Chuyển đổi số tạo đà phát triển y tế thông minh
Bài 1: Rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh
(PNTĐ) - Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đang trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn cầu và tại Việt Nam; nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đồng thời cải thiện quy trình nội bộ của cơ sở y tế. Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngành Y tế Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật cao vào điều trị, khám chữa bệnh... góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người dân, giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh.
Trong thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành y tế của Hà Nội là một trong những điểm sáng của ngành y cả nước. Việc triển khai hàng loạt giải pháp ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao chất lượng khám sức khỏe, đem lại lợi ích cho cả bệnh nhân và bệnh viện.
Đăng kí từ nhà, khám bệnh từ xa
Là một trong những đơn vị tiên phong của Hà Nội về áp dụng công nghệ vào hoạt động khám, chữa bệnh, đến nay, Bệnh viện (BV) Đa khoa Đức Giang đã triển khai số hóa được nhiều khâu: Từ quy trình tiếp đón, phân luồng sử dụng căn cước công dân gắn chip, face ID, đặt lịch khám theo mô hình khoang máy bay, đến liên thông dữ liệu giữa các khoa phòng, trả kết quả xét nghiệm online qua tin nhắn điện thoại, trả kết quả X-quang qua hệ thống PACS.
Theo TS.BS Trần Thị Oanh - Phó Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang, nếu trước kia quy trình khám chữa bệnh mất trung bình khoảng 4 tiếng, nhiều bệnh nhân phải đi xếp hàng lấy số từ sáng sớm, thì khi ứng dụng số hóa, quy trình khám chữa bệnh hiện nay tại BV Đức Giang chỉ mất trung bình khoảng 1h30 phút đến 1h45 phút, giảm được rất nhiều thời gian cho người bệnh.
Cụ thể, trước khi tới BV, người bệnh có thể chủ động đặt lịch khám từ nhà, chọn chuyên khoa, giờ khám theo nhu cầu của bản thân. Mọi thông tin lịch hẹn được cập nhật đến cửa tiếp đón và máy tính của bác sĩ, không còn có cảnh phải xếp hàng lấy số. Khi tới đăng ký khám, người bệnh có thể sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; tiếp đón qua định danh điện tử VNeID và hệ thống nhận diện khuôn mặt FaceID với thời gian tiếp đón vô cùng nhanh chóng. Chưa kể, tất cả các thông tin về đợt khám được tích hợp trong 1 phiếu khám bệnh duy nhất tạo thuận lợi cho người bệnh trong theo dõi và điều trị.
Đa phần bệnh nhân đi khám tại BV còn có thể kết thúc quy trình khám và nhận thuốc trong một buổi khám mà không phải chờ đợi trong ngày. Trước đây sau khi khám xong, nhận đơn thuốc từ bác sĩ, bệnh nhân sẽ phải xuống quầy, xếp đơn, chờ tới lượt gọi lấy thuốc. Nhưng bây giờ, sau khi khám tim mạch ở tầng 2, bác sĩ kết luận xong, bệnh nhân xuống quầy thuốc ở khu vực tầng 1 là đã có sẵn thuốc để nhận.
Nhằm giúp người bệnh được khám, chữa bệnh thuận tiện hơn, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội cũng triển khai mô hình 7 "Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ" tại 3 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc gồm: BV Đa khoa Đống Đa, BV Hòe Nhai, BV Đa khoa huyện Ba Vì. Người bệnh có thể tự đăng ký khám bệnh và thanh toán phí thông qua sử dụng thông tin CCCD gắn chip. Đặc biệt, sau khi cung cấp CCCD trong lần đầu khám bệnh cùng hình ảnh khuôn mặt, thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân (có ảnh)... những lần khám sau, người bệnh không cần phải mang nhiều giấy tờ vì các thông tin đã được lưu trước đó, chỉ cần nhận diện khuôn mặt.
Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chẳng những người dân có thể đăng ký lịch khám từ nhà, mà còn được chẩn đoán, tư vấn và chỉ định điều trị kịp thời từ xa, bởi đội ngũ chuyên gia ở các BV tuyến trên. Điển hình như tại BV Phụ sản Hà Nội - một trong những BV đầu tiên của ngành Y tế Thủ đô triển khai KCB từ xa (telehealth). TS Mai Trọng Hưng - Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội thông tin: Trong 3 năm triển khai telehealth (2020-2023), BV đã “phủ sóng” kinh nghiệm tới 10 BV tuyến tỉnh, 37 BV tuyến huyện, 30 trung tâm y tế. Qua các buổi hội chẩn từ xa của BV đã cứu sống được nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh ngay tại tuyến dưới. Việc hội chẩn còn giúp đưa ra các phác đồ chung cho các bệnh lý của chuyên ngành sản khoa như: Tiền sản giật, doạ đẻ non, hội chứng truyền máu song thai, dị dạng sinh dục...
Ứng dụng hiệu quả bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử
Cũng tại BV Phụ sản Hà Nội, CNTT còn được ứng dụng hiệu quả qua triển khai bệnh án điện tử trong KCB. Hiện nay, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với các khoa, phòng trong BV, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học. Nhờ đó, mọi dữ liệu được liên thông, giúp bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm diện tích, không gian cho việc lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy như trước kia. Còn với người bệnh, bệnh án điện tử cũng giúp họ không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi KCB như: Kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc… Việc triển khai các phần mềm bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử... giúp cho chất lượng dịch KCB không ngừng được nâng cao.
Đến nay, ngoài BV Phụ sản Hà Nội, Thành phố còn có 4 cơ sở y tế khác gồm: BV Đa khoa Xanh Pôn; BV Đa khoa huyện Mỹ Đức; BV Đa khoa Vân Đình và BV Đa khoa Hòe Nhai đang triển khai hiệu quả mô hình bệnh án điện tử.
Từ kinh nghiệm triển khai thực tiễn, TS Nguyễn Khuyến - Giám đốc BV Đa khoa Vân Đình cũng khẳng định: Bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ lúc tiếp nhận đến khi ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh.
Cùng với bệnh án điện tử, nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân trên địa bàn Thành phố, tháng 6/2024, nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử đã được TP Hà Nội ra mắt và vận hành chính thức, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cơ sở y tế và cơ quan quản lý Nhà nước.
Cụ thể, Thành phố đã khởi tạo được hồ sơ sức khỏe điện tử cho hơn 9 triệu người dân; chuẩn hóa thông tin trên hệ thống cho 7,75 triệu người; hơn 6,16 triệu người được cập nhật bổ sung thông tin căn cước công dân; hơn 4,3 triệu người dân được cập nhật bổ sung số thẻ BHYT. Đến nay, Thành phố cũng đồng bộ được gần 3,3 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên Ứng dụng VneID. Ngoài ra, ngành y tế Thành phố cũng đã kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế, đồng bộ gần 3,3 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Nhờ đồng bộ hóa, tích hợp và liên thông dữ liệu về hồ sơ sức khỏe trên ứng dụng định danh điện tử VNeID, khi tới cơ sở y tế, người bệnh không còn phải mang nhiều giấy tờ thông tin khám, điều trị, tiêm chủng như trước. Sổ sức khỏe điện tử đã thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy. Đáng nói, mỗi người dân Thủ đô sẽ có riêng một sổ sức khỏe điện tử trọn đời để tiện theo dõi, quản lý, tự cập nhật thông tin sức khỏe về bệnh tật, tiền sử bệnh... của mình và người thân trong gia đình. Qua đó, được tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và tư vấn điều trị những căn bệnh mãn tính để có thể chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe...