Ý nghĩa hình tượng Rắn thần Naga

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hình tượng rắn thần Naga có nguồn gốc từ Ấn Độ, được người Khmer và Chăm kế thừa, lưu dấu trong những ngôi chùa và tháp cổ của Việt Nam. Khác với nhiều dân tộc, người Khmer không sợ hãi rắn mà rất tôn kính loài vật này. Với họ, rắn là linh vật, là hiện thân của thần và gắn bó với văn hoá Phật giáo.

Hình tượng rắn thần Naga trong văn hoá Khmer

Tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, nơi có đông người Khmer sinh sống, mỗi ngôi chùa được xem là bảo tàng về nghệ thuật kiến trúc. Những ngôi chùa ở đây thường có biểu tượng rắn nhiều đầu được trang trí ở các góc mái, cổng rào, lan can, cột cờ... , thông thường là hình tượng rắn hổ phình mang, nhiều đầu, thường là số lẻ 5, 7, 9 đầu nhưng phổ biến nhất ở con số 7.

Trong tiếng Phạn, "Naga" có nghĩa là rắn lớn. Linh vật này có nguồn gốc từ Hindu giáo. "Naga", gốc tiếng Phạn, là một vị thần hay một sinh vật có hình dạng là con rắn hổ mang bành chúa. Nó được thấy trước hết trong truyền thống văn hóa Hindu và sau đó rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á.

Ý nghĩa hình tượng Rắn thần Naga - ảnh 1
Tượng rắn Thần Naga.

Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Naga được phiên âm là Na-già, được đồng nhất với rồng (long) và trong từng tọa độ địa lý - lịch sử, nó lại tích hợp với những tín niệm bản xứ để trở thành những linh vật, hoặc linh thần, với nhiều đặc điểm và tính chất phức tạp.

Với người dân miền Tây, rắn Nagar được gọi là Niệk. Có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc ra đời của rắn Nagar, trong đó có thể kể đến truyền thuyết lập quốc của người Khmer.

Theo đó, Kampu – vị vua đầu tiên lãnh đạo Vương quốc Chân Lạp là người được nhân dân yêu mến, sùng kính như vị thần. Thời trẻ, trong lần vượt biển sang đất nước của những hòn đảo, ngài gặp con gái vua rắn Naga, là một cô gái thông minh, xinh đẹp.

Vua rắn Naga đã tổ chức kén rể cho con gái, và Kampu đã vượt qua các chàng trai khác để kết hôn với công chúa. Cùng với vợ, Kampu đã lãnh đạo thần dân, kết nối các bộ lạc và lập nên Vương quốc Chân Lạp. Với lòng biết ơn công chúa Naga, khi xây dựng các cung điện, đền thờ, chùa chiền, các công trình tâm linh, các vị vua sau này đều đắp tượng rắn Naga để thờ, xem như vị thần canh giữ chốn linh thiêng.

Ngày nay, trong kiến trúc nhiều ngôi chùa của người Khmer, các phù điêu Naga được đặt ở nơi mái cuốn với ý nghĩa nhằm trừ tà, phòng tránh hỏa hoạn và bảo vệ Đức Phật. Phong tục thờ rắn Nagar còn xuất phát từ sự giao thoa gịữa tín ngưỡng Phật giáo và môi trường sống của người Khmer. Khi khai hoang vùng đất Nam Bộ xưa, người Khmer sinh sống trên vùng đất ẩm thấp, nhiều rừng rậm. Đây là môi trường thích hợp với các loài bò sát như rắn, cá sấu... quy tụ về sinh sống, được người Khmer thuần hoá.

Ý nghĩa hình tượng Rắn thần Naga - ảnh 2
Tượng Naga ở Indonesia.

Trong văn hóa của người Khmer, đạo Phật luôn thể hiện sự nhân đạo và rắn Nagar đã được Đức Phật cảm hóa. Việc đưa hình tượng này vào các ngôi chùa thể hiện việc Đức Phật cảm hóa cái ác. Chùa là nơi để học đạo, cải hóa người không tốt thành người tốt.

Rắn thần Naga trong đạo Phật

Phật thoại có kể lại câu chuyện sau: Vào tuần thứ sáu sau khi thành đạo, từ cây Ajapala, Đức Phật sang cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm quả vị giải thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi vùn vụt suốt nhiều ngày.

Vào lúc ấy, mãng xà vương Mucalinda, từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật bảy vòng và khum đầu to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Đức Phật. Đến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại, Mucalinda tháo mình trở ra, bỏ hình rắn và hiện thành một thanh niên, chắp tay đứng trước mặt Đức Phật.

Ý nghĩa hình tượng Rắn thần Naga - ảnh 3
Tượng Naga và Kim Sí Điểu của người Chăm ở Việt Nam thế kỷ thứ X.

