Truyện tranh nước ngoài “đại náo” thị trường Việt!

Kim Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mới đây, bộ truyện tranh Việt “Sơn Goal” được phát hành đã nổ ra những cuộc bàn luận sôi nổi về tiềm năng và hy vọng của thị trường truyện tranh Việt Nam. Bởi qua đây, nhiều người mới vỡ lẽ, hoá ra Việt Nam là nơi gia công cho các thị trường truyện tranh lớn như Nhật, Mỹ…

Truyện tranh nước ngoài “đại náo” thị trường Việt! - ảnh 1
“Thần đồng đất Việt”- bộ truyện khá tiêu biểu của truyện tranh Việt Ảnh: NXB

Thị trường truyện tranh thiếu vắng tác phẩm Việt

Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1960 đến nay, thị trường truyện tranh ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt trẻ. Thế nhưng, mấy chục năm qua, dù với tiềm năng lịch sử văn hóa và có nhiều tác phẩm phù hợp để sản xuất và phát hành thể loại này như truyện cổ tích, danh nhân, các tác phẩm văn học kinh điển thì cho đến nay, các bộ truyện tranh thuần Việt vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó có thể kể đến Thần đồng đất Việt, Tý Quậy, Tấm Cám, Dế mèn phiêu lưu ký, Dũng sĩ Hesman… Hay gần đây có Sát thủ đầu mưng mủ, Phê như con tê tê. Tiếc rằng, trong số các tác phẩm này, không phải tác phẩm nào cũng đọng lại nhiều dư vị cho công chúng. Thậm chí, việc sử dụng ngôn ngữ còn bị đánh giá là thiếu phong phú, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt. Đơn cử dạng sách vẽ ngôn ngữ cải biên như Sát thủ đầu mưng mủ còn bị tạm ngưng phát hành và thu hồi. 

Theo NXB Kim Đồng, tại Việt Nam, thị trường truyện tranh Việt rất thiếu vắng tác phẩm Việt. Có tới 70% là manga của Nhật, 20% đến từ các nước khác và chỉ có 10% là truyện tranh thuần Việt. Còn theo khảo sát của Waka, mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu người Việt thường xuyên đọc truyện tranh, tương đương doanh thu từ ngành này khoảng 4 triệu đô la/năm. Thậm chí cho đến thời điểm này, cảnh các bạn trẻ chờ đợi từng tập mới của các tác phẩm truyện tranh nước ngoài từng giờ vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí các cuộc săn lùng những bộ truyện cũ để sưu tập, trao đổi… luôn xôn xao trên mạng. Những điều này khiến người ta càng cảm thấy tiếc nuối cho ngành sáng tạo truyện tranh Việt vẫn giậm chân tại chỗ. 

Nói như vậy để thấy, tiềm năng của thị trường truyện tranh đến thời điểm hiện tại vẫn là rất lớn và chưa được khai thác đúng mực. Thị trường này thời gian gần đây cũng dịch chuyển từ dạng ấn bản cứng sang định dạng xuất bản online với lượng độc giả đông đảo, không chỉ là thiếu nhi mà còn có rất nhiều người trưởng thành. 

Hy vọng cho truyện tranh thuần Việt
Đứng trước hiện trạng đáng tiếc trên, nhiều cuộc hội thảo, thậm chí gợi ý đưa ra quyết sách để thị trường truyện tranh Việt phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có. Theo khảo sát của Waka, hơn 90% người trả lời cho biết nội dung hấp dẫn là lý do quan trọng nhất quyết định việc độc giả có tiếp tục theo dõi một bộ truyện hay không. Nét vẽ đẹp, hợp lý là yếu tố khiến hơn 80% người đọc muốn tiếp tục theo dõi bộ truyện. Trong khi đó, số ít quan tâm đến mức độ nổi tiếng của tác giả và các yếu tố truyền thông, quảng cáo. Cũng vì thế, ngoài đề tài lịch sử và các tác phẩm kinh điển, gần đây, một số tác giả truyện tranh Việt đã dấn thân vào đề tài kinh dị, tình cảm, giả tưởng... phục vụ nhu cầu đọc ngày càng phong phú.

Họa sỹ Phan Nguyễn, một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyện tranh, tác giả “Những chiến binh sao vàng” cho biết, Việt Nam có nhiều họa sỹ giỏi và không thiếu những họa sỹ đam mê lĩnh vực này. Thậm chí, còn là nơi gia công lớn cho những nền truyện tranh, hoạt hình tiếng tăm thế giới như: Nhật Bản, Mỹ… Đáng tiếc là sân chơi cho các họa sỹ nuôi dưỡng đam mê truyện tranh chưa nhiều, các họa sĩ làm việc nhỏ lẻ, cá nhân, trong khi đó để sáng tạo bộ truyện cần cả một ekip lớn. 

Thực tế, họa sĩ Việt rất giỏi, tài năng thậm chí không thua kém họa sĩ các nước. Nhiều người có các dự án quốc tế nhưng khâu kịch bản cho truyện tranh thì rất yếu. Người viết tốt lại không mặn mà với truyện tranh mà hướng đến sáng tác văn chương nhiều hơn, thậm chí ít đọc hoặc không đọc truyện tranh. Người vẽ truyện tranh thì tư duy sáng tác, viết lời cho truyện lại không có”. 

Cũng trong vòng quan điểm này, nhiều người cho rằng Việt Nam có cơ sở để xây dựng nền công nghiệp truyện tranh nếu được đầu tư đúng hướng. Bởi, thứ trước tiên cần là nhân tài thì chúng ta không phải không có, chỉ là phải biết tập hợp họ, xây dựng đội ngũ cùng chiến lược phát triển tốt. Theo họa sỹ Phan Nguyễn, để làm được việc đó trước hết phải bắt đầu từ trường học. “Để một nền truyện tranh mang đậm những yếu tố thuần Việt phát triển như chúng ta mong muốn, tôi nghĩ rằng, giống như việc trồng cây, chúng ta nên chú trọng đặc biệt tới việc vun đắp từ ngành học truyện tranh ở các trường đại học về mỹ thuật, để việc vẽ truyện tranh thực sự là một ngành công nghiệp, bài bản chứ không phải chỉ là môn học đại cương qua loa như hiện nay. Quan tâm xây dựng những êkip truyện tranh, có những đãi ngộ tốt (ví dụ như nhuận bút), khuyến khích, đánh giá đúng mực về nghề mới khích lệ được các họa sỹ truyện tranh theo đuổi đam mê” - Phan Nguyễn nói thêm

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục