Tranh bích họa ở Hà Nội - “Tấm áo mới” nhiều trăn trở

Khánh Thư - Yên Hưng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với những người yêu Hà Nội, mỗi bức tranh bích họa ở các ngõ phố Thủ đô không chỉ là những nét vẽ, mảng màu mà còn chứa đựng trong đó là nhiệt huyết, khát khao làm đẹp, xây dựng Thủ đô văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa.

Tranh bích họa ở Hà Nội - “Tấm áo mới” nhiều trăn trở  - ảnh 1
Bức tranh Làng thuốc nam Đại Yên đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu gắn liền với bà con tổ dân phố số 10, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội Ảnh: T.H

 “Đánh thức” vẻ đẹp Hà Nội bằng trái tim nhiệt huyết
Ngày 2/2/2018, phố bích họa Phùng Hưng được khai trương đã trở thành sự kiện xôn xao Hà Nội. Gần 20 vòm cầu đá trăm tuổi tại Phùng Hưng đã được các nghệ sĩ Việt - Hàn thực hiện các tác phẩm hội họa với nhiều câu chuyện gắn với lịch sử, đời sống của khu vực này tạo nên một không gian văn hóa thú vị và lập tức trở thành con phố nổi tiếng, thu hút giới trẻ, du khách trong và ngoài nước. Đến giờ, nhiều người dân phố Phùng Hưng vẫn còn nói với nhau rằng không tin được con phố âm u, từng là WC lộ thiên cho cánh lái xe… hàng chục năm nay lại có ngày trở thành điểm đến văn hóa như thế. 

Có lẽ kể từ sự thay đổi của con phố Phùng Hưng, Hà Nội đã được truyền cảm hứng và nở rộ phong trào vẽ bích họa với khát vọng “đánh thức” những “không gian chết”, đem đến những không gian công cộng xanh - sạch - đẹp cho Thủ đô. Bản thân các họa sĩ thực hiện dự án phố bích họa Phùng Hưng cũng đã được tiếp thêm năng lượng để nỗ lực “đánh thức” các không gian khác, trong đó có dự án nghệ thuật công cộng biến đoạn phố đầy rác, chất thải… của Phúc Tân trở thành điểm đến thu hút giới trẻ, du khách. Công trình do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam và 16 nghệ sĩ tình nguyện thực hiện. 
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, đến nay, dù đã khánh thành được 2 năm nhưng anh và những người thực hiện vẫn chưa nhận được kinh phí thực hiện. “Do đại dịch Covid-19 khiến mọi việc gặp khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ theo dự kiến ban đầu, do nhiều yếu tố liên quan đến thủ tục… nên chúng tôi vẫn chưa nhận được kinh phí thực hiện. Tôi đã phải bỏ tiền túi ra để chi trả. Giờ cũng không biết làm sao, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mình đã thực hiện được một công trình được người dân yêu thích, có ý nghĩa cho cộng đồng”. 

Để thực hiện được những công trình như ở Phúc Tân, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã phải tập hợp những họa sĩ có cùng chí hướng, làm việc với tinh thần tình nguyện. Bởi lẽ, theo tiết lộ của anh, làm dự án nghệ thuật công cộng là những công việc không lợi nhuận, dựa trên tâm huyết của họa sĩ là chính. Các con số để chi cho dự án Phùng Hưng hay Phúc Tân cũng đều là tiền nguyên vật liệu. 

Đi khắp Hà Nội bây giờ, đến nơi nào cũng thấy có những không gian sinh động nhờ tranh bích họa. Người ta vui vẻ, thích thú dạo chơi dưới những bức tường tranh, chụp ảnh check-in những góc phố, những bốt điện như những vườn hoa muôn sắc… nhưng ít ai biết, tất cả những điều đó có được nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của những trái tim nhiệt huyết, sẵn sàng “vác tù và” vì vẻ đẹp của Thủ đô. 

