"Căng mình" phục vụ F0 điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động

Chia sẻ

Những ngày qua, số người mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao với mức trên dưới 800 ca/ngày. Để thích ứng, thành phố đã ban hành quy định hướng dẫn triển khai thu dung, cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại trạm y tế lưu động và tại nhà.

Nhiều áp lực dồn lên vai nhân viên y tế

Được kích hoạt từ ngày 23/11/2021 nhưng tính đến ngày 10/12, Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã thu dung, điều trị 174 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 30 người đã được xuất viện, 6 trường hợp chuyển tuyến điều trị tại tầng 2 và tầng 3. Số lượng bệnh nhân nhiều như vậy nhưng nhân lực y tế được phân bổ tại trạm (luân phiên theo đợt) chỉ gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng.

Tham gia chống dịch tại Trạm từ ngày 7/12, BS Lê Thị Xiêm - Đội phó phụ trách chuyên môn Trạm y tế lưu động số 1 chia sẻ, mỗi buổi sáng, các bác sĩ và điều dưỡng sẽ đến thăm khám cho từng bệnh nhân, cấp phát thuốc, vitamin, đồng thời tư vấn cho người bệnh cách tự chăm sóc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng chống lại virus. Các suất ăn được phục vụ đến tận phòng bệnh cho mỗi người.

Bên trong khu cách ly tại Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức.Bên trong khu cách ly tại Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức. (Ảnh: NVCC.)

Hàng ngày, nhân viên y tế rà soát bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp nào có xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện thì sẽ được xuất viện và hướng dẫn, tư vấn theo dõi sức khỏe tại nhà. Qua ghi nhận, hầu hết các F0 tại đây đều thể nhẹ, không triệu chứng nên tâm lý của họ khá thoải mái trong quá trình điều trị.

“Đầu việc tuy ngắn gọn nhưng khối lượng công việc hàng ngày của y bác sĩ tại trạm rất nhiều, do số bệnh nhân cả trăm người trong khi y tế chỉ có 5 nhân viên. Chưa kể, bệnh nhân được đưa tới điều trị tại trạm thường vào buổi tối, có ngày hơn 20 bệnh nhân, cao điểm nhất là khoảng 25 bệnh nhân. Tiếp đón 1 đợt vào cũng mất khá nhiều thời gian nên có hôm chúng tôi phải làm đến 2h30 sáng. Mỗi ngày chỉ nghỉ được khoảng 5 tiếng”- BS Xiêm nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) cho biết, UBND huyện đã xây dựng phương án đối với từng tình huống và số lượng bệnh nhân trên địa bàn được giao. Nhưng, hiện nay nhân lực y tế còn “mỏng”, khi một nhóm vào thực hiện công việc sau đó về phải cách ly 14 ngày, nên việc quay vòng nhân viên y tế tham gia vào công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cũng đã thành lập Trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị các trường hợp F0 thể nhẹ. Ngoài ra, tính đến 10/12, trên địa bàn phường có 10 F0 đang được điều trị tại nhà. Việc này tạo nhiều thuận lợi cho bệnh nhân, người nhà nhưng lại gây áp lực lớn với nhân viên y tế, chính quyền địa phương. Hiện quân số Trạm y tế chưa tới 10 người nhưng phải chia năm xẻ bảy, vừa cắt cử tham gia Trạm y tế lưu động, vừa lập hồ sơ, theo dõi sức khỏe cấp phát thuốc, điều trị cho F0 tại nhà, lại tham gia sàng lọc, tiêm chủng và nhiều hoạt động chuyên môn khác tại cơ sở… nên khối lượng công việc dồn lên vai mỗi nhân viên y tế rất lớn, nhiều khi chạy “vắt chân lên cổ”.

Bệnh viện quá tải vì người dân tự đến khám khi mắc Covid-19

Không chỉ y tế cơ sở mà thời gian qua, một số bệnh viện thuộc phân tầng 2, 3 cũng gặp phải áp lực khi xuất hiện tình trạng người dân tự mua kít và làm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho kết quả nghi ngờ dương tính, đã tự ý đến khám, thay vì báo cho chính quyền địa phương, y tế cơ sở.

BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Có những ngày bệnh viện ghi nhận trên 20 bệnh nhân tự làm test nhanh dương tính đến khám để được tiếp nhận và làm xét nghiệm PCR. “Hiện nay, khu vực khám sàng lọc của bệnh viện đã có sự phân luồng dành cho bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ. Tuy nhiên với mức độ người dân đến ồ ạt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phân luồng cũng như thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm PCR của người bệnh.

Nhân viên y tế bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm cho trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm tới khám tại bệnh viện.Nhân viên y tế bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm cho trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm tới khám tại bệnh viện. (Ảnh: T.H)

Chưa kể, việc bệnh nhân tầng 1 (F0 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng) mong muốn được vào cơ sở y tế điều trị cũng là gánh nặng rất lớn với ngành y tế, vì số giường điều trị tầng 1 nhiều sẽ mất đi cơ hội của các bệnh nhân nặng ở tầng 3.Trong khi đó, Hà Nội đã có quy định về phân tầng điều trị. Những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại các Trạm y tế lưu động” - BS Hường nhấn mạnh.

Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Trao đổi với báo chí, TS.BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc bệnh viện khẳng định: Đây là điều không tốt cho cộng đồng bởi người dân sau khi dương tính, tự ý di chuyển có thể gây nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

Dành lời khuyên với những người test nhanh dương tính tại nhà, BS Hường cũng chỉ rõ: Người dân phải khẩn trương khai báo với y tế phường, Trung tâm y tế nơi bệnh nhân sinh sống khi làm test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong thời gian chờ đợi cần liên hệ chặt chẽ với cán bộ y tế địa phương xem mình có triệu chứng gì, nặng hay không để được can thiệp kịp thời. Nếu không có gì thay đổi, người dân vẫn nên chờ kết quả PCR và sắp xếp của cán bộ y tế phường, tránh việc tự ý xử lý dẫn tới hậu quả cho cộng đồng, quá tải cho cơ sở y tế.

Nhân lực tại Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức được phân công theo từng đợt, mỗi đợt gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡngNhân lực tại Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức được phân công theo từng đợt, mỗi đợt gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng (Ảnh: T.H)

Người dân lo lắng nhưng đừng quá hoang mang

Với số ca Covid-19 mắc mới bình quân lên tới 177/100.000 dân/tuần, tính đến ngày 12/12, quận Đống Đa (Hà Nội) hiện đang được đánh giá là vùng cam (tương đương với cấp độ dịch 3). Cùng với điều trị tại cơ sở y tế, khu vực cách ly tập trung, thành phố cũng đã đồng ý cho phép Đống Đa triển khai điều trị trường hợp F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng tại trạm y tế lưu động và tại nhà.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm y tế quận Đống Đa, hiện nay trên địa bàn quận đã triển khai cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà cho một số trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Hàng ngày, nhân viên y tế tiến hành liên lạc, cập nhật tình trạng bệnh nhân qua điện thoại; nếu có dấu hiệu bất thường hoặc chuyển nặng sẽ tới trực tiếp để thăm khám, cấp thuốc điều trị. Việc này tạo thuận lợi và sự thoải mái cho chính người bệnh và gia đình các F0.

Tuy nhiên, với số ca mắc tăng cao liên tục, trong khi lực lượng y tế quá “mỏng”, nhiều trường hợp người dân được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm, dù không đủ điều kiện điều trị tại nhà vẫn chưa thể chuyển tới khu cách ly tập trung ngay. Trong hoàn cảnh đó, khó tránh khỏi người bệnh và người nhà của các F0 xuất hiện tâm lý lo lắng.

“Lo lắng nhưng người dân không nên vì thế mà hoang mang, thậm chí nên bình tĩnh, chủ động tự theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế, bởi hiện nay hầu hết bệnh nhân Covid-19 đều ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng vì đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở nhẹ hay diễn biến bất thường, tăng nặng… chỉ cần người dân thông báo, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cách dùng thuốc hạ sốt, hoặc trực tiếp tới nhà người bệnh khám, điều trị và chuyển tuyến nếu cần.

Tới đây, chúng ta phải xác định và chấp nhận số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng sẽ còn tăng lên. Mục tiêu trong điều trị cũng sẽ hướng đến tập trung vào những trường hợp nặng, người có bệnh lý nền… để giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Vì ngoài Covid-19, còn rất nhiều bệnh lý nặng, nguy hiểm hay trường hợp nguy kịch khác cần cấp cứu. Trường hợp F0 thể nhẹ, không triệu chứng hoàn toàn có thể chủ động phối hợp với y tế cơ sở để tự theo dõi, điều trị tại nhà; ưu tiên sự chăm sóc của nhân viên y tế cho người có tình trạng nặng” - ông Nguyễn Đức Tuấn bày tỏ.

Chia sẻ với khó khăn của y tế cơ sở, BSCKII Nguyễn Thu Hường cho biết: Nhiều F0 hiện nay phản ánh rằng phải đợi rất lâu, thậm chí hơn 1 ngày mới được đưa đi cách ly. Việc vận chuyển chậm trễ cũng do nhiều yếu tố khách quan vì lượng bệnh nhân đông, công suất của một số đơn vị như Trung tâm cấp cứu 115 dù lớn cũng không thể kịp thời ngay, thậm chí có thể không đón được bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu. Khi chờ đợi, người dân cần kết nối chặt chẽ với Trung tâm y tế, y tế phường và hoàn toàn có thể yên tâm vì họ đều đã được tập huấn để hướng dẫn người dân cách theo dõi, nếu dấu hiệu chuyển nặng sẽ có biện pháp xử lý.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).