Vĩnh biệt nhạc sĩ của những tình khúc Hà Nội sâu lắng

Chia sẻ

Hà Nội vừa bàng hoàng chia tay người nhạc sĩ với những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội - nhạc sĩ Phú Quang. Ông qua đời vào ngày 8/12, hưởng thọ 72 tuổi. Hà Nội không còn ông nhưng những tác phẩm viết về Hà Nội của ông sẽ còn mãi với thời gian, với Hà Nội.

1 Khi Phú Quang rời cõi tạm, người ta tổng kết trong gia tài của ông có khoảng hơn 600 ca khúc, trong đó có rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội. Chẳng phải bỗng dưng mà người ta gọi Phú Quang là nhạc sĩ của Hà Nội, bởi hiếm ai có nhiều tác phẩm nổi tiếng về Hà Nội như ông, kể sơ sơ cũng đến mấy chục bài được coi là “hit” như: Em ơi Hà Nội phố, Mùa Thu và em, Dương cầm lạnh, Lãng đãng chiều Đông Hà Nội, Tình khúc 24, Gửi đôi mắt, Đâu phải bởi mùa Thu...

Trong âm nhạc, có lẽ ít ai cũng có một Hà Nội rất riêng ở các sáng tác của mình như Phú Quang. Nghe các ca khúc của Phú Quang, dù là về phố hay về tình yêu, đều thấy được phần nào tâm hồn của một Hà Nội đầy trữ tình, lãng mạn, mộng mơ trong đó. Hà Nội trong âm nhạc Phú Quang dù vui hay buồn, dù lãng đãng hay hiện thực cũng đều nồng nàn một tình yêu, đều khắc hoạ nên những nét đẹp tinh tế, riêng nhất của Hà Nội mà không thể trộn lẫn với bất cứ vùng miền nào khác.

Chính những đóng góp đó đã giúp Phú Quang được phong tặng Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2014, được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng lớn năm 2020, tại Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ XIII - năm 2020. Ông cũng đang được xét giải thưởng Nhà nước với năm tác phẩm, chủ yếu là các tác phẩm về Hà Nội như: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị.

Nhạc sĩ Phú Quang gắn liền với những ca khúc viết về Hà Nội bình dị mà sâu lắngNhạc sĩ Phú Quang gắn liền với những ca khúc viết về Hà Nội bình dị mà sâu lắng (Ảnh: int)

Phú Quang từng nói với tôi về thời kỳ ông vào Sài Gòn sinh sống, nhờ những năm tháng xa Hà Nội mà ông yêu Hà Nội hơn. Mỗi khi từ Sài Gòn về đến Hà Nội, chỉ cần đến sân bay Nội Bài thôi là ông đã ngửi thấy cái “mùi Hà Nội” quá đỗi thân thương và bình yên.

Tất cả những yêu thương, nhớ nhung ấy Phú Quang đều chuyển tải thành những sáng tác mang một tâm hồn Hà Nội vô cùng sâu lắng. Cái công lớn của Phú Quang với Hà Nội không chỉ là sáng tác được những ca khúc hay về Hà Nội mà là khiến người ta yêu hơn một Hà Nội, nhớ hơn một Hà Nội trữ tình, nồng nàn và sâu lắng…

Bằng chứng là mỗi đêm nhạc Phú Quang đều cháy vé, dù là tổ chức 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm, dù là 1 năm ông tổ chức 1 lần, 2 lần hay 3 lần. Có người bảo vì ông khéo có mối quan hệ tốt, nên nhiều đơn vị ủng hộ. Điều đó không hẳn là sai, nhưng sẽ chẳng có ai ủng hộ được 1 năm đôi ba lần và hết năm này qua năm khác như vậy.

