Béo phì và vô sinh ở nam giới

ThS.BS Nghiêm Trung Hưng Khoa Nam học, Bệnh viện TƯ Quân đội 108
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vô sinh, được định nghĩa là không có khả năng thụ thai sau một năm giao hợp không sử dụng các biện pháp tránh thai. Vô sinh ở nam giới chiếm 25 - 30% tổng số trường hợp và kết hợp với các yếu tố nữ giới, góp phần tạo ra 30% các trường hợp khác.

Nam giới hiếm muộn có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn đáng kể so với dân số nói chung. Chỉ số BMI cao (tương ứng hơn 30kg/m2) đều có liên quan đến việc giảm thể tích tinh hoàn và giảm chất lượng tinh trùng cho thấy sự suy giảm khả năng sinh tinh.

Hiện nay, béo phì đã trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng gây ra các biến chứng y tế khác nhau. Cân nặng tăng ở nam giới có liên quan đến mức testosterone thấp hơn, chất lượng tinh trùng kém hơn và giảm khả năng sinh sản so với nam giới có cân nặng bình thường. Tỷ lệ vô sinh tăng 10% đối với mỗi 9kg (20 pound) một người đàn ông thừa cân. Dưới đây là một số cơ chế gây vô sinh ở nam giới mắc béo phì:

Bệnh nội tiết và suy giảm khả năng sinh tinh

Một số nghiên cứu chứng minh rằng chỉ số BMI ở nam giới tăng có liên quan đến việc giảm nồng độ globulin liên kết với hormone giới tính (SHBG) và testosterone đồng thời với sự gia tăng nồng độ estrogen trong huyết tương. Giảm testosterone và tăng estrogen từ lâu đã có liên quan đến khả năng sinh sản và giảm số lượng tinh trùng bằng cách phá vỡ vòng phản hồi của trục dưới đồi- tuyến yên (HPG).

Các hormone khác liên quan đến việc điều chỉnh chức năng tế bào Sertoli và quá trình sinh tinh, chẳng hạn như tỷ lệ FSH/LH, nồng độ chất ức chế B và SHBG đều được quan sát thấy là giảm ở nam giới có chỉ số BMI tăng. Do đó số lượng tinh trùng giảm ở nam giới béo phì ít nhất một phần là kết quả của sự thay đổi trục HPG thông qua testosterone và estrogen và có khả năng làm giảm chức năng tế bào Sertoli.

Béo phì và vô sinh ở nam giới - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tác dụng nhiệt lên quá trình sinh tinh

Nam giới béo phì sẽ tăng mỡ vùng bìu từ đó gây tăng nhiệt độ ở tinh hoàn gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh tinh. Quá trình sinh tinh rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ tối ưu nằm trong khoảng 34-35°C. Nhiệt độ tăng cao trong bìu do mô mỡ có thể gây hại cho tế bào tinh trùng. Tác động có hại của nhiệt có liên quan đến việc giảm khả năng vận động của tinh trùng, tăng sự phân mảnh DNA của tinh trùng và tăng stress oxy hóa tinh trùng. Phẫu thuật cắt bỏ mỡ bìu đã được báo cáo là giúp cải thiện các thông số tinh trùng.

Tổn thương DNA tinh trùng và stress oxy hóa

Nhiều nghiên cứu trên người và động vật đã xác định rằng có mối quan hệ giữa béo phì và sự suy giảm tính toàn vẹn DNA của tinh trùng. Béo phì ở nam giới có liên quan đến việc giảm nồng độ và khả năng vận động của tinh trùng, tăng tổn thương DNA của tinh trùng và thay đổi hormone sinh sản.

Một trong những cơ chế bệnh lý tiềm ẩn đằng sau việc giảm hiệu suất sinh sản ở nam giới béo phì là stress oxy hóa tinh trùng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress oxy hóa tăng lên khi chỉ số BMI tăng, chủ yếu là do sự gia tăng kích hoạt đại thực bào tinh dịch. Điều này dẫn đến giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, tăng tổn thương DNA của tinh trùng, giảm phản ứng acrosome và tỷ lệ cấy phôi thấp hơn sau IVF.

Tác động tâm lý của béo phì tới tình dục

Ở nam giới, người ta đã chứng minh rằng béo phì có thể làm giảm sự hài lòng trong tình dục, thiếu hứng thú tình dục, thiếu ham muốn tình dục, khó thực hiện tình dục, tránh quan hệ tình dục và gây ra rối loạn cương dương. Những người thừa cân có thể coi mình là người không phù hợp về mặt tình dục, kém hấp dẫn và không được mong muốn, khiến họ tránh xa các mối quan hệ tình dục tiềm năng hoặc thực tế.

Béo phì cũng có thể liên quan đến tình dục theo cách ngược lại. Nếu một cá nhân gặp vấn đề về tình dục hoặc là nạn nhân của lạm dụng tình dục, anh ta có thể chuyển sang ăn quá nhiều như một biện pháp để giải quyết trải nghiệm khó chịu của mình.

Mối quan hệ giữa béo phì và trầm cảm là tương hỗ. Những người thừa cân cũng thường xuyên bị kỳ thị và phân biệt đối xử vì trọng lượng cơ thể của họ, dẫn đến hình ảnh tiêu cực về cơ thể, từ đó họ có nhận thức tiêu cực về bản thân, thiếu tự tin.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).