"2 K" trong phòng, chống HIV/AIDS

Chia sẻ

PNTĐ-Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức chương trình tập huấn về chiến dịch truyền thông K = K (Không phát hiện = Không lây truyền) trong phòng chống HIV/AIDS.

 
Đây là sự kiện đầu tiên của chiến dịch K = K được tổ chức tại Hà Nội, với mục đích thúc đẩy nỗ lực kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS.
 
Ảnh minh họa

 
“Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable), là một thông điệp mới về lợi ích điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Tuyên bố đồng thuận U=U đã được hơn 782 tổ chức y tế tại hơn 95 quốc gia trên thế giới công nhận và thông qua.
 
Chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Paula Morgan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam thông tin: 3 nghiên cứu quan trọng - HPTN 052, PARTNER và Opposites Attract - đã theo dõi hàng ngàn cặp bạn tình ở nhiều quốc gia. Trong đó, đối tượng tham gia nghiên cứu là cặp bạn tình dị nhiễm: một người có HIV dương tính và người kia HIV âm tính. Nghiên cứu đã báo cáo về nguy cơ lây truyền HIV cho bạn tình khi người bạn tình có HIV dương tính đang điều trị ARV và đạt được ức chế virus.
 
Nghiên cứu PARTNER và Opposites Attract đã ghi nhận gần 70.000 hành vi quan hệ tình dục giữa nam với nam và nam với nữ của hàng ngàn cặp trong nhiều quốc gia. Mặc dù những cặp này không sử dụng bao cao su hay các biện pháp can thiệp khác, nhưng tỉ lệ lây truyền HIV từ bạn tình dương tính sang bạn tình âm tính bằng KHÔNG nếu bạn tình dương tính đạt được ức chế virus ổn định. Hơn nữa, kể từ khi điều trị phối hợp thuốc ARV cho người sống chung với HIV, không có bất kỳ báo cáo nào ghi nhận được bệnh nhân đạt được ức chế virus có thể lây truyền HIV qua quan hệ tình dục.
 
Bằng chứng khoa học đã cho thấy, nếu một người sống chung với HIV đạt ngưỡng ức chế virus ở mức không phát hiện được thì sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV sang cho bạn tình của họ.
 
Theo đó, tải lượng virus không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người có HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.
 
Từ ý nghĩa này cần xóa bỏ những kỳ thị cũng như mọi rào cản với người nhiễm HIV và nhóm người nguy cơ cao; đồng thời, động viên mọi cá nhân có nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV, để họ có thể được điều trị ARV sớm hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho những người âm tính, qua đó ngăn chặn sự lây truyền HIV.
 
Bác sỹ Đỗ Hữu Thủy, Phó phòng Dự phòng HIV/AIDS - Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam cho biết thêm, đến ngày 31/12/2018 cả nước có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó 2.150 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong. 63% số người nhiễm HIV ở Việt Nam lây nhiễm qua con đường tình dục, chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-49.
 
Đáng lưu ý, số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh; đặc biệt là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ tuổi (cả nước hiện có khoảng 170.000 nam giới có quan hệ tình dục đồng giới).
 
Trong khi đó, sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh quay trở lại trong nhóm trẻ. Hiện tại ở Việt Nam mới có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng sức khỏe của mình; khoảng 70% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.
 
Bởi vậy, TS.BS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo: với người nhiễm HIV/AIDS, để có thể thành công với công thức K=K, việc đầu tiên nên làm là bắt đầu điều trị ARV càng sớm càng tốt, sử dụng hàng theo chỉ định của cơ sở y tế. Sau khi người bệnh dùng thuốc, cơ sở điều trị sẽ lấy mẫu máu để xét nghiệm tải lượng virus, đếm số lượng HIV trong máu.
 
Có thể phải mất từ 1- 6 tháng tuân thủ điều trị ARV người bệnh mới đạt được tải lượng virus ức chế hay không thể phát hiện được (<200 copies/ml). Khi đó, người nhiễm “H” không thể lây truyền HIV cho bạn tình. Tuân thủ điều trị hàng ngày rất quan trọng để giữ cho tải lượng virus được ức chế và nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho người khác bằng KHÔNG.
 
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chứng minh rằng tuân thủ điều trị ARV và đạt được ức chế virus còn làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và trong thời gian cho con bú sữa mẹ. Vì thế, phụ nữ mang thai nếu là đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV cũng cần làm xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt rất để kịp thời điều trị ARV, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).