Biến rác thải nhựa thành bàn ghế yêu thương

Chia sẻ

Hàng ngày, con người thải ra môi trường không ít rác thải nhựa. Thời gian phân hủy của chúng có thể kéo dài hàng trăm, hàng ngàn năm. Nếu vứt bừa bãi, rác thải nhựa sẽ khiến môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng nếu biết tận dụng, tái chế rác thải nhựa sẽ biến thành vô số sản phẩm bền, đẹp, hữu ích, thân thiện với môi trường.

Từ suy nghĩ ấy, đoàn viên Thanh niên Hội LHPN Hà Nội đã phát động phong trào: Thu gom, tái chế rác thải nhựa thành bàn ghế tặng các em học sinh.

Đồng chí Nguyễn Thị Diệu Linh - Bí thư Chi đoàn Hội LHPN Hà Nội (đứng giữa) cùng dại diện Đoàn khối các cơ quan Hà Nội trao tặng sách và bộ bàn ghế làm từ nhựa tái chế cho đại diện trường mầm Non Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội).Đồng chí Nguyễn Thị Diệu Linh - Bí thư Chi đoàn Hội LHPN Hà Nội (đứng giữa) cùng dại diện Đoàn khối các cơ quan Hà Nội trao tặng sách và bộ bàn ghế làm từ nhựa tái chế cho đại diện trường mầm Non Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội). (Ảnh chụp từ đầu 2020).

Niềm vui từ bộ bàn ghế "100% nylon"

Còn nhớ những ngày đầu tháng 5/2020, khi lệnh giãn cách xã hội vì Covid-19 đã được gỡ bỏ, học sinh các trường, trong đó có các em nhỏ trường mầm non Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội) cũng bắt đầu đi học trở lại. Bên cạnh niềm vui được trở lại lớp, rất nhiều bạn nhỏ không giấu nổi sự tò mò, thích thú khi phát hiện sau “kỳ nghỉ Tết dài”, khuôn viên trường bỗng có thêm một bộ bàn ghế được làm từ những chai nước khoáng 500ml, bên trong màu sắc xanh đỏ rực rỡ xen kẽ... vô cùng lạ mắt. Đây là món quà do chính tay đoàn viên Chi đoàn thanh niên Hội LHPN Hà Nội trao tặng cho trường vào ngày 29/2/2020.

Bộ bàn ghế 100% nhựa tái chế ấy được đặt ngay ngắn trong lớp học, nơi được gọi là “góc văn học” hay “góc thư viện” - nơi trưng bày nhiều cuốn sách, truyện cho thiếu nhi. Đến nay, sau mỗi giờ ra chơi, nơi này dường như đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều em nhỏ.

 “Trẻ con rất tò mò, lúc nào cũng thích tìm hiểu. Nhất là mấy ngày đầu khi nhìn thấy có bộ bàn ghế mới, lũ trẻ thường tíu tít tranh nhau đặt câu hỏi, chẳng hạn: Cô ơi cái này có ngồi được không ạ? Cô ơi có phải cái này làm từ chai nước không? Bên trong đựng gì vậy cô?... 

Một nhóm các bạn nhỏ trường mầm non Bích Hòa vui vẻ ngồi đọc truyện trên bộ bàn ghế được làm từ 100% đồ nhựa, do đoàn thanh niên Hội LHPN trao tặng.Một nhóm các bạn nhỏ trường mầm non Bích Hòa vui vẻ ngồi đọc truyện trên bộ bàn ghế được làm từ 100% đồ nhựa, do đoàn thanh niên Hội LHPN trao tặng.

Nhờ vậy cô giáo cũng có dịp giới thiệu thêm với các con về bộ bàn ghế 100% làm từ rác nylon; đồng thời dạy các bạn nhỏ về tác hại của việc xả rác bừa bãi nói chung, đồ nhựa nói riêng ra môi trường; và nhắc nhở, hướng dẫn các bạn việc làm gì để bảo vệ môi trường sống. Bây giờ khi đã quen thuộc, bộ bàn ghế từ rác thải nhựa đã trở thành người bạn và nơi đọc sách thú vị của các bạn nhỏ trong trường” - cô giáo trường mầm non Bích Hòa chia sẻ.

Thoạt nhìn, tưởng như bộ bàn ghế 100% từ rác nylon được các em nhỏ trường mầm non Bích Hòa sử dụng khá đơn giản nhưng đã tiêu tốn gần 200 chai lọ. Mỗi chai (tùy kích thước) khi được lèn chặt nylon bên trong (tạo thành gạch ecobrick) cũng nặng từ 300-500gr. Có bắt tay vào việc mới thấy làm được 1 viên gạch ecobrick không hề dễ và tốn rất nhiều đồ nhựa.           

