Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ khi trở lại trường học

Chia sẻ

Theo kế hoạch, tới đây học sinh các cấp và trẻ mầm non sẽ được đi học trở lại theo lộ trình. Điều này khiến không ít bậc cha mẹ lo lắng vì con chưa được tiêm vắc-xin, đặc biệt là tình trạng học sinh trở thành FO khi đi học trực tiếp không ngừng gia tăng.

Cùng với đó, nhiều tuần nay, thời tiết rét đậm, rét hại cũng là môi trường thuận lợi để dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý cách chăm sóc và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ khi quay trở lại trường học. 

Xử trí thế nào khi trẻ mắc Covid-19?

Từ kinh nghiệm lâm sàng trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, ThS.BS Lê Xuân Hà - bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết: Khi trẻ mắc Covid-19, sốt và ho là triệu chứng thường gặp nhất. Trẻ nhỏ triệu chứng nặng hơn trẻ lớn; đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, triệu chứng thường giảm sau 3-5 ngày, và rất ít thấy trẻ diễn biến nặng cần phải nhập viện điều trị.

Việc điều trị tại nhà trong hoàn cảnh hiện tại là tối ưu vì: Trẻ được chăm sóc bởi cha mẹ, dinh dưỡng được đảm bảo; trẻ không bị thay đổi môi trường sống, ít ảnh hưởng đến tâm lý; tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; hạn chế quá tải y tế. Tuy nhiên, để điều trị tại nhà cho trẻ mắc Covid-19, cha mẹ cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức nhất định, thuốc và phương tiện phòng hộ cho cả gia đình.

Trẻ có thể điều trị ở nhà khi vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh. Gia đình có thể quan sát nhịp thở của trẻ: Trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường 30 lần/phút; trẻ trên 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi có những triệu chứng sau: Sốt cao >390C không kiểm soát được; thở nhanh; nhịp tim nhanh; nếu có máy đo SpO2 < 95%; đau ngực; dấu hiệu đau đầu, nôn nhiều; kích thích; mệt lả; ăn uống kém hơn bình thường; tiêu chảy kèm tiểu ít.

Để xử trí sốt cho trẻ mắc Covid-19, BS Lê Xuân Hà lưu ý cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng, không ủ chăn kín; dùng nước ấm lau các vị trí cổ, sau mang tai, nách, bẹn, lòng bàn tay-bàn chân khoảng 15 phút thì kẹp lại nhiệt độ, dừng chườm khi nhiệt độ dưới 37,50C.

Khi trẻ sốt >38,50C ưu tiên sử dụng Paracetamol, trẻ nhỏ dùng thuốc đặt hậu môn, trẻ lớn dùng thuốc uống. Liều lượng 10-15mg/kg cân nặng/lần, không quá 5 lần 1 ngày; tổng liều không quá 75mg/kg cân nặng/ngày. Ví dụ trẻ 2 tuồi-10kg, liều dùng 1 đạn Efferalgan 150mg/lần, không quá 5 lần/ngày. Thực tế đã có trẻ cần phải dùng phối hợp với Ibuprofen để hạ sốt. Liều Ibuprofen 4-10mg/kg cân nặng/lần, không quá 4 lần/ngày (Ibuprofen 100mg/5ml).

“Nếu trẻ có các triệu chứng sốt cao co giật như: Chân tay cứng lại, co giật, mắt trợn ngược; ngừng thở trong vài giây; có thể nôn, đại tiểu tiện không tự chủ... cần để trẻ nằm nghiêng nơi thoáng khí, mặc quần áo thoáng, không trùm chăn kín.

Nếu trẻ cắn chặt hàm thì dùng đè lưỡi đè hàm xuống, tránh để trẻ cắn vào lưỡi; lau sạch miệng họng và chất nôn nếu có; chườm ấm; dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Sau cơn co giật trẻ thường rất buồn ngủ, li bì, có sự nhầm lẫn sau cơn nhưng sẽ phục hồi lại trạng thái bình thường. Sốt cao co giật ở trẻ không gây bất cứ tổn hại nào cho não và thường biến mất sau vài chục giây. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là cơ sở tiếp nhận bệnh nhân Covid-19” - BS Lê Xuân Hà khuyến cáo.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ trước đại dịch Covid-19 	Ảnh: IntTiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ trước đại dịch Covid-19 Ảnh: Int

Nhiều nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp

TS.BS. Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm: Trong bối cảnh giao mùa hiện nay, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, ngay cả khi chưa có dịch Covid-19 thì với đặc điểm thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ thất thường trong ngày, trẻ em rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập, sinh hoạt ngoài môi trường. Đơn cử như các bệnh: Cảm cúm, viêm mũi xoang, viêm hầu họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính... Thông thường, các bệnh viêm đường hô hấp có triệu chứng chung là: sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khạc đờm…

Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, nguy cơ nhiễm bệnh và khả năng diễn biến nặng, khó lường sẽ cao hơn.

Nếu không được phát hiện sớm, bệnh có thể diễn biến nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, tăng sức đề kháng, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.

“Trong lúc dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cha mẹ càng cần phải chú ý theo dõi trẻ. Trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp mắc Covid-19 với trẻ chỉ vài tháng tuổi. Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em tương tự như người lớn. Phần lớn các trường hợp biểu hiện các triệu chứng nhiễm virus như: Sốt, ho, sổ mũi, mệt... một số trường hợp có kèm theo vấn đề viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Diễn biến nặng đa phần trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như: suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống...” - TS.BS Nam thông tin.

Phòng bệnh đường hô hấp nói chung và Covid-19 nói riêng khi trẻ trở lại trường, cha mẹ cần đặc biệt chú ý biện pháp giúp trẻ tăng sức đề kháng và miễn dịch. TS.BS Nam khuyến cáo các bậc phụ huynh: Nên tiêm phòng cho trẻ ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; có chế độ dinh dưỡng hợp lý; khi mưa lạnh cần giữ ấm cơ thể, uống nước ấm thường xuyên, uống đủ nước mỗi ngày; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập; rửa tay thường xuyên, không đưa tay lên mắt mũi miệng; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác. Khi có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.