20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể:

Văn hóa tự tin hội nhập từ sức sống của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm nay, tại Lễ hội Đền Hùng, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Sau 20 năm thực hiện công ước, 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay đã khẳng định sức sống của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, giúp chúng ta có thêm sự tự tin văn hóa để hội nhập tốt hơn với thế giới...

Văn hóa tự tin hội nhập từ sức sống của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - ảnh 1
Khai mạc lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa du lịch đất Tổ năm 2023. Ảnh: P.V

Lan tỏa thông điệp về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Sau hơn 10 năm được ghi danh, đánh giá lại nỗ lực trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên - dân tộc mình, chúng ta nhận thấy rằng, tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện rất thành công nhiều hoạt động cụ thể. Tỉnh Phú Thọ đã ban hành chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tạo tiền đề cho việc xây dựng các kế hoạch, đầu tư nguồn lực cho di sản. Những đầu tư trong việc tu bổ, tôn tạo di tích, tạo ra những sản phẩm du lịch khai thác từ truyền thuyết liên quan đến Hùng Vương... thể hiện những quyết tâm đó. Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước. Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu; các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ. Hoạt động quảng bá giá trị của tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản và thực sự đã phát huy hiệu quả truyền thông... 

Kết quả là, sức sống của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong bối cảnh hiện nay đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, giúp chúng ta có thêm sự tự tin văn hóa để hội nhập tốt hơn với thế giới. Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu chính là một trong những minh chứng về niềm tự hào ấy. Tất cả giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai.

Nhiều hoạt động được tổ chức trong Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa du lịch đất Tổ
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023 diễn ra từ 21-29/4/2023 (mùng  2-10/3 âm lịch) được tỉnh Phú Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính mang tính cộng đồng sâu sắc. Lễ Giỗ Tổ diễn ra các nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức. 
Bên cạnh đó “Tuần lễ Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh”, Hội thảo quốc tế “Diễn đàn Du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam”, các hoạt động phần hội sôi động như: Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023 và Liên hoan Văn hóa ẩm thực đất Tổ; Hội chợ Triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc và các Hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng; triển lãm “Di sản Văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam”; biểu diễn Múa rối nước; biểu diễn “Hát Xoan làng cổ”; trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam; thi đấu các môn thể thao truyền thống... 
 

Trong quá trình bảo vệ và phát huy di sản, việc nghiên cứu, nhận diện, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nhiệm vụ rất quan trọng để chúng ta có thể bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của di sản đặc biệt này. Trong hồ sơ gửi UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, chúng ta đã có kế hoạch rất cụ thể như: Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, và cập nhật hàng năm. Mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các Hùng Vương với các cộng đồng trên địa bàn cả nước, và một số cộng đồng người Việt Nam thờ Hùng Vương ở một số nước; sưu tập dịch ra tiếng Việt các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, và những thứ tiếng nước ngoài khác liên quan đến Hùng Vương và thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu đã có từ trước đến nay; tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ…Tất cả các hoạt động này được tiến hành theo đúng tiến độ và đã lan tỏa được những thông điệp quan trọng về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Như vậy có thể thấy, chúng ta đã và đang hoàn thành rất tốt Công ước 2003 của UNESCO đối với di sản phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ. 

Cần có cách thức đưa di sản gần hơn đến giới trẻ 
Để phát huy hơn nữa những thành công này, chúng ta cần huy động hơn nữa nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững, đặc biệt là với giới trẻ như lời nhắn nhủ của ông Tim Curtis, Trưởng Ban Thư ký Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về  việc thực hiện Công ước 2003. 

Di sản nói chung, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng, chỉ có thể bền vững, có sức sống với sự đồng hành của toàn xã hội, trong đó có cộng đồng cư dân địa phương sở hữu di sản. Việc làm sinh động hơn, nhiều sản phẩm, hoạt động sáng tạo thể hiện được tinh thần, giá trị của thời đại Hùng Vương cũng cần được phát huy tốt hơn nữa. Làm được như vậy, chúng ta sẽ giúp tỏa sáng những giá trị của tổ tiên, trở thành hành trang vững chắc cho sự phát triển đất nước bằng những giá trị ấy. Như ở khía cạnh du lịch, để phát triển du lịch bền vững, với sự nổi trội của hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và cả ca trù nữa, Phú Thọ có thể tạo ra những loại hình và sản phẩm du lịch xoay quanh chủ đề này. Như vậy, xây dựng thương hiệu du lịch Đất Tổ, thành phố lễ hội về với cội nguồn kết hợp với trải nghiệm không khí núi rừng, suối khoáng, du lịch nông nghiệp, cộng đồng chắc chắn là những điểm nhấn, tạo ra sắc thái riêng, độc đáo cho du lịch ở Phú Thọ. 

Theo ông Tim Curtis, việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra thông qua sự chuyển giao giữa các thế hệ. Vì vậy hôm nay, điều chúng ta cần thực hiện là chú trọng đến việc giáo dục về tình yêu, tinh thần bảo vệ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản đến với thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ vô cùng quan trọng vì chính họ là tương lai của đất nước. Sự hiểu biết, yêu mến của họ đối với di sản văn hóa dân tộc sẽ thúc đẩy họ bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững hơn. Gần đây, tôi chứng kiến rất nhiều các bạn trẻ đã thành lập nên những câu lạc bộ yêu văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Những sáng tạo của họ đã thổi hồn cho truyền thống và di sản, giúp chúng có sức sống mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hiện nay. Truyền thống không phải là cái gì đó bất biến. Giữ gìn truyền thống có thể có nhiều cách khác nhau, từ việc bảo tồn nguyên vẹn, bảo tồn kế thừa hay bảo tồn phát triển. Mỗi cách bảo tồn có những điểm tích cực riêng. Giới trẻ chính là người góp sức để các quan điểm bảo tồn này phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại. 

Tuy nhiên, để làm được điều đó, đầu tiên, chúng ta cần làm cho thế hệ trẻ hiểu và từ đó yêu di sản văn hóa dân tộc. Chúng ta cần có cách thức để di sản đến gần gũi hơn, phù hợp hơn với nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ, chẳng hạn như qua hoạt động ngoại khóa, giáo dục địa phương, qua các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội (youtube, facebook, tiktok), qua việc tạo ra sự hấp dẫn trong các hoạt động của các khu di tích, bảo tàng... Làm được điều đó, chúng ta mới có thể giáo dục nhiều hơn về lòng tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc… thông qua những bài học sống động từ di sản, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.