Văn đàn Việt Nam mất đi một cây đại thụ
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giản dị, hiền lành, nhút nhát, ít nói trong mắt bạn bè, nhưng với văn chương, ông là người quyết liệt, sắc sảo, cần mẫn... Ông qua đời ngày 20/3, để lại nỗi buồn và sự tiếc nuối cho những người thân, người bạn, cũng như những độc giả yêu văn chương.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Hiện tượng “độc nhất vô nhị”
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên… Ông tốt nghiệp khoa Sử trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970, làm thầy giáo trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được xem là một “hiện tượng hiếm” của văn đàn Việt Nam. Ông viết đa dạng về thể loại bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch... với đề tài phong phú, từ lịch sử đến cổ tích, huyền thoại, từ xã hội Việt Nam đương đại đến chân dung tầng lớp những cựu chiến binh, người lao động... Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp gây ấn tượng bởi góc nhìn lạ, cách đặt vấn đề và lối viết hấp dẫn, độc đáo.
Tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng với các tác phẩm truyện ngắn như: “Tướng về hưu”, “Muối của rừng”, “Không có vua”, “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”, “Sang sông”… và bộ ba truyện ngắn lịch sử gồm: “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”. Ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã được xuất bản gồm: “Tiểu long nữ”, “Gạ tình lấy điểm”, “Tuổi 20 yêu dấu”.
Trong đó, tác phẩm “Tướng về hưu” và “Thương nhớ đồng quê” của ông đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và cũng đã gây tiếng vang… “Tướng về hưu” được phổ biến lần đầu vào tháng 6/1987 trên báo Văn nghệ. Lúc bấy giờ, Nguyễn Huy Thiệp là nhân viên Công ty Sách - thiết bị trường học thuộc Bộ Giáo dục. Tác phẩm trở thành chủ đề bình phẩm, tranh luận của đông đảo công chúng cũng như những nhà nghiên cứu phê bình văn học nổi tiếng.
Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng được dịch sang nhiều ngôn ngữ như: Pháp, Anh, Italy, Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia...
Văn đàn Việt Nam mất một ngôi sao sáng
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để lại một khoảng trống, sự hụt hẫng đối với giới văn chương Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, ông đã mất đi một bạn văn lớn - người chia sẻ với ông rất nhiều về bút pháp, về vị trí và vai trò của nhà văn trong xã hội. “Sự ra đi của anh, tạo ra một lỗ thủng đối với văn đàn Việt Nam” - ông nói.
Theo nhận định của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Huy Thiệp là một tiếng nói đầy khác biệt. Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vừa có giá trị tư tưởng, vừa có giá trị nghệ thuật lớn nhờ giọng văn đặc biệt, các chi tiết sắc nét, cách cấu tứ nhân vật có hơi thở, màu sắc riêng. Ông đã chạm vào những vấn đề liên quan đến vận mệnh, đời sống của dân tộc, đòi hỏi những nhà văn có lương tri, lương tâm nhìn vào. “Những tầng lớp mà Nguyễn Huy Thiệp đặt vấn đề xây dựng, cấu tạo nhân vật, đại đa số là những tầng lớp lao động, đói khổ, những người dưới đáy xã hội… hay những nhân vật có tính chất ước lệ… đã phản ánh bản chất của những con người có thật trong xã hội…” nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.
Nhà văn Trần Thị Trường gọi ông là “người viết truyện ngắn xuất sắc” trong một giai đoạn dài của văn học Việt Nam. Nhà văn Uông Triều khẳng định, trong văn học Việt Nam đương đại, ngôi sao sáng nhất là Nguyễn Huy Thiệp.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, thời kỳ 1985-1996, ở mảng truyện ngắn, không ai viết hay hơn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Giọng văn của ông có chất riêng, ngắn gọn, sắc nét, không dông dài. Và thật tiếc nuối khi nền văn học nước nhà mất đi một cây đại thụ.
Điều đặc biệt là quyết liệt, sắc nét trong văn chương, nhưng theo nhận xét của bạn bè, ông là người ít nói, hiền lành, nhút nhát. Trong những cuộc gặp với bạn bè, Nguyễn Huy Thiệp thường chỉ ngồi quan sát, lắng nghe.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn tập viết, tập vẽ trong khoảng thời gian mắc tai biến. Theo lời kể của anh Nguyễn Huy Khoa - con trai út của nhà văn - khi còn khỏe mạnh, ông thường chong đèn viết lách đến khuya. Dù đã tuyên bố ngừng nghiệp viết từ năm 2015 nhưng ông vẫn âm thầm viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch...
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Có sức ảnh hưởng và đóng góp nhiều cho nền văn học nước nhà nhưng ông chưa có được một giải thưởng văn học chính thức.
Ông là một trong 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát”. Thế nhưng, không đợi được đến ngày xét tặng Giải thưởng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mãi ra đi, để lại trong lòng người hâm mộ một khoảng trống khó lấp.
HỒNG TIÊN