Biện pháp phòng ngừa bệnh Zona

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Yến (Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu-Dị ứng, Bênh viện Trung ương quân đội 108)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Zona là bệnh nhiễm trùng da gây nên do Varicella zoster virus (VZV) với đặc trưng là các tổn thương da dạng ban đỏ, mụn nước, bọng nước thành đám dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên khu trú ở một bên cơ thể.

Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch (suy giảm về thần kinh và thể lực, người già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh về máu, đái tháo đường), bệnh tự miễn, stress, điều trị tia xạ, ung thư... Tuy việc chẩn đoán và điều trị zona đã có phác đồ cụ thể, nhưng bệnh có thể gây ra một số biến chứng như: Viêm não - màng não, hoại tử võng mạc cấp tính, liệt mặt ngoại biên, đau sau zona…

Đau sau zona là biến chứng rất thường gặp, đau dai dẳng kéo dài từ nhiều tháng đến hàng năm với biểu hiện rát bỏng, âm ỉ, đau giật, đau nhói như dao đâm trên vùng da đã lành sẹo, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phòng ngừa bệnh zona bằng cách nào?

Hiện nay trên thế giới đã có vắc-xin phòng zona, với hiệu quả phòng bệnh ở tỷ lệ cao. Trong đó, chủ yếu là 2 loại chính: Vắc-xin sống giảm độc lực và vắc-xin tái tổ hợp.

Vắc-xin sống giảm độc lực là vắc-xin sử dụng toàn bộ virus đã được bất hoạt để sản xuất ra, do đó, nó có khả năng kích hoạt miễn dịch mạnh mẽ nhưng thường không được sử dụng cho người bị suy giảm miễn dịch do có khả năng gây bệnh.

Vắc-xin tái tổ hợp là loại sử dụng kháng nguyên đặc trưng tạo ra đáp ứng miễn dịch đặc hiệu có khả năng phòng ngừa bệnh, vì vậy thường không tạo ra miễn dịch mạnh mẽ và bề vững ngay từ đầu, thường cần tiêm nhiều mũi và tiêm nhắc lại.

Biện pháp phòng ngừa bệnh Zona - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vắc-xin phòng thủy đậu có phòng được zona?

Tuy thủy đậu và zona đều do VZV gây nên nhưng vắc-xin phòng thủy đậu không có tác dụng phòng ngừa bệnh zona. Dù vắc-xin ngừa thủy đậu là loại vắc-xin sống sử dụng virus giảm độc lực; vắc-xin đầu tiên nghiên cứu phòng ngừa zona cũng là vắc-xin sống giảm độc lực; nhưng phải tăng nồng độ virus gấp từ 60-100 lần so với vắc-xin thuỷ đậu thông thường mới có khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng ngừa zona.

Vì sao nên tiêm phòng vắc-xin Zona?

Vắc-xin zona có hiệu lực rất cao trong việc phòng ngừa khởi phát zona và các biến chứng của bệnh zona. Đối với người có hệ miễn dịch bình thường độ tuổi từ 50-69 khi tiêm vắc-xin phòng zona có hiệu quả lên đến 97%, độ tuổi từ 70 trở lên thì hiệu quả khoảng 91%. Phòng ngừa biến chứng đau sau zona hiệu quả lên đến hơn 91%. Đối với đối tượng có hệ miễn dịch yếu thì vắc-xin có hiệu quả trong khoảng 68-91%.

Ai cần tiêm vắc-xin phòng zona?

Những người thuộc các nhóm sau là đối tượng cần được chỉ định tiêm vắc-xin phòng zona: Người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên); người trưởng thành từ 19 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona do có tình trạng suy giảm miễn dịch (dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch khác). Với đối tượng này chỉ dùng vắc-xin tái tổ hợp và chống chỉ định dùng vắc-xin sống giảm độc lực.

Cách sử dụng vắc-xin phòng zona

Theo các chuyên gia, với vắc-xin sống giảm độc lực, nên tiêm dưới da 1 mũi; với vắc-xin tái tổ hợp, nên tiêm bắp 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 2-6 tháng. Trong quá trình tiêm, người dân có thể gặp phải một số phản ứng bất lợi như: Đau, sưng đỏ tại chỗ, sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ… Các phản ứng này thường tự khống chế sau khoảng 1-3 ngày.

Năm 2023, Hội Y học Dự phòng Việt Nam đưa ra khuyến cáo trong chương trình tiêm vắc-xin cho mọi lứa tuổi về việc dự phòng bệnh lý zona bằng vắc-xin, trong đó có tất cả vắc-xin đã được đề cập. Tuy nhiên với đối tượng có hệ thống miễn dịch suy giảm hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thì chống chỉ định với vắc-xin sống.

Vắc-xin phòng zona đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện cấp phép để có thể đưa vào sử dụng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).