Từ tháng 10/2021 tới nay, hơn 50 bốt điện trên các tuyến phố chính của phường Hàng Đào đã được khoác lên mình “tấm áo” mới được thực hiện bằng mồ hôi, công sức và sự hết lòng của các đoàn viên thanh niên phường. Nguyễn Tiến Đạt - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hàng Đào chia sẻ: “Vẽ bích họa lên bốt điện không hề đơn giản, nhất là với những họa sĩ “nghiệp dư” là đoàn viên, thanh niên phường. Khi đi vẽ, mùa đông thì đỡ hơn, nhưng ngày hè cực lắm. Khoảng 9 giờ sáng thời tiết đã nắng nóng, mồ hôi đầm đìa, áo dán chặt lấy người”. Đó là chưa kể có ngày vừa vẽ xong trời đổ mưa, thế là mọi công sức đều theo mưa đi hết, các “họa sĩ” buồn muốn khóc, nhưng với mong muốn góp sức làm đẹp phố phường, họ lại mỉm cười, động viên nhau nỗ lực làm lại từ đầu, thiếu kinh phí thì đi xã hội hóa...

Những trăn trở khôn nguôi 
Xã hội hóa các công trình, phần việc cũng là việc làm tích cực và nỗ lực của các cụm, tổ dân phố, các hội, nhóm, đặc biệt là các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội. Tuy nhiên, để kêu gọi được xã hội hóa cũng không phải chuyện dễ dàng nhưng không có gì cản trở được những người tâm huyết. Bà Lê Thị Nhung - Bí thư Chi bộ số 10, tổ dân phố 18, phường Ngọc Hà tâm sự, để hoàn thiện được bức tranh làng thuốc Nam Đại Yên có diện tích hơn 20m2, kinh phí thực hiện khoảng 6,3 triệu, Chi hội Phụ nữ đã rất vất vả kêu gọi xã hội hóa. Vì có người đồng tình, ủng hộ ngay nhưng cũng có người băn khoăn, nghi ngại không biết bức tranh như thế nào nên kinh phí ban đầu rất thiếu. “Lo lắm nhưng không vì thế chúng tôi từ bỏ, vẫn tiếp tục vận động”- bà Nhung nói. Nỗ lực được đền đáp khi bức tranh dần hoàn thiện, thấy được giá trị giáo dục, lại giúp làm đẹp cảnh quan... ngày càng nhiều người tham gia ủng hộ. 

Với các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội, kiến tạo không gian tranh bích họa nhằm làm đẹp không gian công cộng, tạo sức thu hút, hấp dẫn cho cảnh quan, đặc biệt là có thể xóa bỏ các khu vực “chết”, rác thải nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cho người dân… cũng là một trong những sáng kiến hiệu quả, thiết thực trong phong trào xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn, bảo vệ môi trường mà Hội LHPN Thành phố Hà Nội phát động nhiều năm nay. Hàng ngàn mét tường bích họa có sự tham gia của các cấp Hội Phụ nữ khắp thành phố được hoàn thành đã đưa Hội LHPN Hà Nội trở thành một trong những tổ chức năng động, nhiệt huyết hàng đầu trong hoạt động này. Ở nhiều nơi khi nguồn xã hội hóa không đủ để thuê họa sĩ, các bác, các chị ở trong khu phố, Chi hội Phụ nữ đã mạnh dạn tự mình thực hiện các bức vẽ. Có thể các bức vẽ của họ chưa đẹp được như họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng cũng như nỗ lực của các đoàn viên thanh niên, đều chứa đựng tấm lòng, trái tim, khát vọng làm đẹp cho Hà Nội. 

Bà Lê Thị Nhung tự hào kể để có được bức bích họa chứa đựng được hồn sắc của làng thuốc Nam Đại Yên ở đầu ngõ 249 Đội Cấn, chị em Hội Phụ nữ phường đã đưa họa sĩ tới thăm đình Đại Yên, đi khắp các con ngõ nhỏ, nghe người dân miêu tả lại quang cảnh, câu chuyện lịch sử của làng.

