Xây dựng đời sống văn hóa từ hương ước, quy ước
(PNTĐ) - Trong những năm qua, việc xây dựng hương ước, quy ước tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô được thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào chiều sâu. Qua đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Ảnh: MV
Phát huy vai trò tự quản
Ông Bùi Văn An, Trưởng thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh chia sẻ, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong thôn Mạch Tràng trong thời gian qua đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Hương ước, quy ước đã có tác dụng duy trì lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng làng, xã, giúp hạn chế, đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh. Khi hương ước, quy ước đi vào cuộc sống, ý thức của người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa.
“Người dân nghiêm chỉnh chấp hành bởi hương ước chính là bản cam kết “mềm” do cộng đồng dân cư đề ra, được lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi người và đồng thuận thực hiện. Điển hình như việc triển khai việc tang văn minh hiện nay có 4 nội dung: Xóa bỏ hủ tục; tổ chức tang ngắn gọn, đơn giản; không ăn uống tràn lan, linh đình; thực hiện hỏa táng”, ông Bùi Văn An cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng chia sẻ: Quận đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng, thực hiện quy ước (Quận uỷ ban hành 3 văn bản, UBND quận ban hành 6 văn bản); chỉ đạo thực hiện lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch dài hạn, hằng năm của Quận uỷ - UBND quận như: Kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kế hoạch xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị; kế hoạch xây dựng “Tổ dân phố Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh”, kế hoạch đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,…
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Quận uỷ, UBND quận Long Biên cũng tập trung cho công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục với phương châm đủ về nội dung, đa dạng về hình thức: Đài truyền thanh phường, Cổng thông tin điện tử quận, phường đăng tải các tin, bài về hoạt động triển khai quy ước… Nội dung của các quy ước cơ bản đảm bảo theo hướng dẫn, không trái với quy định pháp luật, quy tắc đạo đức xã hội, lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và phù hợp với các phong tục, tập quán nét đẹp của địa phương. Hầu hết các quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa trong trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Các quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể cộng đồng; bố cục ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Hiệu quả trong xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở
Tại huyện Thanh Oai, hương ước, quy ước làng xã đã tạo được hiệu quả đáng kể trong việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở. Cũng nhờ việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước làng xã mà huyện Thanh Oai đang đứng đầu thành phố về các danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90%. Tỷ lệ làng văn hóa đạt trên 86,4% trong khi toàn thành phố đạt 62%. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công 2 mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” đầu tiên của Hà Nội. Hương ước, quy ước làng xã đã giúp người dân giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của ông cha từ lễ hội đến những nghi thức cúng tế hay nét đẹp văn hóa trong việc cưới, việc tang.
Đến nay, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố ở huyện Chương Mỹ đóng góp tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội; giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư và hình thành các giá trị văn hóa mới, tiến bộ. Trên địa bàn huyện, các đám cưới, đám tang và lễ hội được quan tâm thực hiện theo nếp sống văn minh, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. Các lễ hội trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống của từng địa phương.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, tại nhiều địa phương, việc thực hiện hương ước, quy ước được xác định là một giải pháp tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Việc thực hiện hương ước, quy ước còn phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.