Trùng tu di tích: Hiểu để có cái nhìn điềm tĩnh

Chia sẻ

PNTĐ-Dư luận đang xôn xao từ việc trùng tu ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Bia Quốc học (Thừa Thiên – Huế). Cả hai di tích này đều bị cho là được làm “mới toe”...

 
Vấn đề đặt ra là bảo vệ di tích là giữ cái cổ, lớp “gỗ tốt” – giá trị cốt lõi cả di tích – hay lớp rêu phong phủ bên ngoài?
 
Trùng tu di tích: Hiểu để có cái nhìn điềm tĩnh - ảnh 1
Hình ảnh quét vôi Văn Miếu khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ
 
1 Tranh cãi bắt đầu từ những bức ảnh được tung lên mạng, chụp tường bao quanh giếng Thiên Quang, Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám… được phủ lên màu trắng toát. Lớp áo khoác mới đó khác hẳn với màu cũ kỹ rêu phong trong những bức ảnh tư liệu được đăng kèm. Ấn tượng thị giác quá khác biệt khiến cho ai cũng cảm thấy sốc và liên tưởng tới việc trùng tu cẩu thả, phá hoại di tích đã từng xảy ra trước đó.
 
Tuy nhiên, những người trong cuộc đã sớm lên tiếng, khẳng định, chiếc áo mới phủ lên các bức tường này không phải là lớp sơn mà chỉ là lớp vôi truyền thống, không trộn hóa chất. Lớp vôi đó (gọi là vôi sữa) cũng được làm y như các cụ ngày xưa, tức vôi trộn với than bùn, có tác dụng ngăn ngừa hơi nước, rêu mốc, giữ cho các bức tường được bền vững với thời gian. Đó hoàn toàn là việc “chống xuống cấp” di tích hết sức thông thường, và cũng không phải bây giờ mới làm. Mấy năm trước, các bức tường này cũng từng được “quét vôi” như thế, chỉ có điều dư luận không xôn xao, nên không ai để ý. Và quan trọng là chỉ trong một thời gian ngắn, chịu nắng mưa, lớp vôi ấy lại bị cũ đi, phủ màu thời gian lên như những gì người ta đã trông thấy và luyến tiếc trước khi quét vôi đợt mới.
 
Cũng theo lý giải của người trong cuộc, thì màu trắng toát của lớp vôi mới này cũng chưa phải là màu cuối cùng, mà còn tiếp tục có một lớp vôi nữa, có màu xám hơn, đỡ “chói mắt” hơn. Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận, BQL Văn Miếu  - Quốc Tử Giám đã tuyên bố tạm dừng quét vôi các hạng mục quan trọng còn lại như Khuê Văn Các, cổng Tam Quan, Nhà Bái Đường, Nhà Thái Học… để chờ dự án tổng thể, không chỉ quét vôi mà còn trùng tu can thiệp sâu hơn, vì các hạng mục này còn bị bong tróc, hư hỏng. Do đó chúng ta cũng phải chờ xem “lớp áo mới” trên các hạng mục này sẽ được lựa chọn ra sao?
 
Câu chuyện trùng tu Bia Quốc học ở Thừa Thiên – Huế còn gây bão dư luận dữ dội hơn.
 
Nhìn những bức ảnh trước khi trùng tu Bia Quốc học, quả thực ai cũng lấy làm tiếc. Vẻ cũ kỹ, rêu phong của nó, thậm chí cả vẻ đổ nát của công trình ở lớp gạch, vữa, phù điêu bong tróc, mái ngói thủng dột, nền móng sụt lún… càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, linh thiêng của một công trình mang ý nghĩa tâm linh. Cho nên khi công trình được tô trát lại, phục hồi các phù điêu bị hỏng, và cuối cùng được phủ lên lớp sơn màu vàng khá rực rỡ thì ngay lập tức gây sóng gió. Phía đơn vị trùng tu cho rằng, họ không thay đổi gì kết cấu, cách trang trí, kiểu dáng vật liệu trang trí. Và rằng, nhiều phù điêu đã hỏng hóc nên họ đã cố giữ lại nhiều nhất có thể, còn lại thì bắt buộc phải phục hồi.
 
Sự tác động tới Bia Quốc học Huế không chỉ là “bề ngoài” với lớp vôi quét như ở Văn Miếu, mà đã can thiệp sâu vào di tích như một dự án trùng tu. Cho nên không thể quan sát bề ngoài mà có thể nhận định được, mà phải căn cứ vào hồ sơ khoa học của công trình, đối chiếu với các giải pháp trùng tu trên thực tế. Hy vọng vấn đề này sẽ sớm được sáng tỏ
 
2 Trước đây, dư luận cũng xôn xao việc sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2015, hay trước đó là việc trùng tu Ô Quan Chưởng, một di tích quan trọng ở Hà Nội.
 
Việc sơn lại Nhà hát Lớn ban đầu khiến dư luận choáng váng vì màu sơn mới (vàng đậm) quá rực rỡ. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, bây giờ qua Nhà hát Lớn, có lẽ không ai còn nhớ đến tranh cãi trước đây, vì Nhà hát Lớn dường như… vẫn thế. Ngày đó, dư luận đã quá nhanh nhảu phản ứng ngay khi công trình đang được thi công dở dang, tức lớp sơn mới chưa hoàn thiện, chưa phải là màu sắc cuối cùng.
 
Gây chú ý đặc biệt là công trình trùng tu Ô Quan Chưởng. Khi công trình được trùng tu, đương nhiên, màu sắc không còn vẻ “xưa cũ” quen thuộc nữa. Tuy nhiên, theo lý giải của đơn vị trùng tu di tích, thì sự can thiệp vào di tích là tất yếu bởi ngay cả cấu trúc của Ô Quan Chưởng cũng đã xuống cấp (phồng rộp, thấm nước, nguy cơ sụp đổ).
 
Chưa kể bề mặt công trình bị rêu mốc, cây cối bám vào, xâm hại di tích, phải loại bỏ. Công trình được trùng tu bài bản khoa học giữ nguyên giá trị cốt lõi của di tích. Còn sự mới mẻ khác lạ của công trình sau khi trùng tu chỉ là cảm giác của những người thích “hoài niệm về một màu rêu”.
 
Có thể thấy, cổ và cũ không giống nhau. Cái mới qua thời gian sẽ trở thành cái cũ, và cái cũ không phải bao giờ cũng kết tinh giá trị, bởi nó có thể chứa đựng những yếu tố xâm hại hoặc làm suy giảm giá trị của di tích. Còn cái cổ là cái nguyên bản, là giá trị cốt lõi của di tích, thể hiện từ trong ra ngoài. Tất nhiên, không phải mọi cái nguyên bản của di tích đều mang giá trị, nhất là các công trình chỉ còn là phế tích, không thể phục dựng lại được, thì chính vẻ cũ kỹ “điêu tàn” của nó với cây cối phủ lên, rêu phong bám đầy lại là trạng thái cần phải giữ gìn.
 
Hiểu trùng tu là một khoa học, hiểu cái cũ và cái cổ, chúng ta sẽ có cái nhìn bình tĩnh hơn với công tác trùng tu.

Nguyễn Mỹ

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ tới thế hệ trẻ thông qua những ấn phẩm được xuất bản.
Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.