Cảnh báo bệnh ho gà tăng đột biến

Chia sẻ

PNTĐ-Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các vị phụ huynh cần đưa con đi khám khi thấy trẻ bị ho để được chẩn đoán đúng bệnh và chữa trị kịp thời.

 
 Từ đầu năm 2017 đến nay, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 55 trường hợp trẻ em nhập viện do mắc bệnh ho gà. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các vị phụ huynh cần đưa con đi khám khi thấy trẻ bị ho để được chẩn đoán đúng bệnh và chữa trị kịp thời.
 
Cảnh báo bệnh ho gà tăng đột biến - ảnh 1
Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh ho gà
 
Nhiều trẻ em phải nhập viện           
 
Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (TƯ) từ đầu năm 2017 đến nay đã liên tục tiếp nhận các trẻ bị biến chứng nặng do ho gà vào nhập viện. Hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin, hoặc tiêm chưa đủ liều. Đáng lưu ý, ghi nhận các trẻ mắc ho gà còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), trước thời điểm có chỉ định tiêm vắc xin (theo chỉ định, trẻ tiêm vắc xin ho gà mũi 1 lúc đủ hai tháng tuổi).
 
Ghi nhận tại BV Nhi TƯ, một bệnh nhi mới hơn 1 tháng tuổi mắc ho gà và được nhập viện trong tình trạng suy hô hấp. Dù đã hơn 10 ngày nằm viện, bé vẫn phải lọc máu và sử dụng máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể. Gia đình cháu bé cho biết, trước khi nhập viện cháu chỉ bị ho nhẹ, nhưng chỉ vài ngày sau cơn ho kéo dài hàng tiếng, bé có biểu hiện tím tái. Các bác sĩ đang điều trị tại đây cho biết, biểu hiện và triệu chứng của ho gà thường giống với viêm phế quản, chỉ khi bệnh nặng gia đình mới đưa vào viện.
 
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, thời điểm hiện nay số ca được chẩn đoán ho gà gia tăng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, cả năm 2015 có hơn 10 ca ho gà nhập viện, trong đó 56,5% trẻ mắc ho gà dưới 3 tháng tuổi. Năm 2016 có 12 ca ho gà. Nhưng năm 2017, từ đầu tháng 1 đến nay tại BV đã ghi nhận 55 trường hợp nhập viện do mắc ho gà. Đáng buồn, tính đến chiều ngày 8/3, đã có 5 trường hợp bệnh nhân tử vong.
 
Bệnh ho gà khởi phát có thể không có sốt hoặc sốt nhẹ (37 - 380C) với các triệu chứng viêm long đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng). Sau 7 -10 ngày, ho sẽ nặng dần theo từng cơn và kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị. Bệnh không để lại biến chứng nếu được điều trị kịp thời và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì đặc biệt ở đường hô hấp sau này. Với trẻ lớn bị ho gà và không có biến chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong 10-14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thường phải nằm điều trị nội trú trong BV.

Chủ động phòng chống dịch bệnh
 
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh ho gà, không để dịch bùng phát, ngày 6/3/2017, Bộ Y tế đã có công văn khẩn số 995/BYT-DP về việc tăng cường phòng, chống bệnh ho gà gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc ho gà tại một số tỉnh, thành phố so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu tại một tỉnh khu vực phía Bắc. Các bệnh nhân mắc bệnh rải rác ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Cao Bằng, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam. Điều đáng lưu ý, là số ca mắc bệnh ho gà nhiều nhất là Hà Nội (với 10 trường hợp), tiếp sau đó là Nam Định (5 trường hợp).
 
Theo các chuyên gia y tế, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, hay xảy ra nhất trong mùa đông -xuân và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tác nhân gây bệnh ho gà là trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp hay để lại những biến chứng nặng dẫn đến viêm não. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…
 
Bệnh tuy nguy hiểm song theo các chuyên gia ho gà có thể phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm chủng. Theo đó, trẻ tiêm đủ 3 mũi theo đúng lịch tiêm sẽ có khả năng phòng bệnh rất lớn, hiệu quả đến 90%. Lịch tiêm vắc xin DTP (bạch hầu, uốn ván, ho gà), hoặc Quivaxem - vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, viêm gan virut B và Haemophilus influenzae type B, như sau: Mũi 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi 2: sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi 3: sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi. Ngoài tiêm chủng cho trẻ, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nên tiêm phòng cho các bà mẹ mang thai để phòng bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và giai đoạn trước tuổi tiêm chủng.
 
Trường hợp chưa chủng ngừa đủ 3 mũi thì khả năng ngừa bệnh yếu hơn hoặc nếu trẻ có mắc bệnh thì sẽ nhẹ hơn những trẻ không tiêm chủng. Ngoài ra, với những người không mắc ho gà (dù ở lứa tuổi nào, đã hay chưa chủng ngừa vắc xin) nhưng phải tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân ho gà sẽ được chỉ định điều trị dự phòng bằng kháng sinh.
 
Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
 
Ánh Dương

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).