Các dấu hiệu cần biết của bệnh lý sỏi mật

Chia sẻ

Sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra. Tại Việt Nam, sỏi mật chủ yếu gặp ở đường mật chính, trong đó sỏi trong gan chiếm tỷ lệ 20-56%. Có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời của mình, trong số đó có 20-30% phát triển thành các triệu chứng bệnh.

Sỏi mật xuất hiện do chuyển hoá. Đầu tiên sỏi ở trong lòng túi mật sau đó di chuyển vào ống mật chủ, vì lý do nào đó không thể di chuyển tiếp sẽ tạo thành sỏi đường mật ngoài gan hoặc trong gan. Nguy cơ tái phát sỏi trong những trường hợp này cao là do có can thiệp vào đường mật thì không thể tránh khỏi nhiễm trùng. Mỗi một lần nhiễm trùng thành đường mật sẽ không còn nhẵn khiến cho mật lưu thông không tốt, gây ra sỏi.

Ở mỗi người, biểu hiện của sỏi mật không giống nhau, nhưng một số triệu chứng điển hình của sỏi mật phải kể đến là: Đau hạ sườn phải (cơn đau thường xảy ra ở hạ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lan lên vai phải và ra sau lưng; tính chất đau thường âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện); sốt, ớn lạnh (người bệnh sỏi mật có thể bị sốt, cảm lạnh do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật; thường sốt cao trên 380C kèm cảm giác rét run, vã mồ hôi nhiều sau khi cơn sốt hạ xuống); rối loạn tiêu hóa (với các triệu chứng sợ đồ dầu mỡ, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu…); vàng da (tùy vào tiến triển của sỏi mật mà mức độ vàng da của người bệnh khác nhau; thường kèm theo hiện tượng ngứa nhiều).

T.S Bs Đỗ Tuấn Anh thăm khám cho người bệnh 	Ảnh: BVCCT.S Bs Đỗ Tuấn Anh thăm khám cho người bệnh  Ảnh: BVCC

Một số trường hợp có sỏi túi mật, sỏi trong gan không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải như đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng. Theo thống kê thì có khoảng từ 10-20% bệnh nhân có bệnh sỏi mật từ lúc phát hiện ra bệnh tới lúc có triệu chứng là sau 5-20 năm.

Sỏi mật là căn bệnh mắc do thói quen ăn kém vệ sinh, ăn thức ăn sống có nhiễm trùng. Tỷ lệ người dân ở nông thôn mắc bệnh sỏi đường mật còn nhiều do tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Trong khi đó, hiện nay, xu hướng gia tăng các bệnh lý sỏi túi mật ở người dân sống tại thành thị giống như một số nước phát triển do cuộc sống hiện đại mọi người thường ăn thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh nên tăng các ca bệnh mắc sỏi mật…

Cùng đó, việc mắc bệnh về chuyển hoá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu tình trạng viêm đường mật tái diễn nhiều lần, kéo dài… bệnh có thể tiến triển thành ung thư đường mật. Bởi vậy, để phòng bệnh, người dân nên ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng đến 1 năm.

Bệnh sỏi túi mật phát hiện rất đơn giản qua siêu âm và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng. Khi người dân thấy đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, có dấu hiệu vàng da… thì cần phải đến cơ sở y tế thăm khám.

Phát hiện sớm và điều trị sỏi mật kịp thời sẽ hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như: Viêm phúc mạc mật; viêm tụy cấp do sỏi; chảy máu đường mật; viêm mủ đường mật và áp xe gan mật; sốc nhiễm khuẩn đường mật; hoặc những biến chứng mạn tính của bệnh gan mật xơ gan mật, ung thư đường mật.

TS.BS Đỗ Tuấn Anh
Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tin cùng chuyên mục

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

(PNTĐ) - Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.