Từ 1/1/2025 tăng giá vé tham quan nhiều di tích, bảo tàng tại Hà Nội
(PNTĐ) - Theo Nghị quyết số 44/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nhiều điểm di tích, công trình văn hóa và bảo tàng trên địa bàn Thủ đô sẽ áp dụng mức phí tham quan mới từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, mức thu phí tại Bảo tàng Hà Nội chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một (từ 1/1/2025 đến khi dự án trưng bày hoàn thành) là 30.000 đồng/người/lượt và giai đoạn 2 (sau khi hoàn thành dự án trưng bày) là 50.000 đồng/người/lượt.
Tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội điều chỉnh tăng phí tham quan từ 70.000 đồng lên 100.000 đồng/người/lượt, áp dụng thống nhất cho cả du khách trong nước và quốc tế.
Cả hai địa điểm này đều miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi và người khuyết tật đặc biệt nặng. Đồng thời giảm 50% giá vé cho nhiều đối tượng như người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên từ 16 tuổi, người khuyết tật nặng và các đối tượng chính sách.
Từ 1/1/2025, Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài) sẽ chính thức mở cửa đón khách. Di tích này vừa được bàn giao từ Bộ Quốc phòng về Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vào ngày 25/12/2024. Sự kiện này mở ra cơ hội cho du khách tham quan và tìm hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử của công trình đặc biệt này.
Tại quận Hoàn Kiếm, có hai điểm di tích tiêu biểu sẽ bắt đầu thu phí từ ngày 2/1/2025 đó là Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây và Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm. Mức phí áp dụng là 20.000 đồng/người/lượt do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội trực tiếp thu và quản lý. Chính sách miễn giảm phí cũng được áp dụng tương tự như các điểm di tích khác.
Để khuyến khích người dân tham quan và tìm hiểu di sản văn hóa, vào Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), tất cả các di tích trên địa bàn Thủ đô sẽ mở cửa miễn phí cho người dân và du khách tham quan.
Việc điều chỉnh giá vé tại các điểm di tích không chỉ nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng như tạo nguồn kinh phí để tái đầu tư cho công tác bảo tồn di sản, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn di sản văn hóa, tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, nhằm góp phần phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Qua đó, Hà Nội cũng kỳ vọng sẽ tạo được nguồn lực tài chính bền vững cho công tác bảo tồn di sản, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm di tích, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến.