Áp lực bủa vây, giới trẻ có xu hướng ngại sinh con

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cùng với sự phát triển của xã hội, gánh nặng kinh tế, áp lực tinh thần và nhu cầu cuộc sống thay đổi khiến giới trẻ ngày càng có tâm lý “ngại” sinh con. Thực tế này đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến tương lai, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh Việt Nam đang già hóa dân số.

Áp lực bủa vây, giới trẻ có xu hướng ngại sinh con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Người trẻ không “dám” sinh con

Theo ThS.BS Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ cơ cấu “dân số trẻ” sang giai đoạn “già hóa dân số” và chuyển sang “dân số già”; từ cơ cấu “dân số phụ thuộc” sang cơ cấu “dân số vàng”.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân khiến mức sinh của Việt Nam giảm trong những năm gần đây là do chi phí nuôi trẻ ngày càng cao. Nhiều gia đình lựa chọn sinh ít để có thể nuôi dạy con tốt nhất. Đây cũng là lý do tỷ lệ sinh ở các thành phố lớn giảm. 

Trong một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam mới đây, 41% số người trẻ được hỏi cho biết, họ chưa muốn sinh con vì khả năng tài chính của mình chưa đủ để chăm sóc cho một đứa trẻ. Việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái đòi hỏi chi phí rất lớn, từ chi phí sức khỏe định kỳ, chi phí giáo dục cho đến thực phẩm và đồ chơi. Vì vậy, những người trẻ với thu nhập thấp thường gặp phải rào cản này và không muốn gánh thêm áp lực tài chính.

“Bên cạnh đó, thay vì quanh quẩn với câu chuyện “bỉm sữa”, nhu cầu hưởng thụ và mong muốn được khẳng định tài năng, có vị trí xã hội của giới trẻ ngày càng cao. Ngày càng có nhiều người trẻ chưa kết hôn cho biết không muốn sinh con sau khi kết hôn. Tỷ lệ này ngày càng tăng mạnh hơn cùng sự phát triển của thế hệ gen Z.

Nguyễn Minh (20 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) thổ lộ rằng: “Bố mẹ và người lớn trong gia đình luôn mong muốn sau khi tốt nghiệp đại học mình sẽ sớm ổn định công việc, lập gia đình và sinh con. Nhưng bản thân mình thấy không cần quá vội vàng. Mình có thể không được trải nghiệm hay làm hết những điều bản thân mong muốn nếu sinh con sớm. Việc sinh con cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sự nghiệp. Có con sẽ phải dành nhiều thời gian chăm sóc con trong khi bạn có thể dành thời gian đó tập trung vào công việc của mình.

Với những người đã có gia đình, việc sinh thêm con thứ 2, thứ 3 lại là một gánh nặng không chỉ về vật chất mà cả ở tinh thần. Chị Vũ Nguyệt (30 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Vợ chồng mình cũng được tính là dân “nhập cư” vào Hà Nội; cuộc sống phải tự bươn trải và không có sự giúp đỡ nhiều từ gia đình. Dù có công việc ổn định nhưng với tổng thu nhập hiện tại của hai vợ chồng khoảng 20 triệu, chỉ đủ để đáp ứng chi phí thuê nhà, ăn uống, khám chữa bệnh, cho con gái đi học… Vì thế, vợ chồng mình dù muốn cũng chưa dám nghĩ tới việc sinh thêm con thứ 2 bởi lo không đáp ứng được tài chính. 

Đấy là chưa kể có thể khi sinh con thứ 2, thứ 3, điều kiện kinh tế có thể xoay xở được thì còn đó nỗi lo về sự trưởng thành của các con: Lo chúng bệnh tật gì không, lo chúng hư hỏng, vướng vào nghiện ngập, ma túy, cờ bạc, đề đóm, cá độ bóng đá… Điều này còn đáng sợ hơn việc không có tiền để nuôi con khôn lớn”.

Cần có giải pháp “kích sinh” phù hợp từ bây giờ
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề mức sinh thấp, chênh lệch mức sinh giữa các vùng, GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) lý giải: “Chi phí nuôi con quá cao, nhất là về giáo dục, sức khỏe khiến người trẻ đang ngại sinh con. Trong khi đó, rất ít người khi được hỏi cho biết họ hy vọng rằng con cái sẽ giúp đỡ lại mình về kinh tế, việc làm, chăm sóc khi về già. Đặc biệt, nỗi lo về kinh tế còn không đáng lo bằng việc con cái sẽ vướng vào tệ nạn, hư hỏng trong bối cảnh xã hội hiện nay”. 

Bởi vậy, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, muốn tác động đến mức sinh sao cho phù hợp với sự phát triển, ngay từ bây giờ chúng ta cần có những chính sách hợp lý. Chẳng hạn điều chỉnh quy định về việc mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con trong Pháp lệnh dân số 2023 (sửa đổi, bổ sung năm 2028). Chúng ta thừa nhận mức sinh khác biệt theo vùng thì nên chăng cũng nên có chính sách linh hoạt tương ứng. Ví dụ như với quy định Đảng viên sinh con thứ 3, ở địa phương có tỷ lệ mức sinh cao thì có thể khiển trách, địa phương mức sinh thấp quá thì có thể không khiển trách để giúp hạn chế việc giảm mức sinh.

Đóng góp thêm vào giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh, hạn chế tình trạng mức sinh thấp hiện nay, TS.BS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cũng kiến nghị cần có nhóm chính sách với các giải pháp khác nhau về: Chăm sóc trẻ em, chính sách tại nơi làm việc, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ sinh sản.

Cụ thể, chúng ta cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình trẻ, đặc biệt chăm sóc trẻ em như y tế, nhà trẻ, hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, các chính sách cũng có thể nghiên cứu cải thiện chế độ nghỉ sinh cho người mẹ và người bố, thiết kế giờ làm việc linh hoạt (rút ngắn hoặc làm việc bán thời gian), cho phép nghỉ không lương có đảm bảo công việc khi quay lại; xây dựng chế độ tiền thưởng khi sinh con, hỗ trợ thuế, hỗ trợ tiền mặt hàng tháng với từng trẻ.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng (ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn), cơ quan chức năng cũng cần tính toán đến việc cải thiện ngân sách hỗ trợ cho thụ tinh nhân tạo, bảo hiểm vô sinh bắt buộc, tăng tính sẵn có của dịch vụ thụ tinh nhân tạo…

ThS.BS Mai Trung Sơn nhận định thêm: Công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng để thay đổi nhận thức của giới trẻ. Ngoài việc truyền thông về lợi ích của việc sinh con phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc; cũng cần cung cấp thông tin cho giới trẻ về yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh con ít với xã hội nói chung và với gia đình, chăm sóc bố mẹ khi về già…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

(PNTĐ) - Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

(PNTĐ) - Sáng 17/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công ty Fujifilm Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ; hợp tác triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa; tập trung nghiên cứu khoa học, trao đổi để tiếp cận công nghệ mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu.
Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).