Người Khmer, cho rằng mỗi hình ảnh điêu khắc về rắn Naga có kết cấu, họa tiết số lượng đầu, ý nghĩa khác nhau, như rắn Nagar 3 đầu tượng trưng cho thiên – địa – nhân, 5 đầu theo thuyết ngũ hành kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu là con đường siêu thoát, sự bất tận, con đường dẫn lên thiên đàng. Trong đó, hình tượng rắn Nagar 7 đầu còn biểu trưng cho quyền lực.

Rắn thần Naga trong sự giao thoa văn hóa Chăm - Khmer

Ở Bình Định, cụm tháp Dương Long (Tây Sơn) là nơi có nhiều phù điêu rắn Naga nhất, cho thấy sự giao thoa kiến trúc giữa văn hóa Chăm và Khmer. Trong cuốn Theo dấu các vương triều, TS. Lê Đình Phụng lý giải ảnh hưởng này xuất phát từ các cuộc chiến tranh giữa vương quốc Champa và Angkor thế kỷ XII-XIII, khi người Khmer đưa tín ngưỡng thờ rắn vào kiến trúc tháp Chăm.

Bình Định, nơi từng là kinh đô Vijaya của vương triều Champa, là nơi văn hóa Champa đạt đỉnh cao về nghệ thuật và kiến trúc. Rắn Naga với ý nghĩa về tái sinh và nguồn nước – khởi nguồn của sự sống – đã khắc sâu vào văn hóa Champa, trở thành một phần không thể thiếu trong di sản vùng đất này.

Ý nghĩa hình tượng Rắn thần Naga - ảnh 4
Tượng đức Phật được Naga 7 đầu che mưa là một mô típ phổ biến trong kiến trúc chùa chiền Khmer.

Tượng rắn Naga tại tháp được chạm khắc một cách tinh xảo và đa dạng, từ chân tháp, cửa chính đến cửa giả. Các dạng rắn Naga phổ biến bao gồm rắn 5 đầu, 3 đầu và 1 đầu, tất cả đều cầu kỳ và đậm đặc. Hình tượng rắn Naga ở tháp Dương Long phản ánh quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người Chăm, Ấn Độ và Khmer. Dưới bất kỳ hình dạng nào, rắn Naga vẫn là biểu tượng của nguồn nước và quyền năng thiên nhiên ban tặng.

Tỉnh Bình Định đã quyết định chọn rắn thần Naga làm linh vật trong năm Ất Tỵ 2025. Điều này thể hiện khát vọng của địa phương về sự phát triển mạnh mẽ, kế thừa di sản để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt MV “Việt Nam đón mừng Vesak” chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2025

Ra mắt MV “Việt Nam đón mừng Vesak” chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2025

(PNTĐ) - MV ”Việt Nam đón mừng Vesak” là tâm huyết mà nhạc sĩ – ca sĩ Diệu Đan đã ấp ủ và thực hiện gấp rút trong thời gian 5 ngày. Cảnh quay chính của MV được ghi hình tại 2 địa điểm chính là chùa Quán Sứ và chùa Tam Chúc (Tỉnh Hà Nam), và một số cảnh quay tại các chùa, tự viện ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Minishow “Linh Bộ Đội” – Hành trình nối dài ngọn lửa Rock Đỏ và tình yêu Tổ quốc

Minishow “Linh Bộ Đội” – Hành trình nối dài ngọn lửa Rock Đỏ và tình yêu Tổ quốc

(PNTĐ) - Sau 15 năm kể từ ngày phát hành album Bộ Đội – dự án đầu tiên tại Việt Nam Rock hóa nhạc đỏ – Thái Thùy Linh sẽ trở lại sân khấu với một đêm nhạc đặc biệt mang tên Linh Bộ Đội. Minishow sẽ diễn ra vào ngày 3/5 tại Polygon Music, Hà Nội, ngay sau đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước.
OPlus trẻ hóa nhạc đỏ, sáng tác về Bác Hồ với tâm thế người trẻ

OPlus trẻ hóa nhạc đỏ, sáng tác về Bác Hồ với tâm thế người trẻ

(PNTĐ) - Dự án âm nhạc mang tên #VN1945 của nhóm Oplus vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của khán giả với cách hát nhạc cách mạng mới mẻ, trẻ trung. Đặc biệt, tâm nguyện thực hiện một dự án có mở đầu nhưng không có… kết thúc, nối dài mãi tình yêu nhạc đỏ của nhóm được đông đảo nghệ sĩ, khán giả hưởng ứng.
Phát hành bộ tem Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Phát hành bộ tem Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

(PNTĐ) - Nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)".