọi dấu vết, nhưng huyền thoại về những chuyến tàu đặc biệt này sẽ còn âm vang mãi trong lòng mỗi người dân Việt và trở thành những ký ức lịch sử không bao giờ quên. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 10
Chương trình chinh phục nhiều khán giả trẻ 

*Thành công của nữ đạo diễn kể chuyện bằng cả trái tim 

Thành công của Dòng sông kể chuyện mùa 2- “Chuyến tàu huyền thoại” với tài năng của nữ Tổng đạo diễn Lê Hải Yến- “Người kể chuyện bằng trái tim” đã thực sự đưa cô trở thành đạo diễn Lễ hội tiên phong trong xu hướng edu-tainment (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hoá, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại. Ngồi trên hàng ghế khán giả có rất nhiều em nhỏ, các em vừa thích thú xem chương trình, vừa cùng nhau ôn lại những câu chuyện lịch sử từng học trong sách giáo khoa qua mỗi chương, đặc biệt là câu chuyện Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trước đó, Lê Hải Yến cũng đã dần khẳng định việc theo đuổi xu hướng này với “Dòng sông kể chuyện mùa 1”, Lễ hội tôn vinh Xoè Thái…

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 11
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến (áo trắng giữa) cùng ekip thực hiện của mình trong niềm vui thành công sau chương trình 

Bằng một trái tim đầy cảm xúc và nhiệt huyết, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã cùng ekip của mình khơi dậy tình yêu quê hương và tự tôn dân tộc luôn có sẵn trong mỗi con người Việt Nam. Lê Hải Yến đã phần nào hiện thực hoá được khao khát đưa những câu chuyện lịch sử trở thành những sản phẩm văn hóa du lịch, để lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế thông qua các chương trình mình thực hiện mà tiêu biểu là series “Dòng sông kể chuyện”. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 12
Các em nhỏ diễn bằng thủ ngữ gây xúc động

Thành công của “Chuyến tàu huyền thoại” giúp Lê Hải Yến nhận mưa lời khen từ khán giả, rất đông khán giả biết cô là Tổng đạo diễn đã ào đến chúc mừng, bày tỏ sự thán phục sau chương trình. Nhiều khán giả, du khách cho biết họ chưa từng được xem một show diễn mãn nhãn, đặc sắc, nhiều bất ngờ đến như vậy nhưng lại rất giá trị với những bài học lịch sử được kể xúc động, hấp dẫn mà dễ cảm thụ, giúp họ thêm yêu thành phố, yêu quê hương đất nước. Hầu hết khán giả đều cảm nhận, phải yêu những câu chuyện lịch sử, chịu khó tìm hiểu, đào sâu suy nghĩ trăn trở đến thế nào, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến mới viết nên một câu chuyện lay động trái tim mỗi người đến vậy. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện về những “Chuyến tàu huyền thoại” bằng cả trái tim và nhiệt huyết - ảnh 13
Màn drone show vẽ trên bầu trời TP Hồ Chí Minh hình ảnh những chuyến tàu đi vào lịch sử khiến khán gỉa phấn khích 

Góp sức cùng Tổng đạo diễn Lê Hải Yến thực hiện chương trình có những tên tuổi nổi tiếng như Đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, Giám đốc âm nhạc Đức Trí, Tổng biên đạo Tấn Lộc, Cố vấn kỹ thuật - nghệ nhân Văn Tòng, được biết đến là bậc thầy về sân khấu và đạo cụ ở TPHCM, NTK Việt Hùng, thiết kế sân khấu Quốc Nghị, nhà thơ Vi Thuỳ Linh tham gia viết lời bình… 

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.