Để có thể thực hiện được chương trình làm “bàn ghế yêu thương”, trước tiên đoàn viên Chi đoàn Hội LHPN Hà Nội phát huy tinh thần “xung kích” bằng cách: mỗi người có ý thức tự giác, hạn chế sử dụng đồ nhựa; đồng thời vận động gia đình và người thân, hàng xóm không thải rác thải nhựa ra ngoài môi trường; chủ động thu gom rác thải nhựa, tạo thành những viên “gạch sinh thái”. Trước khi “tái chế”, từng chiếc túi nylon, đồ nhựa được các bạn đoàn viên giặt, rửa sạch và phơi khô, đảm bảo từng “viên gạch ecobrick” đạt chất lượng và có “tuổi thọ” cao.

Một buổi tái chế đồ nhựa thành gạch ecobrick để làm bàn ghế, tặng các bạn học sinh của đoàn viên Chi đoàn Hội LHPN Hà Nội. (Ảnh chụp từ 2019)Một buổi tái chế đồ nhựa thành gạch ecobrick để làm bàn ghế, tặng các bạn học sinh của đoàn viên Chi đoàn Hội LHPN Hà Nội. (Ảnh chụp từ 2019)

Lan tỏa thông điệp “sống xanh”

Có thể thấy tái chế gạch ecobrick làm khá cầu kỳ nhưng các bạn đoàn viên thanh niên Chi đoàn Hội LHPN Hà Nội thực hiện rất nhiệt tình, hăng hái vì thấy rằng đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường sống của Thủ đô ngày càng trong sạch, an toàn, phát triển bền vững; cũng là hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" do Hội LHPN phát động từ năm 2019; mô hình "5 không 3 sạch" do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động…

Quan trọng hơn đó là: Qua phong trào này, thông điệp “sống xanh”, mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa… được lan tỏa rộng rãi. “Từ việc đoàn viên tự thu gom, phân loại rác nhựa sinh hoạt hàng ngày, rất nhiều bạn giật mình khi nhận thấy mỗi người thải ra môi trường không biết bao nhiêu đồ nhựa một ngày (cả ở nhà và nơi làm việc…).

Dần dần, chính các bạn đoàn viên đã hình thành thói quen không vứt đồ nhựa bừa bãi ra môi trường. Thói quen tốt đó lại trở thành cầu nối hiệu quả để tuyên truyền, lan tỏa ý nghĩa của phong trào nói trên đến người thân, bạn bè xung quanh; là tấm gương để trẻ em noi theo” – đồng chí Nguyễn Thị Diệu Linh, Bí thư Chi đoàn thanh niên Hội LHPN Hà Nội cho biết.

Phát động phong trào thu gom rác thải nhựa của các bạn SV đại học Mỏ - Địa chất từ mô hình của Chi đoàn thanh niên Hội LHPN Hà Nội.Phát động phong trào thu gom rác thải nhựa của các bạn SV đại học Mỏ - Địa chất từ mô hình của Chi đoàn thanh niên Hội LHPN Hà Nội.

Đặc biệt, chỉ lan tỏa trong phạm vi gia đình, bạn bè, qua chia sẻ, kêu gọi trên mạng xã hội, phong trào thu gom rác thải nhựa làm gạch ecobrick để tái chế, biến chúng thành những bộ bàn ghế của Chi đoàn thanh niên Hội LHPN Hà Nội ngày càng được nhiều bạn trẻ ở Thủ đô và các tỉnh thành trên cả nước biết tới, ủng hộ.

Ngay sau khi phong trào chính thức phát động, nhiều bạn từ Nam Định, Thái Nguyên, thậm chí trong Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang... đã liên hệ để gửi chuyển phát “rác thải nhựa”, gửi cho Chi đoàn. Không chỉ trở thành địa chỉ “thu gom rác nhựa”, rất nhiều anh chị trong TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt trực tiếp gọi điện đề nghị được chia sẻ kinh nghiệm.

Tại Hà Nội, không ít mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa được hình thành từ phong trào của Chi đoàn TN Hội LHPN Hà Nội, chẳng hạn tại trường đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Từ chỗ thường xuyên thu gom, tự làm gạch ecobrick gửi tới Chi đoàn, một số thầy cô trong CLB Môi trường của đại học Mỏ - Địa chất sau này đã mở một chuyên mục phát động đến học sinh, sinh viên trên fanpage CLB.

Sau khi thu gom nylon và làm được thành gạch ecobrick, các bạn sinh viên tiếp tục phối hợp với Chi đoàn thanh niên Hội LHPN để cùng hoàn thiện sản phẩm, biến rác thải nhựa trở thành bộ bàn ghế hữu ích gửi tặng các em nhỏ. Tất cả đều cùng hướng tới mục tiêu: lan tỏa, hình thành thói quen hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.