Báo động trẻ viêm gân, viêm khớp vì dùng smartphone

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng là những vật dụng không thể thiếu của mỗi người trong xã hội hiện đại thời nay. Tuy nhiên, sử dụng các thiết bị này một thời gian dài và không đúng cách có thể gây nên những hệ lụy về cơ xương khớp. Thời gian qua, Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân là học sinh bị đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón cái do chơi điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử quá nhiều.

Báo động trẻ viêm gân, viêm khớp vì dùng smartphone - ảnh 1
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Int

Nguy cơ đẩy nhanh quá trình thoái hoá khớp
Thông tin cụ thể về tình trạng trên, BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng (BV Đại học Y Hà Nội) cho hay: “Sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, nhiều người thường chỉ biết đến tác hại từ ánh sáng xanh của màn hình hay sóng điện thoại, ít ai ngờ rằng bàn phím ảo của các thiết bị này cũng ảnh hưởng đến xương khớp bàn tay. Thời gian qua, tôi từng gặp rất nhiều bệnh nhân là các cháu học sinh mới học cấp 2 nhưng đã đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều. Có cháu xuất hiện biểu hiện bị viêm gân. Với những trường hợp này, chỉ khoảng 5-7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay của trẻ sẽ bị thoái hóa".

BS Huyền phân tích: Khác với người lớn, khi sử dụng các thiết bị thông minh, trẻ thường tập trung vào thiết bị mà quên đi việc bảo vệ cho các cơ quan của cơ thể. Trẻ có thể ôm máy tính bảng hay cầm smartphone để chơi trong thời gian dài, thường với tư thế rất gò bó, cúi gập đầu, mắt dí sát vào màn hình, ngồi khom người do chưa biết cách sử dụng đúng... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cơ xương khớp của trẻ. Cụ thể là trẻ có thể bị vẹo cột sống cổ, vẹo cột sống thắt lưng, gù, đau nhức vai, đau vai gáy, đau tay… Đặc biệt, các ngón tay sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu trẻ dùng quá nhiều thiết bị thông minh. Từ đó làm giảm hiệu suất học tập, giảm khả năng viết của trẻ.

"Nhiều trẻ thường sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục 2-3 giờ, thậm chí có trường hợp ngoài giờ ăn và ngủ ra lúc nào cũng cầm điện thoại sử dụng, như vậy là quá nhiều. Với thời gian dài, tần suất liên tục, bàn tay của trẻ sẽ bị tác động rất lớn do bàn tay luôn phải giữ ở tư thế cố định để cầm điện thoại. Tất cả các phần của tay từ ngón tay, bàn tay đến cả đến cổ tay đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngón tay nào hoạt động nhiều và liên tục, ngón đó sẽ có dấu hiệu mỏi, đau trước tiên.

Khi đi học, trẻ đã phải sử dụng tay nhiều, ngay như việc cầm bút viết là các cháu đã luôn phải giữ tay ở một tư thế cố định trong một thời gian dài, đó là tư thế không tốt cho khớp. Khi về đến gia đình trẻ lại tiếp tục sa đà vào các thiết bị điện tử, tay tiếp tục phải làm việc nhiều. Chơi thiết bị điện tử quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến trẻ tăng nguy cơ thoái hóa khớp khi trưởng thành, mọc gai xương bàn tay, biến dạng khớp ngón tay, khớp bàn tay và hạn chế vận động. Quá trình thoái hóa không phải ngay lập tức mà nó diễn biến từ từ, trải qua nhiều tháng, nhiều năm" - BS Huyền cho biết thêm.

Dấu hiệu “chỉ điểm” cha mẹ cần lưu ý
Từ những trường hợp thực tế, BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền khuyến cáo về các dấu hiệu cho thấy trẻ đang sử dụng thiết bị thông minh quá mức và gây hại cho sức khoẻ như: Đau, mỏi bất cứ khớp nào từ cổ, vai, khuỷu, cổ tay, đến các ngón tay. Sau một thời gian dài chơi thiết bị điện tử, trẻ kêu mỏi, tê tay, ngón cái vận động khó. Các khớp cứng lại, mỏi, nhất là khớp ở giữa bàn tay và ngón cái, đó là khớp ở gốc bàn tay, khi để tay không cũng mỏi.

Để ngăn ngừa nguy cơ thoái hoá khớp ở trẻ, theo BS Huyền, cha mẹ cần xác định smartphone, máy tính bảng không phải là một đồ chơi thân thiện với con, việc sử dụng cần có sự kiểm soát, hạn chế thời gian, cầm nắm đúng cách... để giảm tình trạng đau, mỏi khớp. 

Theo bác sĩ Huyền, không chỉ người lớn mà các học sinh hiện nay hay có thói quen bẻ ngón tay, bẻ khớp khi mỏi tay. Thói quen này hoàn toàn không tốt cho khớp. "Động tác bẻ khớp là hành động kéo giãn bao khớp, lúc này các đầu khớp cọ lên nhau rất mạnh, tạo áp lực lớn tác động vào đầu khớp và sụn khớp. Bẻ tay càng nhiều, bao khớp càng giãn. Khi bị giãn, các bao khớp không thể giữ cho khớp ở trạng thái ổn định. Đây là việc làm thúc đẩy tình trạng thoái hóa khớp" - BS Huyền lưu ý.

Bên cạnh đó, các chuyên gia xương khớp cũng khuyến cáo thêm, những bệnh nhân bị đau khớp bàn tay do lạm dụng smartphone, máy tính bảng nên ngâm tay vào nước muối gừng. Cách làm là đun nước ấm đến nhiệt độ khoảng 50 - 600C (hoặc có thể điều chỉnh tùy thuộc vào khả năng của người dùng), gừng đập dập, bỏ vào nước đã đun cùng muối hạt, ngâm tay mỗi ngày 1 lần từ 15 - 30 phút vào thời điểm thích hợp (nên vào buổi tối trước khi đi ngủ). Cách làm như vậy sẽ giúp giảm đau các khớp hiệu quả. Dẫu vậy, việc tới khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh là điều rất cần thiết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).