Nếu từng ngồi giữa khán phòng các đêm nhạc Phú Quang sẽ biết rằng, người mua vé đại đa số là những người mê nhạc Phú Quang bỏ tiền túi ra mua. Họ yêu nhạc Phú Quang, yêu Hà Nội trong nhạc Phú Quang và muốn được dành thời gian lắng hồn mình trong những đêm nhạc ấy để tìm những cảm xúc về Hà Nội, về tình yêu - nơi họ đang sinh sống.

Với nghệ sĩ hát nhạc Phú Quang, ông nổi tiếng là khó tính bởi lý do: không thích ai hát phá cách nhạc của mình. Ông từng cho nghệ sĩ nổi tiếng “nghỉ” hát nhạc ông vì hát phá cách. Ông muốn nghệ sĩ phải thể hiện những gì “nguyên bản” do ông viết ra bằng cảm xúc của mình.

Có nhiều người không thích điều đó, cho rằng cái Tôi của ông quá lớn. Nhưng rồi cuối cùng các đêm nhạc cháy vé của ông đã minh chứng rằng, cảm xúc và sự giản dị chính là “điều giản dị” của âm nhạc đến thẳng trái tim người nghe. Hà Nội trong âm nhạc Phú Quang cũng vậy, không màu mè, không hào nhoáng, hết sức giản dị mà vô cùng sâu lắng, lãng đãng mà nồng nàn khiến người ta càng nghe càng yêu da diết.

2 Nhiều người bày tỏ hẫng hụt khi Phú Quang rời cõi tạm. Trong đó có nỗi lo lắng sau này sẽ không còn có ai viết về Hà Nội say đắm như Phú Quang nữa. Thực tế, Thủ đô Hà Nội vốn là cảm hứng bất tận của rất nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bởi vậy, hầu như nghệ sĩ, nhạc sĩ nào của Hà Nội cũng có tác phẩm về Hà Nội, đặc biệt là trong âm nhạc.

Nhờ vậy mà kho tàng âm nhạc Việt Nam có một mảng rất đồ sộ các sáng tác về Hà Nội. Hội Âm nhạc Hà Nội còn có hẳn một chương trình thường niên “Tình yêu Hà Nội” để tôn vinh những sáng tác nổi bật về Hà Nội. Mỗi nghệ sĩ một màu sắc khác nhau cùng khắc hoạ nên vẻ đẹp con người, cảnh sắc Hà Nội ở nhiều khía cạnh, từ những tháng năm anh dũng bất khuất của quân và dân Thủ đô đứng lên giành độc lập đến những năm tháng hoà bình, phát triển sau này với biết bao cung bậc cảm xúc, bao niềm thương nỗi nhớ, bao yêu thương, trân trọng… Thế nên, người ta nói có thể đi “du lịch” Hà Nội qua các bài hát là vì vậy.

Dẫu vậy, vẫn phải ghi nhận một điều, người viết về Hà Nội nhiều và có nhiều tác phẩm nổi bật như Phú Quang lại không nhiều. Từ lâu, người ta vẫn luôn mong đợi sẽ có những người tiếp nối Phú Quang, coi viết về Hà Nội là bổn phận của mình và đem đến cho Hà Nội những tác phẩm bất hủ. Điều đáng mừng là ngày hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục có thế hệ nhạc sĩ trẻ “đắm đuối”và “loanh quanh” với Hà Nội. Họ đem một Hà Nội với hơi thở mới, đầy tinh thần thời đại vào các sáng tác của mình, toát lên một sức trẻ, một tình yêu Hà Nội theo cách rất trẻ như các sáng tác của nhạc sĩ Giáng Sol, Nguyễn Đức Cường hay Đinh Mạnh Ninh…

Hà Nội sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận của âm nhạc, Hà Nội đã, đang và vẫn sẽ có những sáng tác mới về mình, có rất nhiều tác phẩm hay đang nằm ở thì tương lai. Nhưng, cũng vì thế mà Hà Nội sẽ chẳng thể nào quên được Phú Quang cùng những tác phẩm bất hủ về Hà Nội của ông.

TÙY DUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.