 “Đây không chỉ là nét vẽ, là câu chuyện mà với những người Đại Yên chúng tôi, đó là nét văn hóa, ký ức, là kỷ niệm của tuổi thơ gian khó mà đùm bọc, gắn kết, yêu thương nhau. Đó cũng là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm tới các thế hệ sau này”- bà Nhung nói. 

Cách ngõ 249 Đội Cấn không xa là con ngõ 173 Hoàng Hoa Thám với gần 600m2 bích họa về làng hoa Ngọc Hà với nhiều hình ảnh mang tính lịch sử đặc trưng. “Đây cũng là cách giúp thế hệ trẻ thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử địa phương nói riêng, dân tộc nói chung” - chị Hoàng Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) chia sẻ.

Tuy nhiên, có thể thấy một thực tế là trong phong trào kiến tạo các không gian bích họa nở rộ hiện nay của Hà Nội, những nơi chú ý đến nội dung bích họa mang đậm tính văn hóa, lịch sử, mang dấu ấn hồn cốt của địa phương như phường Ngọc Hà không nhiều. 

“Tôi thấy ngạc nhiên khi nhiều nơi ngay trong lòng phố mà các bức bích họa lại là hình ảnh cây đa, giếng nước, con đò, rồi chỗ nào cũng áo dài xe đạp, xe hoa, phố cổ… rất thiếu giá trị nghệ thuật, văn hóa cần có, lại làm phai mờ bản sắc văn hóa địa phương”- họa sĩ Vũ Lâm nhận định. 

Điều này cũng là một trong những lo ngại mà cộng đồng mạng đặt ra trên các diễn đàn rằng liệu bích họa Hà Nội có nguy cơ thành thảm họa không khi vẽ theo kiểu tự phát, phong trào, nhiều nơi bị lòe loẹt, thiếu giá trị thẩm mỹ và bản sắc. Nhiều ý kiến cho rằng khắp nơi trong thành phố đều thấy bốt điện “nở hoa” cũng là điều không nên. Bởi lẽ, mỗi đoạn phố, góc phố đều có những không gian, sắc màu khác nhau, vẽ hoa chỗ này hợp nhưng chỗ kia không hợp, không tương thích với kiến trúc nhà ở sẽ trở nên thiếu thẩm mỹ... Chưa kể, ở nhiều nơi, các hình ảnh hoa lá đều do họa sĩ được thuê cứ “vẽ hoa là được” cũng gây nên nhiều bất cập.

Một họa sĩ vẽ bích họa khoe, anh được thuê vẽ các bốt điện trên phố, thấy hoa anh túc đẹp nên vẽ “đẹp lắm”. Vẻ đẹp của hoa anh túc tất nhiên không có tội, nhưng việc quảng bá nơi công cộng cho loài hoa tạo ra chất gây nghiện này lại không nên.   
“Có lần tôi đi qua khu vực chùa Thầy, thấy có đoạn tường bích họa vẽ những hình ảnh theo kiểu các bức vẽ ở Phùng Hưng, tôi thấy hơi tiếc vì chùa Thầy là nơi có bề dày lịch sử văn hóa để có thể kể trên các bức bích họa thay vì câu chuyện sao chép nơi phố cổ” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói. 

Ai cũng cho rằng làm đẹp Hà Nội bằng tranh bích họa là phong trào đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vì là phong trào nên lại nảy sinh rất nhiều vấn đề đáng quan ngại. Ví như có những đoạn tường không nên vẽ, người ta vẫn “tích cực” vẽ làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Như bức tường của một trường học trong phố cổ kia vốn rất đẹp nhờ giá trị kiến trúc cổ kính thì khi “thay áo mới” bằng bích họa đã làm giảm đi vẻ đẹp này. 

Thế nên câu chuyện bích họa vẫn là câu chuyện còn nhiều trăn trở của Hà Nội cần đi tìm lời giải để nó thực sự trở thành một trong những nét đẹp mang giá trị văn hóa, thẩm mỹ, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố thiết kế sáng tạo” được UNESCO công nhận.

Kỳ cuối: Để bích họa trở thành vẻ đẹp, tạo sức thu hút của Thủ đô

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.